* Giới truyền thông trong nước và quốc tế gần đây thường nói về vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) ở The Hague (Hà Lan) liên quan đến các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Xin cho hỏi, PCA được hình thành như thế nào mà có quyền ra phán quyết một vụ kiện tầm cỡ quốc tế như thế? (Trần Thành Trung, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).
- Tòa án Trọng tài Thường trực, viết tắt là PCA (Permanent Court of Arbitration) là một tổ chức quốc tế có trụ sở tại La Haye, Hà Lan (tiếng Pháp: La Haye; tiếng Anh: The Hague; tiếng Hà Lan: Den Haag hoặc ’s-Gravenhage; phiên âm tiếng Việt: La Hay).
PCA được thành lập năm 1899 tại Hội nghị Hòa bình Hague đầu tiên với sự ra đời các Công ước Den Haag 1899 và 1907. Thực ra, PCA không phải là một tòa án theo đúng nghĩa, nó là một cơ sở quản lý, không có quyền quyết định trực tiếp. Nhiệm vụ của PCA là khuyến khích việc giải quyết tranh chấp liên quan đến các quốc gia, tổ chức nhà nước, các tổ chức liên chính phủ, và các bên tư nhân bằng cách hỗ trợ trong việc thành lập các tòa án trọng tài và tạo thuận lợi cho công việc của họ.
Thực ra, PCA không hoàn toàn thường trực mà chỉ có một danh sách các trọng tài viên do các quốc gia đề cử có nhiệm kỳ không quá 6 năm (Việt Nam hiện đề cử 4 trọng tài viên).
PCA tuy không giải quyết những yêu cầu phân xử liên quan đến chủ quyền lãnh thổ (như việc tuyên bố lãnh thổ tranh chấp thuộc về quốc gia nào), nhưng có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp quốc tế đối với nhiều lĩnh vực như về đầu tư quốc tế, phân định biên giới biển hoặc tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Luật Biển (như trong trường hợp của Philippines kiện Trung Quốc).
TS Trần Thăng Long, giảng viên luật quốc tế, Phó Trưởng bộ môn Anh văn pháp lý, ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, trong bài viết “Tòa Trọng tài Thường trực xử tranh chấp ra sao?” đăng trên báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh ngày 5-7-2014, khẳng định: “Phán quyết của Hội đồng trọng tài phân xử vụ việc được thông qua theo đa số, nếu số phiếu ngang nhau thì phiếu của Chủ tịch Hội đồng trọng tài có giá trị quyết định. Theo Điều 11 Phụ lục VII, phán quyết của Tòa Trọng tài có giá trị chung thẩm, có giá trị bắt buộc các bên tranh chấp phải tuân thủ và không thể kháng cáo, trừ khi các bên có thỏa thuận về vấn đề này. Các bên chỉ có thể yêu cầu Tòa Trọng tài xem xét và trong trường hợp có tranh chấp về việc giải thích hay thực hiện phán quyết của trọng tài”.
Do PCA thường được gọi là “tòa” nên đã gây ra nhầm lẫn với các Tòa khác. Như Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ - International Court of Justice) là cơ quan tư pháp của Liên Hiệp Quốc cũng có trụ sở tại La Haye. Hoặc Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS - International Tribunal for the Law of the Sea) là một cơ quan tư pháp thành lập theo Công ước Luật Biển 1982 (gọi tắt là Công ước 1982) có trụ sở đặt tại Hamburg, Cộng hòa Liên bang Đức.
Nói thêm, La Haye là thành phố lớn thứ ba ở Hà Lan sau Amsterdam và Rotterdam, là nơi đặt trụ sở của Chính phủ Hà Lan. Tuy không phải là thủ đô của Hà Lan (Hiến pháp Hà Lan quy định thủ đô là Amsterdam) nhưng La Haye là nơi có trụ sở của Eerste Kamer (Thượng nghị viện) và Tweede Kamer (Hạ nghị viện) của Nghị viện Hà Lan. Ngoài ra, đây cũng là nơi sống và làm việc của Nữ hoàng Beatrix, nơi đặt trụ sở của các đại sứ quán ngoại quốc, của phần lớn các bộ thuộc Chính phủ, của Tối cao Pháp viện Hà Lan (Hoge Raad der Nederlanden) và nhiều tổ chức hoạt động hành lang.
Về mặt quốc tế, La Haye thường được gọi là “thủ đô tư pháp của thế giới” bởi đây là nơi đặt trụ sở của nhiều tòa án quốc tế, hơn 150 tổ chức quốc tế, nhiều tổ chức của EU, các công ty đa quốc gia và các đại sứ quán.
ĐNCT