.

Về câu ca "Nước Nam có bốn anh hùng"...

* Ca dao xưa có câu “Nước Nam có bốn anh hùng/ Tường gian, Viêm láo, Khiêm khùng, Thuyết ngu”. Xin cho biết 4 nhân vật được nói đến ở đây là ai và vì sao họ lại bị dân gian gán cho cái tên đầy mỉa mai như thế? (Trần Ngọc, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

- Câu ca này xuất hiện trong dân gian sau biến cố “thất thủ kinh đô” diễn ra tối ngày 4 rạng sáng 5-7-1885 (nhằm 23-5 Ất Dậu), đó là việc quan đại thần Tôn Thất Thuyết (đứng đầu phe chủ chiến trong triều đình) hạ lệnh tấn công đánh úp quân Pháp tại Tòa Khâm sứ và đồn Mang Cá. Việc lớn bất thành, Tôn Thất Thuyết vội vàng phò vua Hàm Nghi ra Tân Sở. Tại đây, vào ngày 13-7-1885, vua Hàm Nghi ban dụ Cần Vương kêu gọi nhân dân cả nước đứng lên chống Pháp. Bấy giờ, triều đình Huế chia làm hai kinh đô: Kinh đô của Nam triều tại Huế (niên hiệu Đồng Khánh) và kinh đô kháng chiến Tân Sở ở Quảng Trị (niên hiệu Hàm Nghi), cùng tồn tại cho đến năm 1888.

Bốn nhân vật nhắc tới trong câu ca nói trên, người đầu tiên là Nguyễn Văn Tường. Ban đầu ông này sát cánh với Tôn Thất Thuyết trong phe chủ chiến chống Pháp, sau ra đầu thú với Thống tướng De Courcy và được phục chức phụ chánh. Ông Tường ra tuyên cáo kết tội ông Tôn Thất Thuyết, mang quân đi lùng bắt vua Hàm Nghi và ông Thuyết, bắt giam cha ông Thuyết.

Người thứ hai là Hoàng Kế Viêm, trước cũng chống Pháp trong phe chủ chiến, sau được vua Ðồng Khánh (thân Pháp) phục chức và sai ra Quảng Bình chiêu dụ vua Hàm Nghi.

Người thứ ba là Ông Ích Khiêm, người làng Phong Lệ, nay thuộc phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Khi Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường chuyên quyền, ông khẳng khái, không chịu luồn cúi cấp trên, làm phật ý hai ông này nên bị giam vào ngục.

Người cuối cùng là Tôn Thất Thuyết.

Bình luận về câu ca trên, ThS. Lê Trọng Đại (Trường ĐH Quảng Bình), trong bài viết “Góp bàn một số vấn đề về phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX” nhận định như sau:

“… Mặc dù xem qua nội dung câu ca chúng ta thấy có sự phê phán bốn vị đại thần nhưng câu ca này ra đời trong bối cảnh xã hội Việt Nam bị phân hóa thành hai lực lượng. Một lực lượng yêu nước do vua Hàm Nghi và các đại thần có tư tưởng chủ chiến như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật, Hoàng Kế Viêm cầm đầu. Một lực lượng đầu hàng, phản bội chấp nhận làm tay sai cho Pháp để hưởng vinh hoa, phú quý đê hèn, mà tiêu biểu là vua Hiệp Hòa, vua Đồng Khánh và bọn Việt gian Nguyễn Hữu Độ, Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân.

Do đó, câu ca này nếu nhân dân yêu nước dùng thì để ca ngợi các nhân vật yêu nước và cố kết nhân tâm chống Pháp nhưng lại khéo léo nấp dưới các ngôn từ phê phán. Còn bọn tay sai Pháp hoặc một số hoàng tộc bất bình với việc phế lập vua của các đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường thì dùng câu ca này để phê phán, lên án bốn vị đại thần nói trên”.

PGS, TS Đỗ Bang trong cuốn “Nguyễn Văn Tường, cuộc đời và lời giải”, NXB Văn hóa-Thông tin, 2007, bình luận: “Sau ngày kinh đô thất thủ, phe thân Pháp và tay sai nắm quyền, các vị này (bốn người trong câu ca đang xét – ĐNCT) thất thế bị rơi vào thế đối lập chống lại triều đình... Danh dự của các ông bị bôi nhọ, xuyên tạc ngay tại Huế... bia miệng độc ác và nghịch lý nhất là khi đem sự nghiệp của các ông ra làm điều giễu cợt…”.

Nói thêm, câu ca này còn có một số dị bản.

An Nam có bốn anh hùng/ Tường gian, Viêm dối, Khiêm khùng, Thuyết ngu

Thừa Thiên có bốn gian hùng/ Tường gian, Viêm dối, Khiêm khùng, Thuyết ngu.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.