.

Bài thơ được phổ nhạc nhiều nhất

.

* Xin cho hỏi “Màu tím hoa sim” của nhà thơ Hữu Loan có phải bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc nhiều nhất? (Nguyễn Hòa, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

Nhà thơ Hữu Loan (1919-2010).  Nguồn: Internet
Nhà thơ Hữu Loan (1919-2010). Nguồn: Internet

- “Màu tím hoa sim” là bài thơ rất nổi tiếng của cố thi sĩ Hữu Loan, được sáng tác năm 1949 tại Thanh Hóa, sau khi người vợ đầu tiên của ông qua đời. Về sau, các nhạc sĩ Dzũng Chinh, Phạm Duy, Anh Bằng, Duy Khánh... dựa trên ý thơ và phổ thành những ca khúc làm tăng thêm tên tuổi cho bài thơ.

Bản phổ nhạc bài thơ này sớm nhất được biết đến là “Những đồi hoa sim” của Dzũng Chinh, ra đời ở miền Nam những năm 60 thế kỷ trước. Bài hát được viết theo điệu Slow Rumba (cũng thường được đàn theo điệu Boléro), âm giai chủ Rê thứ. Lời bài hát của Dzũng Chinh không đi theo trình tự vốn có của bài thơ mà thêm bớt, đảo ngược thứ tự các khổ thơ để hình thành một tác phẩm thơ - nhạc có bố cục hầu như hoàn toàn khác so với bài thơ gốc, nhưng ý thơ và hồn thơ vẫn được tác giả triệt để tôn trọng. Lúc sinh tiền, trong một bài phát biểu đăng trên Tạp chí Kiến thức Ngày nay, Hữu Loan cho rằng ông thích nhất bản phổ nhạc này.

Gần như ngay lập tức, “Những đồi hoa sim” gây được tiếng vang lớn, câu chuyện tình buồn kết thúc không có hậu được kể lại bằng âm nhạc sâu lắng đã đi vào lòng người. Dzũng Chinh nghiễm nhiên trở thành một nhạc sĩ tên tuổi lúc bấy giờ, mặc dù trước đó ông chỉ là một nhạc sĩ vô danh.

Sau thành công vang dội của “Những đồi hoa sim”, giới nhạc sĩ tiếp tục cho ra đời 2 tác phẩm âm nhạc, lần này ca từ gần gũi với nguyên bản bài thơ hơn: “Màu tím hoa sim” của Duy Khánh và “Áo anh sứt chỉ đường tà” của Phạm Duy.

“Màu tím hoa sim” rất hay, nhưng có một lỗi khó chấp nhận được. Bài thơ gốc của Hữu Loan là hình ảnh anh Vệ quốc quân (bộ đội), nhưng trong bài hát của Duy Khánh lại bị biến đổi thành anh lính Cộng hòa (quân đội). Lỗi quá nghiêm trọng này đã khiến cho bài hát dù hay đến mấy cũng trở thành vô giá trị, bởi nó phản lại tinh thần của tác giả bài thơ.

“Áo ánh sứt chỉ đường tà” được cho là bám sát nội dung bài thơ nhất, với những phần biến tấu mới lạ về âm giai (xen kẽ trưởng thứ), nhịp điệu (chuyển từ nhịp 2/4 sang 3/4 rồi quay lại 2/4)… khiến cho bài hát như một chuyện kể bằng âm nhạc nhiều chương hồi.

Ngoài ra, tuyệt phẩm “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan còn khơi gợi cảm hứng cho các nhạc sĩ soạn các bài hát như: “Chuyện hoa sim” (Anh Bằng), “Tím cả chiều hoang” (Nguyễn Đặng Mừng), “Tím cả rừng chiều” (Thu Hồ), “Chuyện người con gái hái sim” (Hồng Vân)...

Như vậy, dựa trên ý thơ của “Màu tím hoa sim”, rất nhiều bản nhạc được hình thành. Trong đó, “Những đồi hoa sim” của Dzũng Chinh và “Áo anh sứt chỉ đường tà” của Phạm Duy, một bi ca, một hùng ca, cho đến nay vẫn được cho là hai tác phẩm âm nhạc nổi tiếng nhất dựa trên bài thơ nổi tiếng của nhà thơ quá cố Hữu Loan.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.