* Vừa rồi, nhân kỷ niệm 100 ngày hai chí sĩ hy sinh trong khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 là Thái Phiên và Trần Cao Vân, tôi nghe nói tên của hai nhà yêu nước người Quảng này được đặt tên cho thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Xin cho hỏi, việc đặt tên này được thực hiện theo quyết định của cấp nào? (Hoàng Văn Thành, Hải Châu, Đà Nẵng).
- Có nhiều cứ liệu nói về việc đặt tên chí sĩ Thái Phiên cho thành phố Đà Nẵng, đặt tên chí sĩ Trần Cao Vân cho tỉnh Quảng Nam.
Sách “Bảo An - Đất và Người” (NXB Đà Nẵng, 1999), ở trang 20 có ghi: “Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tỉnh Quảng Nam đổi thành tỉnh Trần Cao Vân, huyện Điện Bàn vẫn giữ tên cũ”.
Cổng Thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng (danang.gov.vn), mục Danh nhân, trong bài giới thiệu nhân vật Thái Phiên (1882 - 1916) có đoạn: “Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, thành phố Đà Nẵng vào thời gian đầu được đặt tên là thành Thái Phiên, tỉnh Quảng Nam được đặt tên là Trần Cao Vân, nhưng sau đó theo một nghị định của Chính phủ (ngày 9-10-1945) đều lấy lại tên tỉnh, thành phố như cũ”.
Tác giả Võ Văn Dật trong cuốn “Lịch sử Đà Nẵng (1306 - 1975)”, NXB Nam Việt, CA, Hoa Kỳ, 2007, đã 3 lần nhắc đến sự kiện Đà Nẵng được đặt tên là thành Thái Phiên.
“Trước khi Pháp chiếm hữu vĩnh viễn Đà Nẵng bằng đạo dụ Mậu Tý (1888) thì cửa biển nằm ngay phía nam đèo Hải Vân được người Việt gọi bằng hai tên quen thuộc là Hàn và Đà Nẵng. Từ 1888 đến 1945, người Pháp cho mang tên chính thức là Tourane. Từ tháng 7-1945 đến cuối năm đó trở lại tên Đà Nẵng. Cuối năm 1945 có tên mới là thành Thái Phiên…” (trang 10).
“Cuộc cướp chính quyền của Việt Minh khởi phát từ Hà Nội vào tháng 8-1945 rồi lan dần vào Huế và Đà Nẵng. Chính quyền mới đổi tên Đà Nẵng là thành phố Thái Phiên…” (trang 302).
“Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến trên toàn quốc bùng nổ. Đà Nẵng, cũng như nhiều nơi khác, lao mình vào cơn lốc chung của lịch sử. (…) Mặc dầu sự kháng cự của nhân dân rất là anh dũng, nhưng, cũng như non tám mươi năm trước, sự hy sinh lớn lao đó vẫn không cản được hỏa lực xâm lăng. Quân Pháp đã làm chủ thành phố một cách mau chóng. Tên Thái Phiên bị bãi bỏ và địa danh Tourane được phục hồi, guồng máy cai trị được tạm thời tái lập (trang 307).
Như thế, về thời điểm bãi bỏ tên gọi thành Thái Phiên và tỉnh Trần Cao Vân, có một “độ vênh” giữa Cổng Thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng và cuốn “Lịch sử Đà Nẵng (1306-1975)” của Võ Văn Dật. Thông tin từ danang.gov.vn: “theo một nghị định của Chính phủ (ngày 9-10-1945) đều lấy lại tên tỉnh, thành phố như cũ”. Thông tin của Võ Văn Dật: “Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến trên toàn quốc bùng nổ. (…) Tên Thái Phiên bị bãi bỏ và địa danh Tourane được phục hồi, guồng máy cai trị được tạm thời tái lập”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn, trong bài viết “Thành Thái Phiên có từ bao giờ?” đăng trên Báo Đà Nẵng số ra ngày thứ tư, 2-9-2015, có đoạn: “Hiện nay, trong Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Hà Nội còn lưu giữ một hiện vật liên quan 3 nhân vật lịch sử của xứ Quảng. Đó là tờ giấy thông hành đề ngày 1-9-1945 do UBND Thành Thái Phiên (ĐNCT nhấn mạnh) thuộc Việt-Nam Độc-Lập Đồng-Minh cấp cho đồng chí Lê Văn Hiến”.
Thông tin thành phố Đà Nẵng được đặt tên chí sĩ Thái Phiên phổ biến hơn, so với tỉnh Trần Cao Vân mang tên người đồng chí của ông, có lẽ xuất phát từ những câu thơ của nhà thơ Tế Hanh. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Tế Hanh dạy học ở Đà Nẵng, sau khi thành lập UBND cách mạng lâm thời, ông là Ủy viên Giáo dục (như là Giám đốc Sở Giáo dục bây giờ).
Được trực tiếp tham gia kháng chiến cùng nhân dân Đà Nẵng trong những ngày đầu, ông viết trường ca “Thành Thái Phiên” với những câu được nhiều người biết đến: “Thành Thái Phiên đắm mình trong khói lửa/ Đất anh hùng lần nữa quyết hy sinh”.
ĐNCT