.

Bài ca địa chí Quảng Nam

.

Nhiều người làng Nam Ô, Kim Liên (phường Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) thường nhắc câu “Cu Đê, Thủy Tú có cầu/ Đà Nẵng hải khẩu nước sâu đậu tàu”; người cho đây là câu ca dân gian, người cho là trích từ một bài ca địa chí. Xin cho hỏi xuất xứ của hai câu thơ lục bát này? (Trần Văn Thanh, Liên Chiểu, Đà Nẵng).

- Đó là hai câu trích từ Bài ca địa chí Quảng Nam, tương truyền do Tú tài Trương Trọng Hữu sáng tác hồi đầu thế kỷ XX để dạy học trò theo tinh thần mới của phong trào Duy Tân. Nguyên văn như sau, chép theo cuốn Văn nghệ dân gian Quảng Nam-Đà Nẵng do Nguyễn Văn Bổn biên soạn (Sở Văn hóa và Thông tin QN-ĐN xuất bản 1985, tr.140-143):

“Quảng Nam là đất quê mình/ Núi đồng sông biển rành rành từ lâu/ Thương yêu đùm bọc trước sau/ Cùng trong Đại Việt chung nhau cơ đồ/ Tây Sơn Giáp Ngọ dựng cờ/ Nhân dân đoàn kết cõi bờ đắp xây/ Đặt làm doanh, trấn những ngày/ Sau đặt làm tỉnh đổi thay mấy lần/ Bắc Thừa Thiên giáp Hải Vân/ Nam thì Quảng Ngãi giáp gần núi Phong/ Tây thì giáp đến sông Bung/ Rừng cao rừng thấp mấy từng núi xanh/ Đông thì giáp biển thênh thênh/ Đất hai trăm dặm rành rành như ghi.

Bảy phủ huyện ấy tên chi?/ Sát ngoài phía Bắc ấy thì Hòa Vang/ Giữa thời có phủ Điện Bàn/ Tỉnh thành kia cũng ở ngang một bề/ Duy Xuyên ấy huyện trong kề/ Quế Sơn vô nữa thì về phủ Thăng/ Hà Đông, Quảng Ngãi sát giăng/ Còn huyện Đại Lộc mới tăng lên cùng/ Nhìn xem non nước trùng trùng/ Ngõ nguồn có sáu phải thông tên gì?/ Hữu Bang sát núi Trà My/ Chiên Đàn nguồn ấy ở về phía trong/ Thu Bồn một dải quanh vòng/ Ô Gia thì ở trên dòng sông Con/ Lỗ Đông sát núi Cao Sơn/ Cu Đê thì ở gần hòn Hải Vân/ Lại xem đến dưới hải phần/ Cửa biển có bốn xa gần đâu đâu?/ Cu Đê, Thủy Tú có cầu/ Đà Nẵng hải khẩu nước sâu đậu tàu/ Phố cùng Đại Chiếm gần nhau/ Còn cửa Đại Áp ở sau Tam Kỳ/
Kìa bảy trạm ấy tên chi?/ Nam Chơn phía Bắc, trong thì Nam Vân/ Dọc theo đường cái kể lần/ Nam Hòa thì lại ở gần phủ Thăng/ Quế Sơn, Nam Ngọc sát giăng/ Còn trạm Nam Phước ở đằng Duy Xuyên/ Miếu Bông, Nam Giản gần liền/ Nam Ổ thì lại ở làng Hóa Ô.

Ngàn năm xây dựng cơ đồ/ Vật trong thổ sản tỉnh mô dám bì/ Nông Sơn than đá thiếu chi!/ Bảo An đường tốt, Trà My quế nhiều/ Bạc, vàng ở tại Bông Miêu/ Phò Nam, Phú Thượng biết bao nhiêu chè/ Tơ, cau, thuốc chở đầy ghe/ Hội An buôn bán tiếng nghe xa gần.

Một ngàn bốn chục xã dân/ Ai ai cũng có một phần giang sơn”.

Trương Trọng Hữu là danh thần cuối triều Nguyễn, sinh năm 1860 tại làng Châu Lâu, huyện Duy Xuyên. Thuở trẻ ông học trường phủ Điện Bàn, trường Đốc Quảng Nam, thi Hương đậu cử nhân năm 1876 cùng khoa với Nguyễn Duy Hiệu, làm quan từ bộ viện ở Huế từ đời Thành Thái đến Khải Định.

Năm 1883, là phái viên sứ bộ của chánh sứ Phạm Thận Duật cùng Phó sứ Nguyễn Thuật sang Thiên Tân thương thảo về các vấn đề ngoại giao với triều vua Quang Tự (Trung Quốc). Năm 1884, làm chủ sự Viện Cơ mật tại triều một thời gian. Năm Thành Thái thứ hai (1896) làm tri phủ Khoái Châu ở Hưng Yên. Năm 1898, chuyển về làm Án sát Quảng Trị cho đến ngày hưu trí.

Hồi được triều đình cử làm tri phủ Khoái Châu, Thượng thư Hà Đình đương kim Tổng tài Quốc sử quán có bài văn tiễn đưa ông, có câu: “Làm quan ở Khoái giỏi thì phải nhớ suy nghĩ về tên nó (Khoái Châu) để tìm kiếm cái an lợi cho dân. Ai đói nghèo thì cho ăn uống, ai đau nhức rên than, ai bị nguy khốn thì an ủi, cứu vớt. Loại trừ cái không khoái mà gạn lấy cái Khoái thì dân sẽ đẹp lòng”.

Ngoài Bài ca địa chí Quảng Nam, ông còn viết bằng chữ quốc ngữ nhiều tài liệu về các môn học lịch sử, địa lý, khoa học thường thức... để giảng dạy cho học trò theo tinh thần mới của phong trào Duy Tân.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.