.

Về địa danh Thăng Long

* Theo tôi biết, khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, thấy có rồng vàng bay lên bèn đặt tên kinh đô mới là Thăng Long. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng chữ “thăng” ở đây không phải là “bay lên” mà mang một nét nghĩa khác? (Hoàng Mỹ, Đại học Đà Nẵng).

- Rất nhiều sách báo, tài liệu cho rằng “thăng” trong Thăng Long có nghĩa là “bay lên”.

Tiến sĩ kinh tế Phạm Gia Minh trong bài “Suy nghĩ về tên gọi Thăng Long của thủ đô nước Việt” đăng trên tuanvietnam.net ngày 8-4-2008, có đoạn như sau:

“Vào mùa xuân năm Canh Tuất (1010) khi vua Lý Công Uẩn viết chiếu dời đô ông đã khẳng định giá trị Phong Thủy (ngày nay gọi là Địa - Vật lý) có một không hai của vùng đất này và là người đầu tiên đặt tên Thăng Long cho kinh đô nước Việt.

Trên bản đồ Việt Nam vùng đất Thăng Long – Hà Nội nằm đúng vị trí mắt Rồng với miệng của nó mở ra nơi cửa sông Thái Bình và mũi Rồng là vùng Quảng Ninh-Hải phòng. Với một góc nhìn như vậy thì cái tên Thăng Long – Rồng bay lên (ĐNCT nhấn mạnh) được đặt cho Thủ đô một nước có hình dáng đặc biệt của một con Rồng đang vươn ra Biển Đông thật là phù hợp với ước nguyện xây dựng tương lai hưng thịnh và đi lên của các bậc Tổ Tiên và hài hòa trong mối quan hệ Thiên – Địa – Nhân”.

Bài viết “Lý Thái Tổ – vị vua đặt mốc son cho lịch sử Thăng Long” đăng trên hoangthanhthanglong.vn (trang tin điện tử của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội) ngày 20-8-2013 cũng có nội dung tương tự:

“Lên ngôi báu, nhận thấy đất Hoa Lư chật hẹp, bốn bề núi giăng, không xứng là đất định đô của một quốc gia độc lập, càng khó để xây dựng đất nước phồn thịnh, Lý Thái Tổ bèn nghĩ tới việc dời đô. “Xem khắp đất Việt”, thấy chỉ có Đại La là “nơi thắng địa”, “ở trung tâm của trời đất”, “được thế rồng chầu hổ phục, đã thuận hướng nam bắc đông tây, lại tiện nghi núi sông sau trước”, “mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa”, Lý Thái Tổ bèn soạn thiên chiếu dời đô nổi tiếng sử sách để tham vấn ý kiến quần thần. Vua tôi nhất trí đồng lòng, bèn quyết dời đô từ Hoa Lư ra Đại La.

Mùa thu năm 1010, đoàn thuyền dời đô của nhà vua cập bến thành Đại La. Ngay lúc ấy, theo truyền thuyết, nhà vua nhìn thấy có hình ảnh rồng vàng bay lên (ĐNCT nhấn mạnh), nhân đó đổi tên thành Đại La thành thành Thăng Long”.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu An Chi, trong bài viết Thăng Long không phải “Rồng Bay”, Hà Nội đâu chỉ “thành phố bên trong sông” đăng trên Tạp chí Đương thời tập 23 (47) số ra tháng 10-2010 đã đưa ra một cách nhìn khác về địa danh Thăng Long.

Theo đó, tự dạng của chữ thăng trong Thăng Long là 昇. Chữ này không hề có nghĩa là “bay”, mà là “di chuyển hoặc làm cho di chuyển từ thấp lên cao”, rồi nghĩa phái sinh là “phát triển”, “tăng tiến”. Thí dụ: nhật thăng là mặt trời mọc; thăng kỳ là kéo cờ (lên); thăng thiên là lên trời; giáo nao (nhu) thăng mộc là dạy khỉ leo (lên) cây…

Không một quyển từ điển tiếng Việt quen thuộc và có uy tín nào lại giảng thăng là bay cả. Việt Nam tự điển của Khai Trí Tiến Đức giảng một cách ngắn gọn thăng là lên. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, tuy chưa hợp lý trong việc sắp xếp mục từ, nhưng đã hoàn toàn chính xác trong khi giảng: “THĂNG. Lên, tiến tới: Thành Thăng Long”. Chính là từ cái nghĩa “lên” này mà từ thăng còn có một cái nghĩa biệt dụng được Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên nêu như sau: “Thôi không còn lên đồng nữa, thần linh xuất ra khỏi người ngồi đồng và trở về trời, theo tín ngưỡng dân gian”.

Thực ra thì “trở về trời” mới là cái nét nghĩa chính ở đây và đây mới chính là cái nghĩa cần được áp dụng cho chữ thăng trong Thăng Long, nếu ta liên hệ đến truyền thuyết: khi thuyền của Lý Thái Tổ vừa cập bến dưới thành Đại La thì thấy một con rồng vàng xuất hiện; rồng uốn lượn như chào mừng nhà vua đến đóng đô trên vùng đất này rồi bay lên khuất trong mây.

Với nghĩa trên, tác giả An Chi khẳng định: “Thăng là một hình vị độc lập, nghĩa là một từ của tiếng Việt nên đương nhiên hoàn toàn có thể dùng để dịch hình vị ràng buộc thăng trong cấu trúc Thăng Long của Hán văn (Việt Nam). Vậy Thăng LongRồng Thăng chứ không phải “Rồng Bay”. Và Rồng Thăng là một cấu trúc cú pháp hoàn toàn tự nhiên của tiếng Việt. Đây là một cấu trúc chủ – vị, giống hệt các cấu trúc ngựa phi, phượng múa, rùa bò…”.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.