.

Nghi thức cúng đầy tháng cho trẻ sơ sinh

.

* Theo dân gian, cách cúng đầy tháng cho trẻ như thế nào? 12 bà Mụ gồm những ai? (Nguyễn Thị Lành, Sơn Trà, Đà Nẵng).

- Cúng đầy tháng cho trẻ sơ sinh (còn gọi là cúng khẳm tháng, cúng mụ) là nghi thức có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi đời người. Thông thường, lễ này được thực hiện vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối.

Theo cách tính dân gian, ngày đầy tháng của trẻ sơ sinh được căn cứ vào lịch âm và tùy thuộc vào giới tính của đứa bé. Theo đó, nếu là bé gái sẽ lùi lại 2 ngày và nếu là bé trai sẽ lùi lại 1 ngày như cách ông bà xưa vẫn nói “gái lùi hai, trai lùi một”. Chẳng hạn, nếu bé sinh vào ngày 28-3 âm lịch thì ngày cúng đầy tháng sẽ là ngày 26-4 âm lịch nếu đó là bé gái; nếu là bé trai thì ngày cúng đầy tháng sẽ là ngày 27-4 âm lịch.

Nói là đầy tháng, nhưng theo cách tính dân gian, “gái lùi hai, trai lùi một” (hoặc “gái bớt hai, trai bớt một”, bé gái chỉ tròn đúng 28 ngày còn bé trai thì được 29 ngày. Tuy nhiên, một số nơi như Sóc Trăng, cách tính đầy tháng cho trẻ có khác, “gái sụt hai, trai trồi một”, nghĩa là lấy mốc ngày sinh cộng thêm một ngày nữa là ngày đầy tháng của bé trai, còn bé gái thì bớt đi 2 ngày.

Dân gian cho rằng đứa trẻ sinh ra được 12 bà Mụ trông nom, săn sóc, nên mâm cúng nhất thiết phải đủ 12 chén chè nhỏ và 3 tô chè lớn. Ngoài ra, còn có các lễ vật khác để cúng Đức Ông và ba Đức Thầy (Thánh sư, Tổ sư và Tiên sư, có chức năng truyền dạy nghề nghiệp) bao gồm: 1 đĩa xôi lớn, 12 đĩa xôi nhỏ; 3 chén cháo nhỏ và 1 tô cháo lớn; 13 cái bánh tráng nướng; 1 con gà hoặc vịt luộc; 1 mâm hoa quả, 1 mâm cơm (cá, thịt luộc, canh, đồ xào và cơm). Cùng với các lễ vật này còn có thêm một bình hoa, trà, rượu, hương, đèn, nước, gạo, muối, muỗng và không thể thiếu một đôi đũa hoa (đũa được vót ngược đầu và có bông trên đầu đũa) vì theo quan niệm dân gian, bà chúa chỉ thích dùng đũa này.

Sau khi sắp đặt hết lễ vật lên bàn, một người lớn trong họ sẽ thực hiện nghi lễ thắp hương và khấn: “Hôm nay, ngày (mùng)… tháng… (âm lịch), ngày cháu (nội hay cháu ngoại…) họ, tên… tròn một tháng tuổi, gia đình chúng tôi bày mâm lễ vật này, cung thỉnh thập nhị Mụ Bà và tam vị Đức Ông trước về chứng minh nhận lễ, sau tiếp tục phù trợ cho cháu (tên… ) mạnh tay, mạnh chân, mau lớn, hiền, ngoan, phù trợ cho gia đình an vui, hạnh phúc”.

Kế đến là nghi thức khai hoa (còn gọi là “bắt miếng”). Đứa bé được đặt ngay trên bàn giữa, chủ lễ rót trà thắp hương xin phép “bắt miếng”. Xong, bồng đứa trẻ một tay, tay kia cầm một nhánh hoa điệp (có thể hoa khác) vừa quơ qua, quơ lại trên miệng cháu bé vừa dạy những lời tốt đẹp: “Mở miệng ra cho có bông, có hoa/ Mở miệng ra cho kẻ thương, người nhớ/ Mở miệng ra cho có bạc, có tiền/ Mở miệng ra cho xóm giềng quý mến…”.

Về 12 bà Mụ, theo người xưa “Trên bà chúa Thiên Thai, dưới 12 bà Mụ”, gồm có các bà:

1. Mụ bà Trần Tứ Nương, người coi sóc việc sinh nở (chú sanh).

2. Mụ bà Vạn Tứ Nương, người coi việc thai nghén (chuyển sanh).

3. Mụ bà Lâm Cửu Nương, người coi việc thụ thai (thủ thai).

4. Mụ bà Lưu Thất Nương, người nặn hình hài nam, nữ cho đứa bé.

5. Mụ bà Lâm Nhất Nương, người coi việc chăm sóc bào thai (an thai).

6. Mụ bà Lý Đại Nương, người coi việc chuyển dạ (chuyển sanh).

7. Mụ bà Hứa Đại Nương, người coi việc khai hoa nở nhụy (hộ sản).

8. Mụ bà Cao Tứ Nương, người coi việc ở cữ (dưỡng sanh).

9. Mụ bà Tăng Ngũ Nương, người coi việc chăm sóc trẻ sơ sinh (bảo tống).

10. Mụ bà Mã Ngũ Nương, người coi việc ẵm bồng con trẻ (tống tử).

11. Mụ bà Trúc Ngũ Nương, người coi việc giữ trẻ (bảo tử).

12. Mụ bà Nguyễn Tam Nương, người coi việc chứng kiến và giám sát việc sinh đẻ.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.