* Xin cho biết Nhà Nguyễn đã đúc bao nhiêu chiếc ấn? Trong đó ấn nào quan trọng nhất và được chế tác như thế nào? (Nguyễn Đức Minh, Hội An, Quảng Nam).
Ấn Hoàng đế chi bảo (ảnh trái) và 4 chữ này được khắc theo lối triện trên mặt ấn. (Ảnh tư liệu) |
- Ấn của các vua Nhà Nguyễn (gọi là bảo tỷ) được làm bằng ngọc hay vàng. Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tổng cộng trong thời Nguyễn sơ (1802 - 1883), Triều Nguyễn đã đúc đến 20 bảo tỷ làm bằng vàng và ngọc, mỗi chiếc đều có công năng và ý nghĩa riêng, được bảo quản, giữ gìn vô cùng nghiêm cẩn. 14 chiếc ấn làm bằng vàng đều có núm hình rồng. 6 chiếc ấn làm bằng ngọc, trong đó có 4 chiếc có núm hình 2 con rồng cuốn.
Ngoài 20 chiếc bảo tỷ trên, trong thời các chúa Nguyễn trước đó có đúc 4 chiếc ấn, gồm: Truyền quốc kim bảo, Truyền quốc ngọc tỷ, Tiểu lang kim bảo và Tự lịch kim bảo. Trong đó, ấn Truyền quốc ngọc tỷ làm bằng ngọc trắng, 3 ấn còn lại được làm bằng vàng. Đây là những chiếc ấn được xếp vào loại “tôn tàng bảo tỷ”, chỉ để cất giữ.
Như vậy, Triều Nguyễn trước sau có đến 24 chiếc bảo tỷ bằng vàng và bằng ngọc được xếp vào loại bảo vật quốc gia. Trong khi đó, bên Trung Quốc, Triều Minh có 24 bảo tỷ, Triều Thanh có 25 bảo tỷ; nghĩa là số lượng bảo tỷ của Triều Nguyễn Việt Nam cũng đâu có thua kém gì so với hai triều đại phong kiến lớn trên đất Trung Hoa.
Ngoài 24 chiếc bảo tỷ trên, triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam còn nhiều ấn triện quý khác cũng làm bằng vàng hoặc ngọc. Tuy nhiên các loại ấn triện này chỉ được xếp vào loại “đồ thư văn bảo” (vật báu gồm bản đồ, sách, văn bài) như cách gọi của sách Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ, chứ không có giá trị bằng các bảo tỷ truyền quốc.
Chiếc ấn quan trọng nhất, biểu tượng cho hoàng đế là ấn Hoàng đế chi bảo. Chiếc bảo ấn lớn và đẹp nhất Triều Nguyễn này được đúc bằng vàng ròng vào mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ tư (15-3-1823). Căn cứ theo ảnh tư liệu có được, TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, mô tả bảo ấn này như sau:
“… ấn đúc hình vuông, quai ấn là một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn thẳng về phía trước. Đỉnh đầu rồng khắc hình chữ vương; kỳ (vây lưng) dựng đứng; đuôi cũng dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước; 4 chân rồng đúc rõ 5 móng, tư thế chống chân xuống mặt ấn rất vững vàng. Mặt dưới của ấn khắc 4 chữ triện Hoàng đế chi bảo. Mặt trên của ấn, phía 2 bên quai khắc nổi 2 dòng chữ: Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo (đúc vào giờ tốt mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4); Thập thành hoàng kim, trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân (đúc bằng vàng, trọng lượng 280 lạng 9 chỉ 2 phân - Nếu tính 27 lạng tương đương 1kg thì chiếc ấn này nặng khoảng 10,7kg)”.
Theo quy định của Triều Nguyễn, ấn Hoàng đế chi bảo chỉ dùng khi “...gặp khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ cũng là các cáo dụ thân huân, đi tuần thú các nơi để xem xét các địa phương, mọi điển lễ long trọng ấy, và ban sắc, thư cho ngoại quốc”.
Hoàng đế chi bảo chính là chiếc ấn mà Bảo Đại - vị vua cuối cùng của Triều Nguyễn - đã trao cho đại diện Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Ngọ Môn, vào ngày 30-8-1945. Như vậy, kể từ khi đúc ra đến khi trao cho chính quyền cách mạng, ấn Hoàng đế chi bảo đã 122 tuổi.
ĐNCT