Về thành ngữ "Cậu ấm cô chiêu"

* Xin cho hỏi, cậu ấm, cô chiêu trong thành ngữ “cậu ấm, cô chiêu” nghĩa là gì? (Trần Mỹ Lan, Hải Châu, Đà Nẵng)

- Theo Từ điển Lạc Việt (tra trực tuyến tại

tratu.coviet.vn), cậu ấm (danh từ) là từ gọi con trai nhà quan, thời trước; cô chiêu (danh từ) là từ thời trước dùng để gọi con gái nhà quan. Từ đó hình thành thành ngữ “cậu ấm, cô chiêu”.

Cũng theo từ điển trên, ấm tử: con của nhà quyền quý; ấm tôn: (từ cũ) cháu của người làm quan to; ấm sinh: danh vị cấp riêng cho con trai của quan to, thời phong kiến. Cả ba loại “ấm” này đều được gọi chung là “cậu ấm”.

Tuy nhiên, Tự điển tiếng Huế của Bùi Minh Đức giảng có khác biệt: Ấm sinh là học sinh loại ba trong trường Quốc Tử Giám, sau “tôn sinh” và “cống sinh”.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Chân Quỳnh trong bài Quốc Tử Giám qua các triều đại, tôn sinh là con em trong Hoàng phái, do Tôn nhân phủ tiến cử; cống sinh là Nho sĩ được chọn lọc từ mỗi tỉnh, do Tế tửu và Tư nghiệp sát hạch lại, có thực tài mới cho vào Quốc Tử Giám học; ấm sinh là con các quan đại thần.
Về nguồn gốc từ “cô chiêu”, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công trong bài “Cậu ấm, cô chiêu” đăng trên Báo Người lao động ngày 3-6-2017 cho rằng, chữ “chiêu” trong “cô chiêu” có nguồn gốc từ chữ “chiêu” trong “Chiêu văn quán” (trong đó “chiêu” nghĩa là sáng sủa, rạng rỡ. Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức) giảng như sau: “Chiêu: Tên gọi con ông tiến-sĩ đời Lê, con các ông tiến-sĩ thì được dự vào học-sinh chiêu-văn-quán <> Cậu chiêu, cậu ấm, v.v..”.

Triều Lê (đời Hồng Đức) đặt ra Sùng văn quán, Tú lâm cục. Con các quan từ Tam phẩm trở lên được tuyển vào Sùng văn quán. Con các quan từ ngũ phẩm trở lên tam phẩm được tuyển vào Tú lâm cục (Trạng lường Lương Thế Vinh từng được thăng Thị thư viện Hàn lâm, kiêm Sùng văn quán và Tú lâm cục).

Sau đời Hồng Đức, Sùng văn quán, đổi làm Chiêu văn quán. Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Quý Mùi niên hiệu Hồng Thuận năm thứ 6 (1514) chép: “Phụng trực đại phu Lại bộ Thượng thư Tri Chiêu văn quán, Tú lâm cục Tư chính Thượng khanh Đàm Thận Huy…”.

Vì con các ông tiến sĩ gọi là “chiêu”, nên thi hào Nguyễn Du (con thứ bảy của tiến sĩ Nguyễn Nghiễm) thời đi học còn gọi là “cậu Bảy Chiêu”; Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (con thứ bảy của tiến sĩ Lê Hữu Mưu) cũng được gọi là “cậu Bảy Chiêu”.

Như vậy, “ấm” trong “cậu ấm” chỉ về lệ “tập ấm” do triều đình ban cho con cháu các quan. Như “ấm tử” (con quan); “ấm tôn” (cháu quan)... Còn “chiêu” lại chỉ riêng các nho sinh con ông tiến sĩ, được vào học ở Chiêu văn quán. Và “chiêu”, trong “cậu chiêu”, vốn dùng để chỉ con trai các ông tiến sĩ. Sau này thành ngữ “cậu ấm, cô chiêu” nhằm để chỉ cả con trai, con gái nhà quan nói chung.

Từ thành ngữ gốc “cậu ấm cô chiêu” đã phái sinh thành ngữ “cậu ấm sứt vòi”, đây chẳng qua chỉ là cách chơi chữ, đồng nghĩa “ấm” (trong “tập ấm”), với “ấm” (trong “ấm nước”) để chế giễu, mỉa mai con cái nhà quan, được hưởng ân đức, bổng lộc của cha ông mà dốt nát, hư hỏng, hoặc lớn lên khi gia cảnh đã thất thế (giống như “đích tôn”, giễu thành “đít tôn”, “đít vại”…).

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công kết luận: “Ngày nay, “cậu ấm cô chiêu” còn được dùng với nghĩa con cái các quan chức lãnh đạo, hoặc nhà giàu sang, quyền quý, có địa vị, tiếng tăm trong xã hội”.

Nói thêm, Tuần báo Cậu Ấm (sau đó là Cậu Ấm Cô Chiêu), tờ báo thiếu nhi đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam, được nhà văn Thái Phỉ (Nguyễn Đức Phong) lần đầu cho ra mắt năm 1935. Trong 13 số đầu, Cậu Ấm là báo của bé trai, đến số 14 thì đổi tên thành Cậu Ấm Cô Chiêu và tồn tại đến tháng 11-1937 thì đình bản với 129 số.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.
.