* Trong bài “Đốt tiền” vào đám tang đăng trên Báo Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 17-4-2016 vừa qua có đoạn “Tỷ suất chết thô (CDR – Crude Death Rate) của Việt Nam hiện là 4%. Đà Nẵng có gần 1 triệu dân, vậy mỗi năm chết khoảng 4.000 người”. Xin cho hỏi tỷ suất chết thô là gì? Vậy có tỷ suất sinh thô không? (Trần Quang Nam, Hải Châu, Đà Nẵng).
- Tỷ suất chết thô (CDR - Crude Death Rate) là chỉ tiêu đơn giản nhưng phổ biến nhất trong việc đánh giá mức tử vong của dân số. Nó được xác định bằng số người chết trong năm tính bình quân cho 1.000 dân số năm đó. Tỷ suất chết thô có ảnh hưởng đến quy mô, cơ cấu và tốc độ gia tăng dân số. So với các chỉ tiêu khác về mức độ chết, tỷ suất chết thô là chỉ tiêu có nguồn thông tin dễ thu thập, thường sẵn có và được tính toán đơn giản.
CDR của Việt Nam giảm dần theo thời gian; đặc biệt trong thập niên 1989 - 1999 đã giảm nhanh từ 8,4‰ xuống còn 5,6‰. CDR của nước ta có sự khác biệt đáng kể giữa thành thị và nông thôn, năm 2002 CDR của khu vực nông thôn là 6‰, cao hơn khoảng 1,3 lần so với khu vực thành thị (4,7‰) .
Tỷ suất chết thô và tỷ suất chết sơ sinh (IMR - Infant Mortality Rate) là hai số đo thường được dùng để mô tả tình hình tử vong (mức độ chết) của một quốc gia.
Tỷ suất chết sơ sinh được định nghĩa bằng tỷ lệ phần nghìn giữa số trẻ em chết khi chưa đạt 12 tháng tuổi trong năm chia cho tổng số trẻ em mới sinh trong năm đó. Theo Tổng cục Thống kê, đây là một chỉ số không phụ thuộc vào cơ cấu dân số theo độ tuổi. Nó cho biết khi IMR cao thì mức độ chết của dân số cũng cao, và ngược lại.
Song hành với tỷ suất chết thô còn có tỷ suất sinh thô (Crude Birth Rate - CBR), đó là số trẻ em sinh ra trong một năm so với 1.000 dân số trung bình của năm đó, nghĩa là trong 1.000 dân thì có bao nhiêu trẻ em sinh ra sống trong năm đó. CBR lớn hay nhỏ có ảnh hưởng đến quy mô, cơ cấu và tốc độ gia tăng dân số.
Để mô tả mức độ tăng dân số bình quân trong một năm, người ta dùng số đo tỷ suất tăng tự nhiên dân số (ký hiệu bằng NIR và tính bằng đơn vị phần nghìn), đó là hiệu số giữa tỷ suất chết thô và tỷ suất sinh thô. Tỷ suất này cho biết, bình quân cứ 1.000 dân số trung bình của một năm, thì có bao nhiêu người tăng lên trong năm do hậu quả của 2 yếu tố sinh ra và chết đi.
Tỷ suất tăng tự nhiên dân số có ưu điểm là dễ tính toán, không đòi hỏi nhiều số liệu. Song nó có nhược điểm là phụ thuộc rất chặt vào cơ cấu dân số theo độ tuổi, vì thế nó không được sử dụng trực tiếp để đánh giá mức độ tái sản suất dân số.
Do tỷ suất tăng tự nhiên dân số trực tiếp phụ thuộc vào tỷ suất sinh thô (CBR) và tỷ suất chết thô (CDR), nên không bao giờ được dùng để đánh giá mức độ sinh hoặc kết quả công tác kế hoạch hóa gia đình.
Quy mô dân số thường xuyên vận động theo thời gian, có thể tăng hoặc giảm tùy theo các chiều hướng biến động của các nhân tố sinh ra, chết đi và di dân. Tức là, nếu như ở một vùng nào đó trong một thời điểm xác định nào đó mà mức sinh và nhập cư cao hơn mức chết và xuất cư thì quy mô dân số ở vùng đó tăng trong thời gian đó và ngược lại, nó sẽ giảm nếu như mức sinh và nhập cư thấp hơn mức chết và xuất cư.
ĐNCT