* “Thẳng thắn, thiệt thà thường thua thiệt/ Lọc lừa, lươn lẹo lại lên lương” là một câu đối được cho là hay, được nhiều người biết đến bởi cách chơi chữ độc đáo. Xin cho hỏi, cách chơi chữ này gọi là gì? (Trần Hoàng Nam, Hải Châu, Đà Nẵng).
Ông đồ nay viết câu đối xưa. Nguồn: Internet |
- Đây là câu đối điệp phụ âm đầu thuộc loại câu đối chơi chữ theo cách trùng điệp, theo phân tích của tác giả Triều Nguyên trong bài viết “Câu đối theo cách trùng điệp” đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 5 năm 2002 (trang 32 - 34).
Theo đó, cách trùng điệp trong chơi chữ nhằm tạo ra một lượng thông tin (lượng ngữ nghĩa) sóng kèm với lượng thông tin cơ sở, tức có hai lượng thông tin khác nhau xuất hiện trên cùng một văn bản (bản chất của chơi chữ nói chung). Nó khác với phép điệp tu từ, chủ yếu là nhấn mạnh sắc thái nghĩa.
Ở câu đối, theo tư liệu mà tác giả Triều Nguyên tập hợp được, cách trùng điệp có hai dạng: điệp âm và điệp từ.
+ Điệp âm gồm ba kiểu: điệp phụ âm đầu, điệp vần, điệp cả phụ âm đầu và vần. Câu đối đang xét thuộc kiểu điệp phụ âm đầu.
Kiểu điệp vần ít gặp hơn. Trong “Chiến tụng Tây Hồ phú”, Phạm Thái có sử dụng kiểu chơi chữ này trong câu: “Kèn Thọ Xương đưa khách Bắc Nam về, thổi vu kí vu quy, hô hi hí/ Văn Quảng Bá viếng người khanh tướng chết, vô cô vô cố, vi ô hô!”. Kèn Thọ Xương chỉ tiếng kèn đám ma: sống gửi thác về, than ôi. Văn Quảng Bá chỉ tiếng khóc người chết oan: không có tội gì, không có cớ gì mà chết. Các lời Hán Việt nhằm kể lể về nỗi chết oan uổng, còn các vần “u”, “i”, “ô”, lại tạo nên những tiếng khóc thật sự.
Kiểu điệp cả phụ âm đầu và vần, chỉ khác thanh điệu, cũng không có nhiều. Tương truyền, vua Đồng Khánh trong lần tuần du Quảng Nam, lên thăm Ngũ Hành Sơn, bấy giờ đang tiết thu heo hắt, thấy một khoảng rừng cây bị tàn phá, hỏi ra mới biết là dấu tích của việc Pháp đánh vào Đà Nẵng mấy năm trước, liền đọc: “Tụ thủ thu thù, câm cập cấp/ Hoa hòa hỏa hóa, thạch thành thanh” (Cây gặp gió thu, khí vàng đến mau/ Hoa bị lửa cháy, đá vỡ kêu thành tiếng).
+ Điệp từ, ngoài nhấn mạnh sắc thái nghĩa (như ghép điệp tu từ, nói chung), khi được vận dụng vào chơi chữ trong câu đối, còn có ý tách bạch, phân định rõ ra nội dung từng vế.
Năm 1925, khi vua Khải Định mất, một nhà cách mạng viết câu đối (cũng có tài liệu cho rằng đây là câu đối do vua Duy Tân từ đảo Réunion gửi về viếng người kế vị mình): “Ông vội bỏ đi đâu, bỏ vợ bỏ con, bỏ vàng bỏ bạc, bỏ con hát, bỏ thầy tu, bỏ cả trần duyên trong một lúc/ Tôi nay còn ở lại, còn trời còn đất, còn nước còn non, còn anh hùng, còn hào kiệt, còn nhiều vận hội với năm châu”.
Ngoài ra, câu đối theo lối điệp từ thường kết hợp với cách ngắt câu, cách đảo trật tự từ nhằm trêu chọc hay bắt bí đối phương.
Trong một chuyến đi sứ sang nhà Nguyên, sứ bộ nước ta do trời mưa nên đến cửa ải Pha Lũy (nay là ải Nam Quan) bị trễ. Quan trấn ải phía Trung Hoa không chịu mở cổng thành, song vì biết danh tiếng Mạc Đĩnh Chi nên thử tài ông bằng câu đối điệp từ: “Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan” (Qua cửa quan trễ, cửa quan đóng, mời khách qua cửa quan).
Vế đối chỉ 11 âm tiết mà có đến 4 “quan” và 3 “quá”, với chức năng ngữ pháp khá đa dạng. Mạc Đĩnh Chi đáp lại ngay: “Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối” (Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin tiên sinh đối trước). Quan giữ ải phục tài, lập tức mở cửa ải đón sứ bộ và tiếp đãi rất long trọng.
ĐNCT