Cửa sổ tri thức

Tục thờ Thành hoàng

07:52, 31/05/2014 (GMT+7)

* Các cụ ở quê tôi người thì gọi Thành hoàng, người thì kêu Thần hoàng. Xin cho hỏi, gọi như thế nào là đúng? Thần được chia ra làm mấy loại? (Hoàng Văn Thành, Liên Chiểu, Đà Nẵng).

- Trong chuyên mục Cửa sổ Tri thức trên Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 22-7-2007 chúng tôi cũng đã đề cập đến sự nhầm lẫn giữa Thành hoàng và Thần hoàng. Cách gọi đúng là Thành hoàng (thành là thành quách, thành lũy; hoàng là cái rãnh đào chung quanh thành, không có nước). Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh có mục từ “Thành hoàng thần” với nghĩa là ông thần làm chủ trong thành, nhưng không có mục từ “Thần hoàng”. Từ điển tiếng Việt cũng giải thích Thành hoàng là “vị thần được thờ ở một làng”. Nay xin nói thêm như sau:

Thành hoàng thần dù có hay không có họ tên và lai lịch, dù xuất thân bất kỳ từ tầng lớp nào, thì cũng là chủ tể trên cõi thiêng của làng và đều mang tính chất chung là hộ quốc tý dân (hộ nước giúp dân) ở ngay địa phương đó.

Trong thiên biên khảo “Nói về miền Nam - Cá tính miền Nam - Thuần phong mỹ tục Việt Nam” (NXB Trẻ) nhà văn Sơn Nam cho biết thần Thành hoàng, theo thông lệ, thờ thần đàn ông, vì khí Dương đem sức mạnh cho muôn loài, muôn vật. Gọi ông Thần hoàng là sai nghĩa, vì tên gọi này chỉ là một nghi lễ đốt tờ giấy vàng, tức bản sao sắc phong do nhà vua tặng cho cha mẹ, ông bà đã qua đời của quan chức cao cấp thời phong kiến (tục này ở trong Nam Bộ không có).

Lệ “thần hoàng” cũng đã được Phan Kế Bính giải thích trong sách Việt Nam phong tục (NXB TP. Hồ Chí Minh, 2004) ở trang 34. Theo đó, vua ban sắc kể công trạng chức tước của người làm quan, rồi suy ân ra mà truy phong đến thời trước đó. Phong về làng nào, dân làng phải rước sắc về nhà chủ, rồi nhà chủ chọn ngày lành tháng tốt làm lễ cáo gia miếu. Trước hết, sao bản sắc của vua ra một tờ giấy vàng y như bản chính. Cả hai được đựng vào một cái mâm, đặt trên hương án, trên bàn thờ bày đủ đồ tế tự, người chủ đốt hương làm lễ, rồi tuyên đọc một bài văn kể duyên do tổ khảo được phong tặng, và được phong chức gì. Sau khi tuyên đọc bản sắc, đốt bản sao mà để bản nguyên lại thờ, cho nên gọi là “thần hoàng” (đốt tờ sắc vàng).

Ở Nam Bộ, ngoài thần Thành hoàng còn có thần Bổn cảnh (gọi là Thành hoàng Bổn cảnh). Wikipedia đã dẫn sách Minh Mạng chính yếu, quyển thứ 12, nói về việc năm Minh Mạng thứ hai mươi (1839) nhà vua đã chuẩn y lời tâu của Bộ Lễ xin hạ lệnh cho các địa phương lập thêm thần vị Bổn cảnh. Đây là chức vụ mới, lúc trước không phổ biến. Lê Phục Thiện, người dịch sách này, chú giải: Thành hoàng là vị thần coi một khu vực nào. Bổn cảnh là cõi đất nơi mình được thờ. Nhà văn Sơn Nam cho biết bởi đây là dạng viên chức được vua ủy quyền trừu tượng, trong rất nhiều trường hợp, không phải là con người lịch sử bằng xương bằng thịt. Do vậy, phần lớn không có tượng mà chỉ thờ một chữ “thần” (神) và thường cũng chỉ có mỹ hiệu chung chung là “Quảng hậu, chính trực, đôn ngưng” (tức rộng rãi, ngay thẳng, tích tụ).

Về thứ hạng các thần, Việt Nam phong tục trang 91-92 liệt kê 3 thứ hạng: Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần và Hạ đẳng thần.

Thượng đẳng thần là những thần khi sanh tiền có đại công lao với dân với nước, lúc mất đi, hoặc bởi nhà vua tinh biểu công trạng mà lập đền thờ hoặc bởi lòng dân nhớ công đức mà thờ. Trung đẳng thần là những vị thần dân làng thờ đã lâu, có họ tên mà không rõ công trạng, hoặc có quan tước mà không rõ họ tên,... Hạ đẳng thần là những vị thần đã được dân xã thờ phụng mà không rõ sự tích, nhưng cũng thuộc về bậc chính thần.

ĐNCT

.