.

"Tập đại thành"

* Nhiều sách báo, tài liệu gọi Lê Quý Đôn là nhà bác học lớn, nhà sử học uyên bác, “tập đại thành” của thời đại. Xin cho hỏi “tập đại thành” nghĩa là gì và vì sao Lê Quý Đôn được gọi như thế? (Hoàng Mỹ, Sơn Trà, Đà Nẵng)

- Theo Từ điển tiếng Việt, “tập đại thành” có hai nét nghĩa: (1) Gom góp những âm thanh để tạo thành một bản nhạc lớn; (2) Thu góp các ý kiến để dựng nên một học thuyết lớn, một tác phẩm lớn.
Đối với nhà bác học Lê Quý Đôn, gọi ông “tập đại thành” là theo nét nghĩa thứ hai.

Lê Quý Đôn (1726 – 1784) từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng. 17 tuổi đã đỗ đầu kỳ thi Hương, nhưng thi Hội mấy lần đều không đỗ. Ông ở nhà dạy học và viết sách trong khoảng 10 năm (1743 - 1752). Đến năm 26 tuổi, ông lại dự thi Hội và lần này thì đỗ Hội nguyên. Vào thi Đình, ông đỗ luôn Bảng nhãn; vì kỳ thi này không lấy đỗ Trạng nguyên, nên kể như cả ba lần thi, ông đều đỗ đầu.

Người xưa có câu: “Hành quá thiên lý lộ/ Độc phá vạn quyển thư” (Đi qua ngàn dặm đường/ Đọc nát vạn quyển sách”. Hai câu này dường như vận vào cuộc đời của Lê Quý Đôn. Trên bước đường làm quan ông từng kinh qua nhiều chức vụ ở triều đình cũng như tại nhiều địa phương, có cả việc đi sứ sang Trung Hoa. Tư chất thông minh, hiếu học cộng với kinh nghiệm học hỏi được khi làm quan đã giúp ông mở rộng kiến văn và biên soạn, trước tác nhiều bộ sách giá trị. Các học giả về sau đánh giá đó là những công trình vĩ đại, có giá trị bậc nhất về lịch sử, thiên văn, địa lý, chế độc điền đất thuế khóa của Việt Nam dưới thời Lê - Trịnh.

Hiện vẫn chưa thống kê chính xác Lê Quý Đôn viết bao nhiêu bộ sách. Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, hiện có thể chứng minh ông là tác giả của 14 tập  sách lớn với nhiều công trình đồ sộ như: Đại Việt thông sử; Kiến văn tiểu lục; Phủ biên tạp lục; Vân Đài loại ngữ; Toàn Việt thi lục; Quần thư khảo biện;...

Riêng trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú cho biết Lê Quý Đôn còn là tác giả của 17 bộ sách lớn như: Thiên văn thư; Địa lý ngôn thư; Đạo đức kinh diễn thuyết;... Các học giả khác còn cho rằng Lê Quý Đôn cũng là tác giả của hàng chục bộ sách khác như: Đại Việt địa lý chư gia kiếm bí lục; Lịch triều danh phú; Thưởng tâm nhã tập;... Ông đã viết sách trên mọi lĩnh vực: Triết học, văn học, địa lý học, về Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, quân sự, chính trị, nghệ thuật, thực vật học... mà cho đến ngày nay, chỉ qua những cuốn sách ấy, chúng ta mới có thể giải mã được nhiều vấn đề bổ ích.

Năm 1976, khi lần đầu cho ra mắt bộ sách Lê Quý Đôn toàn tập sau nhiều năm sưu tầm, dịch thuật và hiệu đính, các nhà khoa học của Viện Sử học đã nhận xét: “Trong một ngàn năm chế độ phong kiến Việt Nam thì Lê Quý Đôn là nhà trí thức đọc nhiều, viết nhiều nhất. Suốt đời ông chỉ có hai hoài bão lớn là cải cách xã hội để dân giàu, nước mạnh và đọc sách, viết sách”.

Trần Danh Lâm, bạn cùng thời Lê Quý Đôn nhận xét về ông: “Lê Quế Đường (hiệu của Lê Quý Đôn – ĐNCT) người huyện Duyên Hà không sách gì không đọc, không vật gì không suy xét đến cùng, ngày thường ngẫm nghĩ được điều gì viết ngay thành sách, sách chất đầy bàn, đầy tủ, kể ra khôn xiết”.

Với công trình trước tác đồ sộ của mình, Lê Quý Đôn xứng đáng là “tập đại thành” của thời đại, là nhà thư tịch hàng đầu của Việt Nam.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.