.

Đông chủ tây khách

* Các cụ cao niên trong tộc tôi bảo rằng: khi tiếp khách thì chủ nhà ngồi ở hướng đông, khách ngồi ở hướng tây. Xin cho biết vì sao lại có cái lệ này và ý nghĩa của nó ra sao? (Mai Văn Quý, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

- Để có thể hiểu cặn kẽ cổ lệ này, hãy tìm hiểu nghĩa của chữ đông [東]. Từ gốc Hán này được các từ điển Hán – Việt giải thích là phương đông, là chủ nhà.

Từ điển Hán Việt trích dẫn còn thêm ghi chú: “Ngày xưa, chỗ của chủ ở hướng đông, chỗ của khách ở hướng tây. Như: phòng đông là chủ nhà; điếm đông là chủ tiệm; cổ đông là người góp cổ phần”.

Hán Việt từ điển của Thiều Chửu giải thích tương tự: “Phương đông, tục gọi người chủ là đông. Nước Trịnh nói với người nước Sở tự xưng nước mình là đông đạo chủ, nghĩa là người chủ ở phương đông”.

Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng mở rộng nghĩa hơn: “Tên phương hướng, tức hướng mặt trời mọc - Chỉ người chủ, người làm chủ. Thời cổ, khách tới nhà, thì người chủ ngồi ở phía đông, khách ngồi ở phía tây mà trò chuyện. Do đó đông chỉ người chủ. Chẳng hạn cổ đông (người làm chủ cổ phần)”.

Như vậy, lệ “đông chủ tây khách” đã có từ thời cổ; nhìn vào vị trí ngồi của mọi người có thể suy đoán mà không sợ nhầm lẫn rằng ai chủ, ai khách. Ngày nay, cái lệ về ngôi thứ và chỗ ngồi này vẫn còn được nhiều nơi lưu giữ, như mô tả của tác giả bài viết “Nhà lá mái” đăng trên trang thuvienbinhdinh.com và được trang xaydung.gov.vn (Bộ Xây dựng) dẫn nguồn đăng lại.

Theo đó, dù quy mô thế nào, một nhà lá mái hoàn chỉnh thường có ba gian: nhà chính, nhà cầu (nhà vệ sinh) và nhà lẫm (kho chứa lúa). Nhà chính có 4 vì kèo, mỗi vì kèo có 4 cột trụ tròn, 2 cột sát vách trước sau, 2 cột giữa nhà. Có thể nhìn thấy tổng cộng 16 cột nhưng hàng cột trong tạo thành 3 gian thờ, chỉ còn 2 cột hàng ngoài có vẻ thảnh thơi vì hàng cột ở kèo biên được lắp vách ván tạo thành 2 phòng là chái đông và chái tây. Chái tây gọi là chái tàu dành cho khách. Chái đông là buồng vợ chồng gia chủ.

Tại sao lại đông chủ? Theo tác giả bài đã dẫn, chái đông luôn là phía trái ngôi nhà (bất kể nhà quay mặt theo hướng nào) từ bàn thờ tính ra, tiếp theo đó là nhà cầu, nhà lẫm, bếp… cho tiện sinh hoạt - chữ L tổng thể sẽ che khoảng sân trước tránh gió bấc vì hướng nhà ở dao động từ đông tới nam. Các cụm từ “ba gian, hai chái”, “đông chủ tây khách” rất phổ biến từ nhà lá mái mà có. Riêng đông tây chủ khách còn được người Bình Định vận dụng vào vị trí tiếp khách dịp lễ, tiệc đến tận ngày nay.

Chủ nhà, theo quan niệm phong thủy, nếu không ngồi đúng vào “chính vị” thì khi tiếp khách sẽ có cảm giác bất lợi, nghi ngại, lo âu, không an tâm về những vấn đề mà mình bàn bạc, trao đổi với khách. Các trạng thái tâm lý bất an này thường gây ảnh hưởng không tốt đến công việc làm ăn của chủ nhà khi bàn chuyện kinh doanh với khách. Đối với việc hôn nhân, là chuyện trăm năm của đời người, người ta càng thực hiện một cách thận trọng hơn theo quan niệm “đông chủ tây khách” của người xưa.

Ngày nay, vị trí “đông chủ tây khách” đã được các nhà phong thủy mở rộng theo quan niệm hiện đại hơn. Thông thường đối với nhà và phòng khách đã có hướng phù hợp với chủ nhân thì vị trí ngồi của chủ nhân khi tiếp khách nên ở thế quay lưng ra phía sau nhà và hướng mặt ra phía trước cửa (nhà hiện đại bố trí bàn thờ gia tiên ở tầng trên nên không có cảm giác “vô lễ” khi quay lưng ra phía sau nhà). Ở vị trí này chủ nhà sẽ luôn tạo được tấm lòng mến khách đồng thời trong khi giao tiếp cũng dễ dàng nắm giữ thế chủ động.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.