.

Những vế đối chưa ai đối được

* Vế ra đối “Da trắng vỗ bì bạch” của bà Đoàn Thị Điểm đã được người đời sau đối lại bằng nhiều vế đối, trong đó “Rừng sâu mưa lâm thâm” có phải là chuẩn nhất? Có những vế đối nào hiểm hóc và chưa ai đối được như thế không? (Mỹ Hà, Liên Chiểu, Đà Nẵng).

- “Da trắng vỗ bì bạch” là vế thách đối rất hiểm hóc, được cho là nữ sĩ Đoàn Thị Điểm “thử tài” Trạng Quỳnh. Giai thoại dân gian kể, bà Điểm đang tắm thì ông Trạng đòi vào tắm chung. Bà ra giá: Nếu ông đối được câu đối bà ra thì bà sẽ cho ông vào. Trạng nhà ta, tự hào chữ nghĩa đầy mình nên đồng ý ngay cái rẹt. Nhưng sau khi nghe tiếng tay vỗ vào da thịt và vế ra đối vang ra từ bên trong cánh cửa “Da trắng vỗ bì bạch” là Trạng ta... tịt ngòi; không thể làm càn được, lẳng lặng bỏ đi để giữ thể diện của kẻ văn nhân!

Từ đó, biết bao tao nhân mặc khách muốn thử “đóng vai” Trạng Quỳnh một phen qua nhiều vế đối. Có thể kể ra: “Trời xanh màu thanh thiên”; “Cô Miên ngủ một mình”; “Bảy tiếng kêu thất thanh”... Thậm chí còn có cả vế đối thời @ như: “Chém gió đi air blade”; “Gà đen kêu ô kê (OK)”…

Nhiều, rất nhiều, nhưng tất cả đều bị loại hết, chỉ còn câu “Rừng sâu mưa lâm thâm” được cho là chuẩn nhất. Chuẩn nhất, bởi người ta cho rằng vế ra dùng chữ “bì bạch” vừa có nghĩa là da trắng, vừa là tiếng tượng thanh, vế đối có chữ “lâm thâm” cũng vừa có nghĩa rừng sâu vừa là tiếng tượng thanh.

Tuy nhiên, “Rừng sâu mưa lâm thâm” đã bị không ít người cho rằng vẫn đối không chuẩn. Tác giả An Chi, người phụ trách mục Chuyện Đông - Chuyện Tây trên tạp chí Kiến thức Ngày nay cho rằng: “Da trắng” không đối bằng “má hồng”, “môi son”, “mắt huyền”, “máu đỏ”… thì thôi, chứ làm sao lại đối bằng “rừng sâu” được? Rồi ông hóm hỉnh hơn: “Mưa” mà đối được với “vỗ” thì “nắng” tất phải đối được với “sờ” trong “sờ mó”, “tạnh” tất phải đối được với “xoa” trong “xoa bóp”, “chớp” tất phải đối được với “vê” trong “vê râu”… Nghệ thuật đối mà đạt được đến những kết quả cụ thể như thế thì chẳng còn gì thảm não cho bằng! Và ông kết luận: Vì vậy mà câu “Da trắng vỗ bì bạch” vẫn còn treo ở đấy. Nó vẫn hấp dẫn như thường.

Thêm nữa, theo chúng tôi, “bì bạch” là tiếng tượng thanh hoàn toàn trong tiếng Việt chứ không phải là từ Hán, bởi “bạch bì” mới là tiếng Hán và có nghĩa là da trắng (ví như “bạch mã” là ngựa trắng, “thanh long” là rồng xanh…). Vế ra “Da trắng vỗ bì bạch” là thuần Việt, vì thế vế đối muốn chuẩn cũng phải là một từ tiếng Việt vừa gợi âm thanh vừa có thể đảo ngược để cho ra một từ tiếng Hán có nghĩa như bì bạch => bạch bì = da trắng.

Những câu đối như “Da trắng vỗ bì bạch” với vế ra chưa có vế đối thật chỉnh, gọi là câu đối “chết”. Dưới đấy là một số câu đối “chết” rất hiểm hóc:

- Trời mưa đất thịt trơn như mỡ, dò đến hàng nem chả muốn ăn. (Vế ra gồm đủ các món ăn thật hấp dẫn: thịt, mỡ, giò (đọc theo giọng miền Nam), nem, chả).

- Cha con thầy thuốc về quê, gánh một gánh hồi hương, phụ tử. (“Hồi hương” và “phụ tử” vừa là tên hai vị thuốc bắc, vừa có nghĩa là “về quê” và “cha con”).

- Giờ Thân, cảnh sát chặn xe hô hỏi câu hỏi “cốp xe chở gì hơi nặng?”, sau khi nghe hỏi, lái xe trả lời “xe chở meo ít nặng”. [Tên các con vật: Thân (khỉ), hổ (hô hỏi), cẩu (câu hỏi), cọp (cốp nặng), hợi (hơi nặng), mẹo (meo nặng)].

Phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có một cây cầu bắc qua sông Cổ Cò (nối từ thượng nguồn sông Hàn ra Cửa Đại) và gần đó có một cái chợ. Chợ mang tên cầu và cầu mang tên chợ. Một vế ra đối được cho là của một ông đồ đến nay vẫn chưa ai đối được: “Qua cầu Chợ đến chợ Cầu, chờ cậu”.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.