* Khi nói về đàn bà đẹp, người Việt dùng thành ngữ “chim sa cá lặn”. Xin cho biết đây có phải xuất phát từ một thành ngữ Trung Hoa? (Hoàng Thị Lan, Liên Chiểu, Đà Nẵng)
- “Chim sa cá lặn” được Từ điển tiếng Việt giảng là “(Từ cũ, Văn chương) ví nhan sắc đẹp tuyệt trần của người phụ nữ”. Đây là một thành ngữ gốc Trung Hoa “Trầm ngư lạc nhạn, bế nguyệt tu hoa” (“chim sa cá lặn, hoa thẹn nguyệt nhường”), xuất phát từ “Tứ đại mỹ nhân” trong lịch sử của nước này.
Bốn “tuyệt sắc giai nhân” đó gồm: Tây Thi, Chiêu Quân, Điêu Thuyền và Dương Quý Phi. Tây Thi sống vào thời Xuân Thu, khoảng thế kỷ VII – VI Trước CN; Vương Chiêu Quân thời Tây Hán, khoảng thế kỷ I Trước CN; Điêu Thuyền thời Tam Quốc, khoảng thế kỷ thứ III; Dương Quý Phi thời Nhà Đường (719 – 756).
Dân gian xứ Tàu còn truyền tụng: “Tây Thi trầm ngư/ Chiêu Quân lạc nhạn/ Điêu Thuyền bế nguyệt/ Dương Ngọc Hoàn tu hoa”. (Tây Thi có nét đẹp làm cá phải lặn (trầm ngư); Vương Chiêu Quân khiến chim nhạn mãi ngắm nhìn quên bay nên rơi rớt (lạc nhạn); Điêu Thuyền đẹp đến nỗi trăng cũng phải khép, núp vào mây (bế nguyệt); Dương Ngọc Hoàn (Dương Quý Phi) khiến cho hoa rũ héo vì hổ thẹn không được đẹp bằng (tu hoa).
Tây Thi, tên là Thi Di Quang, là con một người kiếm củi. Nàng dệt vải ở núi Trữ La, thuộc nước Việt thời Xuân Thu. Trữ La có hai thôn: thôn Đông và thôn Tây, nàng Thi là người ở thôn Tây, vậy nên gọi là Tây Thi. Tây Thi mắt trong suốt, mày phương phi, miệng chúm chím. Tương truyền nàng đẹp đến nỗi, ngay cả khi nhăn mặt cũng khiến người ta mê hồn. Khi nàng giặt áo bên sông, bóng soi trên mặt nước làm nàng càng thêm xinh đẹp, đến nỗi cá nhìn thấy say mê đến quên bơi mà lặn xuống đáy sông.
Vương Chiêu Quân xinh đẹp nức tiếng nên nàng được tuyển vào nội cung. Nàng thông thạo cầm, kỳ, thi, họa, đặc biệt là tài gảy đàn tỳ bà. Thủ lĩnh Hung Nô đến kinh đô nhà Hán để tỏ lòng thần phục và xin được trở thành con rể của vua Hán. Thời đó xứ Hung Nô xa xôi cách trở nên các cung nữ không ai dám sang, duy chỉ mỗi Chiêu Quân bước ra tình nguyện lấy vua Hung Nô.
Truyền thuyết “Chiêu Quân xuất tái” (Chiêu Quân rời biên ải) tả rằng, khi đi ngang qua hoang mạc, lòng chan chứa nỗi buồn vận mệnh cũng như lìa xa quê hương, nàng bèn gảy khúc “Xuất tái khúc” (Khúc rời biên ải). Một con ngỗng trời bay ngang, nghe nỗi u oán cảm thương trong khúc điệu liền ruột gan đứt đoạn và sa xuống đất. Điển tích “mỹ nhân lạc nhạn” do đó mà có.
Điêu Thuyền 15 tuổi vào cung làm nữ tỳ chuyên phục vụ coi sóc trang phục cho các quan trong triều. Nàng được cho là có sắc đẹp “quốc sắc thiên hương” (sắc nước hương trời), “khuynh quốc khuynh thành” (nghiêng nước nghiêng thành), thông minh hơn người.
Tương truyền cứ mỗi lần nàng xuất hiện dưới trăng là Hằng Nga thấy mình không sánh nổi sắc đẹp của nàng nên vội vã trốn sau đám mây.
Dương Quý Phi (Dương Ngọc Hoàn) mồ côi cha mẹ khi mới lọt lòng, được người chú làm quan ở Hà Nam nhận về nuôi dưỡng. Về sau trở thành một phi tần được vua Đường Huyền Tông (Đường Minh Hoàng) sủng ái. Sắc đẹp của Dương Quý Phi được ghi nhận là khá tròn trịa và đầy đặn.
Sau khi vào cung, nàng buồn nhớ quê hương, nhớ gia đình. Một hôm nàng vào vườn hoa giải khuây, nhìn thấy hoa Mẫu đơn, Nguyệt quý nở rộ, nghĩ rằng mình bị nhốt trong cung, uổng phí thanh xuân, bèn than thở: “Hoa ơi hoa à, ngươi mỗi năm mỗi tuổi đều có lúc nở, còn ta đến khi nào mới có được ngày ấy?”. Chạnh lòng, nước mắt tuôn rơi, nàng vừa sờ vào hoa thì hoa chợt thu mình, lá xanh cuộn lại. Thì ra nàng chạm vào loài hoa trinh nữ (cây xấu hổ). Vì thế, nàng được xếp vào một trong “Tứ đại mỹ nhân” của lịch sử Trung Quốc, có sắc đẹp được ví là Tu hoa, khiến hoa thu mình lại vì hổ thẹn.
ĐNCT