.

Thảm đỏ

.

* Xin cho biết nghi thức trải thảm đỏ trong đón tiếp quốc khách bắt nguồn từ đâu? Nghi thức trang trọng này còn có ý nghĩa nào khác trong quan hệ quốc tế không? (quang…@yahoo.com.vn).

Thảm đỏ tại Liên hoan phim Cannes, Pháp.( Nguồn: Internet)
Thảm đỏ tại Liên hoan phim Cannes, Pháp.( Nguồn: Internet)

- Thảm đỏ (tiếng Pháp: le tapis rouge; tiếng Anh: the red carpet) là loại thảm trải sàn màu đỏ thường được dùng để lót đường khi tiếp đón các vị nguyên thủ quốc gia hoặc người nổi tiếng trong các sự kiện mang tính nghi thức và trang trọng.

Lần đầu tiên thảm đỏ được ghi nhận trong lịch sử là vào thời cổ Hy Lạp, năm 485 trước Công nguyên, trong vở kịch Agamemnon của tác giả Aeschylus. Theo đó, khi nhân vật chính Agamemnon trở về từ thành Troy, vợ chàng đã trải thảm đỏ đón tiếp. Lúc đầu anh chàng do dự không dám bước trên thảm đỏ vì nghĩ nghi thức này chỉ dành cho các vị thần. Nhưng rồi chàng cũng bước lên thảm đỏ. Từ đó, thảm đỏ được dùng để chỉ nghi thức đón tiếp cao cấp nhất, trang trọng nhất.

Các quốc gia vùng Tây Á và khu vực biển Caspian được xem là những nơi sản xuất thảm đầu tiên. Chiếc thảm đỏ Pazyryk Carpet dệt vào thế kỷ thứ V trước Công nguyên được xem là tấm thảm xưa nhất còn lại và đang được giữ gìn tại Viện Bảo tàng St.Petersburg ở Nga. Thảm đỏ xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm nghệ thuật từ Âu sang Á, không chỉ trong văn hóa nghệ thuật, mà cả trong tôn giáo.

Đã có thời kỳ nghi thức trải thảm đỏ chỉ dành đón tiếp các vị vua chúa và hoàng hậu. Trong các họa phẩm thời kỳ Phục hưng, thường bắt gặp hình ảnh những tấm thảm phương Đông với nền đỏ kèm hoa văn được đặt trên các bậc thang dẫn lên ngai vàng của quân vương hoặc nhân vật linh thiêng.

Năm 1821 tại Hoa Kỳ, người ta trải thảm đỏ ra tận bờ sông để đón mừng Tổng thống James Monroe. Tuy nhiên, mãi đến năm 1902, khi sự kiện đường sắt trung tâm New York của nước này dùng thảm nhung lông màu đỏ sẫm để đón hành khách lên con tàu nổi tiếng 20th Century Limited, thuật ngữ “tiếp đón bằng thảm đỏ” (“the red carpet treatment”) mới chính thức được ra đời.

Ngày nay, tại các nước Tây phương, thuật ngữ “The red carpet treatment” chỉ nghi thức tiếp đón trang trọng nhất, không chỉ được sử dụng trong các quan hệ ngoại giao (đón tiếp quốc khách) mà còn dùng cho các sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật quan trọng hằng năm như giải Academy Awards (Oscar), Golden Globe Awards, Cannes Film Festival… Thảm đỏ cũng được dùng trong các sự kiện của ngành công nghiệp thời trang.

Ngoài ra, thảm đỏ cũng được dùng trong một số trường hợp để chứng tỏ tinh thần hòa giải giữa các quốc gia vốn là thù địch của nhau. Tháng 4 năm 1992, Tổng thống Nigeria chống phân biệt chủng tộc là Ibrahim Babangida (da màu) đã trải thảm đỏ tiếp đón Tổng thống Frederik Willem de Klerk của Nam Phi sau khi vị lãnh đạo người da trắng này tổ chức cuộc trưng cầu dân ý đồng ý giải tán chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi. Khi đó, bằng nghi thức trang trọng trải thảm đỏ, Tổng thống Nigeria kiêm Chủ tịch Tổ chức Đoàn kết Phi châu Ibrahim Babangida ngầm tỏ thực tâm muốn hòa giải với nhà lãnh đạo da trắng Nam Phi.

Tương tự, tháng 11 năm 1977, Chính phủ của Thủ tướng Do Thái Menachem Begin dành cho Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat một cuộc tiếp đón long trọng chưa từng có. Hãng tin AP loan tin tất cả thảm đỏ, ngay cả thảm đỏ tại phi trường Ben-Gurion dành cho buổi tiếp đón đều được giặt sạch sẽ. Trước đó, từ năm 1948, hai quốc gia thù địch này đã đánh nhau nhiều trận, nhất là trong chiến tranh Yom Kippur năm 1973. Sau sự kiện “trải thảm đỏ” này, hai bên đã ký thỏa ước hòa bình vào năm 1979.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.