.

"Hoa viên kỳ ngộ"

* Khi bàn về câu ca “Đàn ông chớ kể Phan Trần/ Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”, một người bảo chuyện tính dục trong Truyện Kiều có nhằm nhò gì so với sách Hoa viên kỳ ngộ. Xin cho hỏi Hoa viên kỳ ngộ xuất xứ như thế nào và cảnh tính dục được mô tả trong đó táo bạo ra sao? (Hoàng Thanh, Hải Châu, Đà Nẵng).

- Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1820, về sau bị lên án là dâm ô, khiêu khích tình dục với những câu thơ như đoạn tả nàng Kiều tắm: Buồng the phải buổi thong dong/ Thang lan rủ bức trướng hồng tắm hoa/ Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên.

Tuy nhiên so với Hoa viên kỳ ngộ ra đời trước đó 80 năm thì tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du này còn “đường hoàng” chán.

Hoa viên kỳ ngộ (Cuộc gặp gỡ kỳ lạ ở vườn hoa), tên đầy đủ là Hoa viên kỳ ngộ tập, theo đoán định của GS. Phan Văn Các, người dịch và giới thiệu Hoa viên kỳ ngộ (NXB Văn học, 1998) thì tiểu thuyết được sáng tác cuối thời Lê, sau niên hiệu Cảnh Hưng (1740), không ghi tác giả. Căn cứ được đưa ra là tiểu thuyết có nói đến địa danh Nam Xang (tên huyện ứng với huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam ngày nay) và tên trấn Sơn Nam được đặt vào thời Lê.

Hoa viên kỳ ngộ không phải là sản phẩm thuần túy nội sinh mà được sáng tác do ảnh hưởng của hai truyện Lưu sinh mịch liên ký và Tầm phương nhã tập trong bộ tiểu thuyết Quốc sắc thiên hương của Ngô Kính Sở thời Minh (soạn năm Đinh Hợi, niên hiệu Vạn Lịch, 1587).

Các chuyên gia về văn học cổ cho rằng Hoa viên kỳ ngộ là tiểu thuyết sắc dục táo bạo nhất trong cổ văn Việt Nam, hiện còn một bản chép tay duy nhất với nét bút rất bay bướm, được lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, gồm 46 tờ (92 trang) khổ 27 x 15cm.

Hoa viên kỳ ngộ kể về chuyện tình của Triệu Kiệu, một chàng trai khôi ngô tuấn tú, học rộng tài cao, thứ nam của quan Tham chính họ Triệu, người đất Nam Xang thời Cảnh Hưng (1740 - 1786). Một hôm đi dạo trong vườn hoa bên cầu Bích Câu, Triệu sinh tình cờ gặp Lan Nương và Huệ Nương, con quan Ngự sử họ Kiều, đôi bên làm quen, tình tự rồi yêu nhau say đắm. Được Kiều công mến tài cho ở trong nhà để tiện thầy tiện bạn đèn sách, Triệu sinh lân la đến khuê phòng của hai nàng, nhờ được hai thị nữ của hai nàng hết lòng giúp đỡ nên được tự do đi lại. Vượt qua lễ giáo, họ đến với nhau, trai tài gái sắc, trao thân gửi phận, thỏa lòng mây mưa. Về sau Triệu sinh thi đỗ Giải nguyên, được quan Ngự sử họ Kiều gả cả hai tiểu thư cho.

Trên báo Tiền Phong ngày 17-4-2009, tác giả Nguyễn Khắc Phê trong bài Văn chương về tình dục: Có thật “Việt Nam lạc hậu trăm năm”? có trích một đoạn người xưa miêu tả cảnh “sex” trong Hoa viên kỳ ngộ, khi lần đầu Triệu sinh đến với Huệ:

“…Nói xong, cố sức đẩy Huệ xuống gối. Huệ cũng không cố chống cự.

Trong đệm phù dung hải đường máu nhuộm, dưới chân phỉ thúy, đan quế hương bay. Mày ngài liên hồi chớp chớp mặc cho bướm lượn săn tìm, mắt phượng lim dim mơ màng, không cấm ong bay hút mật. Xiêm màu phấp phới khác nào mưa trút hoa sen, tóc mây rối bời, hệt như gió thổi cành dương. Thật là một khắc ngàn vàng…”.

Còn đây là cảnh Triệu sinh “nhất dạ nhị giao” với cả hai nàng:

 “…Hai nàng nhường nhau hồi lâu, Sinh cũng không thể tự chủ được nữa bèn một tay kéo lấy vai Lan, tay kia mân mê vú Huệ, mặc sức đùa cợt trong chăn phỉ thúy, tận hưởng cuộc hoan lạc… Nửa đêm, Sinh nói: “Đây quả thật là cuộc kỳ ngộ, chúng ta nên có thơ ghi lại…”.

Tác giả Nguyễn Khắc Phê bình luận: Các “cụ” ngày xưa cũng ghê thật, hình như bây giờ chưa có nhà văn nào “chứng tỏ” sự “mới mẻ” của mình bằng cách viết “sex” đến mức vừa “thưởng” vừa làm thơ như thế!

ĐNCT

;
.
.
.
.
.