* Tôi nghe nói, tại Hội nghị Paris (1968 - 1973) bàn về chiến tranh Việt Nam, có nhiều người Quảng Nam - Đà Nẵng tham gia đàm phán; vậy họ là những ai? (Nguyễn Trọng Hoạt, Hải Châu, Đà Nẵng).
- Hội nghị Paris về Việt Nam là cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, diễn ra từ tháng 5-1968 đến ngày 27-1-1973. Hiệp định Paris được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam ở thế kỷ XX, góp phần quan trọng vào đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cả hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia đàm phán với tổng số 100 người, đến nay, đã hơn một nửa không còn nữa. Hiện chưa có tài liệu cụ thể về danh sách những người tham gia đàm phán tại hội nghị quan trọng này, nhưng trong đó chắc chắn có ít nhất 3 người Quảng Nam – Đà Nẵng.
Thứ nhất, bà Nguyễn Thị Bình, sinh năm 1927 tại tỉnh Đồng Tháp nhưng nguyên quán của cha bà (ông Nguyễn Đồng Hợi) ở Điện Bàn, Quảng Nam. Bà là một nữ chính trị gia nổi tiếng của Việt Nam. Bà nổi tiếng trên thế giới khi giữ cương vị Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris trong giai đoạn 1968 - 1973. Bà là một trong những người đại diện các bên ký hiệp định Paris năm 1973 và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định. Bà cũng từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1992 đến năm 2002, hiện là Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam.
Thứ hai, ông Hoàng Bích Sơn (1924 - 2000) tên thật là Hồ Liên, người làng Đông Yên, huyện Duy Xuyên, nay là xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, xuất thân trong một gia đình tư sản. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ trước năm 1945 tại Bình Thuận, làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận. Trước năm 1969, với tên cá nhân công khai là Hồ Liên, ông là Chánh Văn phòng Ủy ban Thống nhất của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có trụ sở tại đường Văn Miếu, khu Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Năm 1969 - 1976, ông là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, thành viên của Đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị Paris về Chấm dứt Chiến tranh tại Việt Nam. Tên ông đã được đặt cho con đường dài 740m, rộng 7,5m, từ đường 5,5m chưa đặt tên đến đường Phạm Văn Đồng, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
Thứ ba, bà Phan Thị Minh (còn có tên khác là Lê Thị Kinh), sinh năm 1925 ở xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, cháu ngoại của cụ Phan Châu Trinh, là một người có nhiều cống hiến trong công tác ngoại giao Việt Nam. Bà là người con thứ 2 trong gia đình có 7 anh chị em (6 gái, 1 trai). Năm 20 tuổi, bà là người đầu tiên tham gia công tác ở Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau năm 1945, bà được cử ra Bắc học tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Chiến tranh ở miền Nam nổ ra, bà được chuyển vào Nam và phụ trách theo dõi chính quyền chế độ cũ.
Sau đó, với khả năng ngoại ngữ giỏi, bà được cử đi cùng đoàn đàm phán của Việt Nam sang dự Hội nghị Paris. Một thời gian bà làm Đại sứ Việt Nam tại Italia. Sau đó bà làm Vụ trưởng Vụ Ngoại giao (theo dõi về các tổ chức Liên Hợp Quốc) và nghỉ hưu. Hiện bà sống cùng người con trai thứ hai tại nhà thờ cụ Phan Châu Trinh (số nhà 72 Phan Châu Trinh, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng).
ĐNCT