.

"Công tử bột"

* Mỗi khi chê một chàng trai nào đó có dáng vẻ trắng trẻo, trông hiền lành, chất phác nhưng pha chút ngờ nghệch, ham chơi, người ta thường dùng thành ngữ “Công tử bột”. Xin cho hỏi, xuất xứ của thành ngữ này thế nào? (Mỹ Hương, Hải Châu, Đà Nẵng)

- Tạp chí “Ngôn ngữ và Đời sống” số 1+2, 2004, trong bài Về xuất xứ của thành ngữ “Công tử bột” (các trang 17-19) có đưa ra cách giải thích như sau:

“Thành ngữ “Công tử bột” thường dùng để chỉ các cậu ấm con nhà giàu có, quần áo bảnh bao, mê ăn chơi nhưng biếng nhác trong công việc; ngờ nghệch trước cuộc sống và thường yếu đuối, “nắng không ưa, mưa không chịu”,... Sắc thái biểu cảm của thành ngữ này có phần âm tính; người dùng nhằm mục đích châm biếm, chê bai và có phần thương hại nhưng chưa đến mức căm ghét, thù hằn”.

Có một số cách giải thích khá thú vị về nguồn gốc của thành ngữ này. Bài viết dẫn cách giải thích nghĩa gốc của thành ngữ “Công tử bột” trong cuốn “Kể chuyện thành ngữ” tập II của Hoàng Văn Hành (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1984, trang 41) như sau:

“Theo nhiều người kể lại, các công tử bột không phải ai xa lạ mà chính là các công chức ngành dây thép (bưu điện) trong thời Pháp thuộc. Thuở ấy, các công chức này thường ăn diện quần áo trắng tinh, bảnh bao, cứ chạy nhong nhong như cờ lông công trên các đường phố ở thành phố lớn. Trong mắt người lao động, bọn họ là loại người ăn trắng mặc trơn. Nhưng cớ sao lại gọi họ là công tử bột? Công tử là con quan thì ai cũng hiểu rõ. Nhưng bột là gì? Ở đây, trong cách hiểu dân gian, dường như có sự trùng âm giữa từ “bột” với nghĩa như trong bột gạo, bột mì, bột sắn, gà bột, phổng bột... Cũng như các thứ đồ chơi cho trẻ, xinh xắn, bụ bẫm... Và từ bột, vốn là cách đọc chệch của âm từ poste trong tiếng Pháp, có nghĩa là bưu điện (dây thép). Hóa ra, công tử bột là chàng công tử làm nghề bưu điện...”.

Tác giả bài viết Về xuất xứ của thành ngữ “Công tử bột” cảm thấy cách giải thích này chưa ổn, thiếu sức thuyết phục. Chạy vất vả ngược xuôi trên đường phố để phát thư là một công việc không thể gọi là an nhàn nếu không muốn nói là nhọc nhằn. Trong khi đó, từ “công tử” vốn dùng để chỉ con cái của quan lại hay nhà giàu. Những cậu ấm này thường chỉ biết ăn chơi, không biết làm; được nuôi theo kiểu “gà công nghiệp” nên thường yếu đuối về thể chất, bạc nhược về tinh thần...

Về thành ngữ này, tác giả cho rằng cách giải thích của nhà văn Nguyễn Công Hoan trong Tuyển tập Nguyễn Công Hoan tập III (NXB Văn học, Hà Nội, 1986, trang 279-280) xem ra có phần hợp lý hơn:
“Đây là tiếng chế giễu một học sinh đi ăn cắp. Tên hắn là Nguyễn Đức Quý. Quý sau này làm mật thám cho Pháp, can vào vụ âm mưu bắt cóc cụ Phan Bội Châu ở Thượng Hải năm 1925. Quý là con một người tùng sự ở Sở bưu điện Hà Nội. Hồi còn đi học, Quý đã mê một người đào hát, tên là Minh ở rạp Quảng Lạc. Quý muốn tặng cho Minh một chiếc nhẫn kim cương, bèn nghĩ cách ăn cắp của cửa hàng Gôđa (...).

Báo Trung Bắc tân văn là báo hàng ngày, đăng việc này. Người phóng viên là Dương Phương Dực. Ông Dực điều tra thấy cha Quý là viên chức khá cao ở Sở bưu điện, nên gọi nhạo Quý là công tử. Và vì nhà bưu điện tiếng Pháp là Poste nên thêm tiếng “bột” để công tử bột có nghĩa ngầm là con trai hư đốn của người làm poste “pốt”. Một dạo, ba tiếng công tử bột đã được đối bằng tiểu thư vôi để nhạo các cô gái chỉ biết phấn sáp, ăn chơi mà không biết làm một việc gì để giúp gia đình. Người ta đặt ra từ  vôi chỉ cốt chọi với bột.

Theo tác giả bài đã dẫn, cái hợp lý trước hết là “Công tử bột” không phải là chỉ những công chức bưu điện mà là con một viên chức của ngành bưu điện. Hơn nữa, câu chuyện về nguồn gốc của thành ngữ “công tử bột” được kể rõ ràng, cụ thể, dạng “người thật, việc thật”, “nói có sách, mách có chứng”. Do đó, thông tin mà nhà văn Nguyên Công Hoan cung cấp về nguồn gốc của thành ngữ trên có sức thuyết phục hơn.

Nói thêm, “Công tử bột” không liên quan gì đến “Công tử Bạc Liêu”. “Công tử Bạc Liêu” là thành ngữ chỉ những kẻ ăn chơi bạt mạng, ăn sung mặc sướng, không phải làm lụng cực nhọc; xuất phát từ chuyện ăn chơi nổi tiếng ở Sài Gòn và miền Nam của một “công tử” con nhà ở Bạc Liêu tên là Trần Trinh Huy (1900-1973), còn gọi là Ba Huy.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.