.

Người Việt lừng danh ở Trung Hoa

* Tôi còn nhớ Cửa sổ Tri thức trên báo Đà Nẵng cuối tuần số cuối năm 2009 có nói về một kiến trúc sư người Việt là Nguyễn An đứng ra tổ chức xây dựng Tử Cấm thành bên Tàu. Xin cho hỏi, ngoài vị kiến trúc sư tài ba này còn ai là người Việt nổi tiếng ở Trung Hoa nữa không? (Lê Thành Nam, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

- Chuyên mục Cửa sổ Tri thức trên báo Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 31-12-2009 có nói về Nguyễn An (1381 - 1456), vị kiến trúc sư được Minh Thành Tổ (Chu Đệ) giao trọng trách “Tổng công trình sư” xây dựng mới khu Tử Cấm thành Bắc Kinh. Kiến trúc nổi tiếng ngày nay trở thành một biểu tượng văn hóa để người Trung Hoa tự hào với nhân loại nhưng ít ai biết rằng đó là tác phẩm của một người Việt Nam. Công lao này của Nguyễn An được ghi rõ trong các bộ sử cổ của Trung Quốc như Hoàng Minh thông kỷ, Anh Tông chính thống thực lục.

Tháng 11-2008, Đài Truyền hình ZDF Dokukanal của Đức đã trình chiếu bộ phim tài liệu “China Verbotene Stadt - Das Vermachtnis des Despoten” (Trung Hoa Tử Cấm thành - Bản di chúc của một bạo chúa), trong đó xác quyết công trình kiến trúc này do một tù binh Việt Nam là Nguyễn An (Ruan An) thực hiện. Có thể xem phim này tại địa chỉ www.youtube.com/watch?v=m1gAancTixQ.

Cùng thời với Nguyễn An, Hồ Nguyên Trừng (1374? - 1446?) - người Việt Nam, là thầy dạy người Trung Hoa đúc pháo, mặc dù đất nước đông dân nhất thế giới này xưa nay được mệnh danh là cha đẻ của pháo.
Hồ Nguyên Trừng là con trưởng của Hồ Quý Ly, có biệt tài về đúc súng, pháo. Sau khi nhà Hồ bị quân Minh tiêu diệt, cha con ông cùng các quan lại thuộc hạ bị bắt về Tàu. Vua Minh biết ông có tài chế tạo súng Thần cơ nên trưng dụng ông và giao ông chế tạo loại súng lợi hại này. Cố GS. Trần Quốc Vượng khi nghiên cứu lịch sử Trung Hoa cũng xác nhận trong Minh sử có ghi: “Đến đời vua Thành Tổ nhà Minh (1403 - 1424) đánh nước Giao chỉ học được phép đúc thần cơ sang pháo, lúc bấy giờ mới đặt ra đội súng thần cơ”.

Rõ ràng cha ông chúng ta xưa đã đi trước người Trung Hoa trong kỹ nghệ chế tạo pháo.

Trước đó, vào năm 784, khi nước ta còn bị nhà Đường đô hộ, Khương Công Phụ, một người Việt xuất thân bình dân ở đất Yên Định - Thanh Hóa (dưới thời Đường là quận Nhật Nam) đã sang Trường An thi và đoạt danh hiệu Trạng nguyên, đứng đầu hàng ngàn sĩ tử Trung Quốc.

Theo cuốn Chuyện thi cử và lập nghiệp của học trò xưa (Quốc Chấn, NXB Thanh Hóa, 2006), Khương Công Phụ sinh ra trong một gia đình làm nghề bán thuốc bắc. Từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, được cha mẹ cho theo học một ông thầy người Tàu vốn là một nho sĩ đỗ đạt nhưng chán cảnh quan trường nên lánh Trung Hoa sang nước ta ẩn dật. Nhờ được học thầy giỏi nên tài năng của Công Phụ ngày càng phát triển.

Trong dịp khảo hạch ở quận Nhật Nam, vua Đường chỉ cho 8 sĩ tử An Nam được sang Trường An thi nhưng Công Phụ đã vượt qua hết các kỳ khảo hạch và luôn đứng đầu số sĩ tử dự khảo hạch. Đến kỳ thi ở Trường An, ông đã đỗ Trạng Nguyên sau đó làm đến Gián nghị Đại phu rồi Tể tướng. Đây quả là trường hợp có một không hai trong lịch sử Việt Nam, người Việt thường bị bọn thống trị phương Bắc gán cho là “man di”, nhưng ông lại cầm đầu bộ máy cai trị của cả đất nước Trung Hoa thiên tử!

Một số Trạng nguyên nước ta do tài năng lỗi lạc, học vấn uyên bác, nên khi đi sứ sang Tàu cũng được vua Trung Hoa phong làm Trạng nguyên, được người đời mệnh danh là Lưỡng quốc Trạng nguyên như Mạc Đĩnh Chi thế kỷ XIII, Nguyễn Đăng Đạo thế kỷ XVII-XVIII... Song giữ chức Tể tướng, đứng đầu triều đình Trung Quốc thì có lẽ chỉ mình Khương Công Phụ!

ĐNCT

;
.
.
.
.
.