* Nhân kỳ thi “hai trong một” vừa rồi, trong lúc trà dư tửu hậu có một anh nói dưới thời phong kiến có lệ sĩ tử bỏ ba quan tiền để khỏi phải thi mà vẫn đỗ. Xin cho hỏi, lệ này có dưới thời nào và cụ thể ra sao? (Nguyễn Văn Ba, Hải Châu, Đà Nẵng).
- Ngày trước, khoa thi Hương phải qua bốn kỳ làm bài, đỗ kỳ nhất mới được vào thi kỳ hai, đỗ kỳ hai mới được vào thi kỳ ba và đỗ kỳ ba mới được vào thi kỳ bốn. Đỗ cả bốn kỳ gọi là Hương cống hay Cống sĩ (tức Cử nhân), chỉ đỗ được ba kỳ gọi là Sinh đồ (tức Tú tài).
Dưới thời Lê Trung hưng, việc giáo dục thi cử của Đàng Ngoài và Đàng Trong hoàn toàn tách biệt dưới hai chế độ cai trị của chúa Trịnh và chúa Nguyễn. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 41, tờ 2) chép rằng: “Ở buổi đầu trung hưng, số tiền do Sinh đồ nạp vào, đều phải chi dùng cho các Hiệu quan của huyện. Từ năm Bảo Thái, triều đình bắt đầu thi hành việc đánh thuế điệu, mọi khoản đều phải trông vào công quỹ, cho nên, tiền Minh kinh cũng phải nạp cho quan sở tại, có thế mới đủ chi dùng cho việc tổ chức trường thi. Đến đây, vì việc đánh dẹp diễn ra triền miên, chi phí không biết bao nhiêu mà kể, của kho không đủ để chu cấp, cho nên (triều đình) hạ lệnh rằng, hễ năm nào có khoa thi Hương thì cho phép mọi người được nạp ba quan tiền để thay cho việc khảo hạch (ở huyện), rồi cũng cho được đi dự thi, và gọi đó là tiền Thông kinh. Lúc ấy, có lẽ vì tránh phạm vào hiệu Minh Vương của chúa Trịnh Doanh nên mới đổi hai chữ Minh kinh ra Thông kinh như vậy”.
Sách này cũng phê phán kịch liệt: “Bởi lệ này, từ kẻ làm ruộng đến người buôn bán, thậm chí cả bọn đồ tể cũng hăng hái nạp tiền đi thi. Ngày thi, học trò giày xéo lên nhau, đến nỗi có kẻ phải chết. Trong trường thi, kẻ thì mang theo sách, kẻ thì mướn người làm bài, thả cửa mà tác oai tác quái, quan trường cũng là một lũ gian trá, trường thi chẳng khác gì chợ búa. Phép thi thối nát đến thế là cùng”.
Cuốn Lịch sử Việt Nam, tập 4, (Viện Sử học, NXB Khoa học xã hội, 2007), cũng viết khá kỹ về lệ này. Theo đó, từ sau năm 1750, ở Đàng Ngoài, do loạn lạc, tư tưởng Nho giáo cũng suy, việc học hành và thi cử suy kém đi. Quy chế thi cử càng suy đồi, mất kỷ cương. Những người muốn dự thi Hương chỉ cần nộp 3 quan tiền là được dự thi mà không cần qua sát hạch. Vì không phải qua sát hạch, có thêm nhiều thành phần đi thi khá hỗn tạp như người đi buôn, nhà hàng thịt, người làm ruộng... Có đợt người đi thi quá đông, giày xéo lên nhau nên có người bị chết ở cổng trường thi. Trong trường thi, việc trông coi cũng thả lỏng, thí sinh mang cả sách vào trường, tự do hỏi bài nhau, mượn người khác vào thi hộ. Những tệ nạn đó diễn ra công khai làm trường thi rất lộn xộn.
Cuốn Lịch sử Việt Nam cũng chép lời phê phán gay gắt về lệ này của sử gia Phan Huy Chú: “Những người có thực tài, mười người thi không đậu một. Hạng sinh đồ ba quan… đầy cả thiên hạ. Người trên… lấy tiền mà không ngại, kẻ dưới nộp tiền để được mưu đồ mà không thẹn, làm cho trường thi thành chỗ buôn bán”.
Từ đó, người đời cười chê những kẻ học giả bằng thật đó là hạng “sinh đồ ba quan”. Tác giả Nguyễn Khắc Thuần trong cuốn Việt sử giai thoại (Tập 7): 69 giai thoại thế kỷ XVIII (NXB Giáo dục, Hà Nội, 2005), sau khi kể lại chuyện “sinh đồ ba quan”, đã có lời bàn như sau:
“Dùng tiền để kiếm học vị, dùng học vị để kiếm chức và dùng chức để kiếm cách bòn rút thiên hạ, đó là con đường tất yếu của bọn có tiền mà thất đức. Sinh đồ ba quan, đó là bọn đã làm ô uế cả trường thi, làm dơ bẩn cả thanh danh bao đời của kẻ sĩ, ấy là một lần đại nhục. Sinh đồ ba quan là bọn vênh váo với sự hữu danh vô thực, tưởng như ai mà chẳng thể như ai, đó là hai lần đại nhục. Phải hai lần đại nhục như vậy, còn mặt mũi nào mà đứng giữa cõi trời cao đất dày?”.
ĐNCT