* Xin cho hỏi nhân vật Bành Tổ trong câu “Sống lâu như Bành Tổ” thọ bao nhiêu tuổi và có ai sống lâu như ông không? (Hoàng Văn Trung, Hải Châu, Đà Nẵng).
- Câu “Sống lâu như Bành Tổ” bắt nguồn từ một truyền thuyết Trung Hoa. Theo đó, thuở xưa có nhà nọ sinh được một bé trai mặt mũi sáng láng, đặt tên là Bành Nhi. Một ông thầy bói đi qua thấy tướng cậu bé liền buột miệng nói rằng: “Tội nghiệp, thằng bé đĩnh ngộ thế mà 10 tuổi đã phải chết!”. Cha mẹ cậu bé hoảng hốt, xin thầy cứu giúp. Thầy liền bảo phải làm thế này, thế này...
Ngày hôm sau, Bành Nhi bưng một mâm đào vừa to vừa ngon lên núi, đi một lát tới cảnh suối chảy tùng reo, hạc bay mây cuốn, có hai ông tiên ngồi đánh cờ trên một tảng đá phẳng. Bành Nhi rón rén đặt mâm đào xuống rồi khoanh tay đứng hầu. Hai ông tiên mải mê đánh cờ, quơ tay thấy có đào ngon bèn cầm lên thưởng thức.
Xong ván cờ, hai ông phát hiện ra chú bé dâng đào liền hỏi chuyện. Bành Nhi thưa hết mọi chuyện của mình. Thì ra đó là Nam Tào và Bắc Đẩu, giữ sổ sinh và sổ tử trên Thiên đình. Giở sổ ra, thấy Bành Nhi sống đến 10 tuổi là hết số, cả hai bèn bàn nhau thêm một nét phẩy nữa để biến chữ thập (十, mười) thành chữ thiên (千, một nghìn). Thế là Bành Nhi được sống đến nghìn tuổi, được người đời sau gọi là Bành Tổ.
Theo bình giải của các tác giả Lý Minh Tuấn (biên soạn), Nguyễn Minh Tiến (hiệu đính) trong cuốn “Tứ thư Bình giải” (NXB Tôn Giáo, 2010, trang 151) thì Bành Tổ sống tới 700 tuổi và xuất thân có khác. Theo đó, ở Chương VII: Thuật nhi, có chép: “Tử viết: “Thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ; thiết tỷ ư ngã Lão Bành”. Dịch nghĩa: Đức Khổng tử nói: “Kể lại mà không sáng tác, tin theo mà ưu thích điều cũ; ta trộm sánh với ông Lão Bành”.
Các tác giả bình giải: “Đức Khổng tử đã khiêm nhượng, thành thật trình bày hạnh tính của mình. Ngài chỉ kể lại những đạo lý đã được nghe mà không sáng tác ra điều gì mới. Đạo lý mà ngài được nghe là đạo thống của người xưa. Ngài tin theo và ưa thích đạo thống cũ. Công việc kể lại đó, ngài có thể trộm sánh với việc ông Lão Bành kể truyện cổ tích. Có lẽ Lão Bành nhờ sống lâu mà nhớ được nhiều chuyện xưa, hay kể lại cho mọi người nghe.
Theo truyền thuyết huyền thoại, Lão Bành có tên là Tiền Kiên, làm quan đại phu xứ Đại Bành, sống tới 700 tuổi. Lão Bành còn được gọi là ông Bành Tổ. Trang Tử cho rằng ông Bành Tổ được đạo mà sống từ đời Hữu Ngu tới đời Ngũ Bá, tức là từ đời vua Thuấn đến đời Xuân Thu, khoảng 1.500 năm. Vì thế, có câu tục ngữ “Sống lâu như Bành Tổ”.
Theo “Thần tiên truyện” thì Bành Tổ là người họ Điền tên Khanh, sống tới 767 tuổi, trải qua nhà Hạ đến cuối nhà Ân.
Dù bắt nguồn từ đâu thì trong điển cố văn học, Bành Tổ vẫn chỉ người sống lâu.
Ở phương Tây, theo Kinh Thánh, có nhiều người sống lâu như Bành Tổ như: Mathuselah (969 tuổi), Enoch (965 tuổi), Jarad (962 tuổi)…
Các nhà nghiên cứu cho rằng không phải các nhân vật trong Kinh Thánh mới có thể sống đến 900 tuổi hoặc lâu hơn. Liệt kê tuổi thọ cao ngất ngưởng trong các văn bản cổ đại từ nhiều nền văn hóa khác nhau khiến cho hầu hết con người ngày nay cảm thấy khó tin. Một số người cho đây có lẽ là sai sót trong quá trình dịch thuật, hoặc những con số về tuổi thọ này mang một ý nghĩa biểu tượng nào đó.
Có một cách giải thích cho rằng định nghĩa về một năm của người miền Cận Đông cổ đại có thể khác với khái niệm một năm thời nay. Có lẽ trong khái niệm của người xưa, một năm ám chỉ đến quỹ đạo của mặt trăng (1 tháng) thay vì quỹ đạo mặt trời (12 tháng). Nếu giả thuyết này đúng thì Mathuselah sống chỉ 81 tuổi (chia 969 cho 12) và Bành Tổ thọ chỉ… 64 tuổi. Như thế, câu “Sống lâu như Bành Tổ” xem ra không còn mang ý nghĩa ban đầu nữa!
ĐNCT