* Tôi được biết kinh đô Simhapura (Kinh thành Sư tử) của người Chămpa nằm ở Trà Kiệu, nhưng không rõ chính xác là ở chỗ nào. Kinh thành này đã trải qua những mốc lịch sử nào đáng nhớ? (Mỹ Hằng, Hòa Vang, Đà Nẵng).
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam, di tích Simhapura (Kinh đô Trà Kiệu) nay là Nhà thờ Núi Trà Kiệu. Nguồn ảnh: Internet |
- Theo các nhà khảo cổ học, Simhapura (Kinh thành Sư Tử) là kinh đô của Chămpa thời kỳ Lâm Ấp, từ khoảng năm 605 đến năm 757, tại vị trí mà ngày nay là làng Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Di tích này nằm trên một dải đồng bằng có hình thù tam giác với nhiều ngọn núi bao bọc như: núi Chúa, chóp Xôi, núi Ðất... Ngày nay, khu vực xung quanh kinh đô Simhapura xưa vẫn còn các bờ thành cổ bao bọc nằm sâu trong lòng đất thuộc hai xã Duy Trung và Duy Sơn.
Giới thiệu về di tích này, Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam (quangnam.gov.vn) trong bài viết Kinh đô Trà Kiệu (cập nhật Chủ nhật, ngày 11-3-2012) cho biết Simhapura là kinh đô của tiểu quốc Avamarati - một trong 5 tiểu quốc của vương quốc Champa. Theo văn bia cho biết, người đặt đô đầu tiên ở đây là vua thứ 9 Vikrantavacman II vào khoảng 686 – 731, thuộc dòng Gangaraja trị vì từ thế kỷ III đến giữa thế kỷ VIII.
Sau chính biến năm 1470 giữa vương quốc Champa và Đại Việt, vua Lê Thánh Tông đã đặt mốc biên giới tại Thạch Bi sơn (núi Đá Bia, dân gian gọi là núi Ông - ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy núi Đèo Cả, hiện ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, phía Nam tỉnh Phú Yên). Cùng với đó là làn sóng di cư của những người Việt vào Nam theo đà Nam tiến. Vào năm 1623, Trà Kiệu đã được một số người tình nguyện di dân ở các vùng chung quanh chọn để tới khai hoang lập ấp.
Theo nhiều nhà nghiên cứu thì tên Trà Kiệu được xuất phát từ cách gọi Chùm Chà chỉ những người Chiêm Thành. Chữ Chà phía sau đọc trại thành Trà còn chữ Kiệu có thể hiểu rằng người ở nơi xa đến, ý chỉ những người Đàng Ngoài vào lập nghiệp tại vùng đất này.
Vào năm 1927-1928, dưới sự chỉ đạo của J.Y.Claeys, Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã tiến hành cuộc khai quật ở Trà Kiệu. Theo miêu tả của Claeys, chu vi của tòa thành vào khoảng 4.000m. Ông còn tìm thấy một dãy những bức tường gạch được gọi là hoàng thành. Ông cũng tìm thấy nhiều đền, tháp, các tác phẩm điêu khắc, văn bia có giá trị lớn ở 2 ngôi làng: Chiêm Sơn Đông và Chiêm Sơn Tây nằm kế cận kinh thành Trà Kiệu xưa.
Sau cuộc khai quật một phần kinh đô cổ Trà Kiệu của Claeys, những tầng văn hóa dưới lòng đất Trà Kiệu lại ngủ yên suốt hơn nửa thế kỷ. Vào những năm 1980, có nhiều hiện vật nhỏ làm bằng vàng được khai quật. Chúng là những trang sức có hình mặt trăng, mặt trời, các vì sao, còn có cả những bức tượng thần rỗng ruột, tượng động vật và những cuốn sách thánh tạo bởi vàng lá dày 1cm khắc chữ Phạn và những miếng vàng hình tròn với những mẫu tự tiếng Ả Rập. Tổng số vàng được tìm thấy lên đến vài ký. Điều này cho thấy sự giàu có, trù phú của thành Simhapura trong thời kỳ phát triển thịnh vượng nhất từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 10.
Tháng 3-2013, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận di tích kinh đô cổ Trà Kiệu là di tích cấp quốc gia.
ĐNCT