.

Sơn Chà hay Sơn Trà

.

* Trước năm 1975 tôi thấy xe đò Đà Nẵng đi quận Ba và ngược lại bên hông có kẻ chữ Sơn Chà - Đà Nẵng. Đến năm 1997 thì quận Sơn Trà được thành lập. Vậy, cho hỏi, Sơn Trà và Sơn Chà, cách gọi nào đúng? (Trần Ngọc Nam, Sơn Trà, Đà Nẵng).

Một chiếc xe đò chạy tuyến Sơn Chà - Đà Nẵng trước năm 1975. (Ảnh tư liệu)
Một chiếc xe đò chạy tuyến Sơn Chà - Đà Nẵng trước năm 1975. (Ảnh tư liệu)

-Về địa danh Sơn Trà đã có nhiều bàn luận với nhiều cứ liệu và luận giải khác nhau.

Bàn về địa danh này, tại trang 19 tập tài liệu “Văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn quận Sơn Trà”, do Phòng Văn hóa và Thông tin quận lưu hành nội bộ năm 2008, cho rằng Sơn Chà bắt nguồn từ một dụng cụ bắt cá của ngư dân địa phương: “Từ thế kỷ XV về trước, Sơn Trà là hải đảo, bốn bề nước bao bọc, giống như cái chà của ngư dân làm, thả gần bờ dụ cá vào để bắt, nên dân địa phương thường gọi là Sơn Chà”. Tài liệu này cũng giải thích cả địa danh Sơn Trà: “Bởi núi có gần như hầu hết cây mọc thấp “tức trà” và cũng có nhiều rừng cây trà núi mọc um tùm rậm rạp, nên gọi là Sơn Trà”.

Có nghĩa là, theo tài liệu đã dẫn thì gọi Sơn Chà hay Sơn Trà đều không sai.

Tuy nhiên, tác giả Trần Xuân An đã đưa ra cách luận giải được cho là khả tín nhất qua bài viết “Thêm một cứ liệu để lý giải địa danh: Sơn Trà hay Sơn Chà?” đăng trên Tạp chí Non Nước số 201 + 202 (tháng 8, 9-2014).

Theo đó, có một loại cây trái được dân gian gọi là cây sơn chà, trái sơn chà. Trong cuốn “Tự vị An Nam - La-tinh” (Dictionarium Anamitico Latinum, 1772 – 1773) của Pierre Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu), có cả hai mục từ này, được ký âm bằng bộ chữ cái La-tinh và giải nghĩa sang tiếng La-tinh:

“Cây sơn chà: Thứ cây gần giống như cây cau, người Bồ [Đào Nha] gọi là Romania”.

“Trái sơn chà: Thứ trái cây giống như cây ô-liu, người Bồ gọi là Romania”.

 Một mục từ gần gũi khác:

“Cây chà là: Thứ cây gần giống như cây cau”.

Có thể cây sơn chà, trái sơn chà chính là một loại chà là ở vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, hiện nay vẫn còn tồn tại, khác với các loại chà là ở các vùng địa lý khác. Phải chăng vùng bán đảo Sơn Chà (Sơn Trà), vừa là địa hình đồi trọc vừa thuộc vùng ven biển, nhoài xa ra biển, ngày trước vốn có nhiều loại cây sơn chà này?

Trong “Quốc triều chính biên toát yếu”, Sơn Chà không phải bị ghi thành Trà Sơn hay Sơn Trà (như “Đại Nam thực lục” hay “Đại Nam nhất thống chí”) mà đúng là Sơn Chà. Có đến hai đoạn đề cập đến địa danh này:

“Năm Canh Thân thứ mười ba (1860), tháng Giêng, tàu binh Đại Pháp ở vũng Sơn Chà chạy đi, nhưng còn ở lại Chơn Sảng và Đà Nẵng. Ngài dụ khiến 2 đạo quân thứ Quảng Nam và Hải Vân nhắm thế mà chỉnh bị”.

“Tháng 3, Đại Pháp sai đốt các đồn An Hải, Điện Hải tại núi Sơn Chà, rồi những tàu binh đậu vũng Sơn Chà đều chạy đi hết. Ngài dụ quan Quân thứ và các địa phương chỗ nào có hải phòng phải phòng bị cho nghiêm ngặt”.

Tác giả Trần Xuân An kết luận: “Địa danh “Sơn Chà” được hai lần nhắc đến trong hai trích đoạn trên đã giúp chúng ta thật sự không còn chút băn khoăn, thắc mắc nào nữa, khi xác định Sơn Chà, chứ không phải Sơn Trà như trên giấy tờ hành chính hiện nay; và còn không nghi ngờ gì nữa, đó chính là một địa danh, không những trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng, mà từ xưa cũng là một địa danh hành chính chính thức”.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.