.

Ngày thơ Việt Nam

.

*Ngày thơ Việt Nam ra đời từ năm nào và do cơ quan nào tổ chức? Tại Đà Nẵng, hoạt động văn hóa này các năm qua đã diễn ra thế nào và năm nay có gì mới? (Hoàng Văn Nam, Hải Châu, Đà Nẵng).

Một buổi giao lưu thơ nhạc hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam của Hội Nhà văn Đà Nẵng tổ chức tại Nghĩa trủng Hòa Vang. (Ảnh: V.T.L)
Một buổi giao lưu thơ nhạc hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam của Hội Nhà văn Đà Nẵng tổ chức tại Nghĩa trủng Hòa Vang. (Ảnh: V.T.L)

- Ngày thơ Việt Nam là ngày hội tôn vinh thành tựu thơ ca Việt Nam, được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch hằng năm theo quyết định của Hội Nhà văn Việt Nam, dưới sự đồng ý và chỉ đạo của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) và Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Ngày thơ Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức long trọng vào năm Quý Mùi (2003) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Mở đầu bằng lễ kéo Lá cờ Thơ, rồi ngâm đọc bài thơ Nguyên tiêu của Hồ Chí Minh. Sau đó là các chương trình giao lưu thơ với công chúng, đọc những bài thơ hay nhất của đất nước, ngâm thơ, bình thơ,… Ngày thơ Việt Nam đã vượt qua một sự kiện văn học mà trở thành một lễ hội văn hóa thu hút đông đảo khách tham quan.

Tại Đà Nẵng, những năm gần đây, Hội Nhà văn thành phố chủ trương “đưa thơ đến với người yêu thơ” một cách thiết thực ở những cơ sở khu dân cư, trường học, các dơn vị quân đội, học sinh sinh viên... Hội định hướng tổ chức những “Ngày thơ Việt Nam” và các “Đêm thơ Nguyên tiêu” ở các CLB Thơ các quận, huyện và các trường đại học để cố gắng tạo được một “không khí thơ ca” đến được với bạn đọc rộng rãi các tầng lớp, nhất là với các bạn đọc trẻ.

Nguyên tiêu Nhâm Thìn 2012, Hội Nhà văn đã phối hợp với các CLB Thơ những người cao tuổi như CLB Thơ Thái Phiên, Hàn Giang và nhiều CLB Thơ như Bắc Mỹ An, Hòa Cường Bắc, Thanh Khê Đông... tích cực tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú trong “Ngày thơ Việt Nam” và đã đem lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng người yêu thơ.

Nhà thơ Nguyễn Kim Huy - Phó Chủ tịch kiêm Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nhà văn, Phó Giám đốc Tổng Biên tập NXB Đà Nẵng, hy vọng với cách làm này, thơ và các nhà thơ sẽ trở nên gần gũi hơn với độc giả, có sự gặp gỡ giao lưu mật thiết cụ thể hơn trong tình hình thơ ca đang phải đối mặt với sự lãng quên và thờ ơ của nhiều bạn đọc như hiện nay bởi sự phát triển thiếu chọn lọc gần như “lạm phát” của nó. Và hy vọng bạn đọc sẽ có sự “lắng nghe và thấu hiểu” đối với thơ ca và nhà thơ, những bài thơ hay và các tác giả của nó sẽ thật sự đến được với sự đồng cảm của bạn đọc.

Năm nay, Ngày hội Thơ ca Việt Nam lần thứ XI trên cả nước có chủ đề “Tuổi trẻ và Tổ Quốc”; trong đó tuổi trẻ trí thức, tuổi trẻ học đường với thi ca và tình yêu Tổ Quốc sẽ là âm hưởng chủ đạo. Mở đầu cho các hoạt động này, Hội Nhà văn Đà Nẵng đã phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình Đà Nẵng (DRT) tổ chức một cuộc gặp gỡ đầu xuân để trao đổi về thơ với chủ đề “15 năm thơ Đà Nẵng” (1997 - 2012), qua đó nhấn mạnh những thành tựu, triển vọng và cả những điểm cần xem lại của thơ Đà Nẵng trong 15 năm qua kể từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đài DRT dự định sẽ phát sóng buổi trao đổi này vào đêm 17 tháng Giêng Quý Tỵ.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.