* Trong chuyên mục “Cửa sổ tri thức” trước đây tôi có xem qua tục “ngủ duông” của đồng bào Cơ tu. Xin cho hỏi, các dân tộc thiểu số miền núi Việt Nam có tục ngủ nào khác không? (Nguyễn Mỹ An, Hải Châu, Đà Nẵng)
- Tùy theo tập tục của từng tộc người mà các dân tộc thiểu số ở nước ta có những cách ngủ khác nhau trong việc tìm hiểu lứa đôi để đi đến hôn nhân.
Những cô gái, chàng trai miền sơn cước chỉ 14-15 tuổi đã có thể “ngủ thăm”. Nguồn: Internet |
Đồng bào các dân tộc thiểu số Thái, Mông, Dao, Mường… ở Mường Lát (Thanh Hóa) có tục lệ “ngủ thăm” để được cưới vợ. Lệ này cho phép những chàng trai đến tuổi trưởng thành được phép tới “ngủ thăm” nhà một cô gái mà họ ưng ý.
Các cô gái đến tuổi trưởng thành, tối đến đốt một ngọn đèn trong buồng, buông màn sớm, nằm trong đó chờ các chàng trai muốn tìm hiểu mình để lấy làm vợ đến “ngủ thăm”. Nếu đèn trong buồng cô gái còn sáng, nghĩa là chưa có ai đến ngủ thăm, chàng trai phải tự cạy cửa vào. Vào rồi, chàng trai sẽ nằm xuống bên cạnh cô và phải để tự tay cô ấy tắt hay vặn nhỏ ngọn đèn. Dù trong tư thế chung chăn, chung gối nhưng 2 người chỉ được trò chuyện mà không được chạm vào nhau. Sau khoảng 5 - 6 đêm tìm hiểu như thế, cô gái sẽ có quyền quyết định cho chàng trai “ngủ thật” hay không.
Để được “ngủ thật”, 2 người phải thưa với bố mẹ cả 2 bên gia đình để xem có hợp tuổi không. Khi thời gian “ngủ thật” bắt đầu, cũng là lúc chàng trai phải đến ở làm công cho gia đình cô gái. Cứ ngày đi làm cùng gia đình, tối về ngủ với cô gái mình có ý định tìm hiểu. Trong thời gian này, chàng trai không được về nhà mình, muốn về phải được gia đình cô gái cho phép. Nếu cô gái không thích chàng trai nữa thì cô gái sẽ gói quần áo cùng với một gói cơm nắm cho vào địu và bảo với chàng trai rằng: “Anh cứ về thôi!”. Như thế có nghĩa là chàng trai không lọt vào mắt xanh của mình.
Người dân tộc Dao đeo tiền Xuân Sơn ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, có tập tục kỳ lạ là “ngủ ngửi” cho quen hơi nhau để chọn vợ, chọn chồng. Bao đời nay, các thế hệ người Dao đeo tiền ở Xuân Sơn thành vợ, thành chồng và thủy chung, gắn kết với nhau một cách khó lý giải bắt đầu cũng từ tập tục thú vị này. Có người đã hơn chục lần đi “ngủ ngửi” nhưng không hợp hơi lại thôi, cho tới lúc gặp người hợp hơi mới nên vợ nên chồng.
Đồng bào dân tộc Thái và Khơ Mú rất coi trọng chuyện hôn nhân, nhưng nếu xảy đến việc ly hôn, thì việc chia tay cũng hết sức lạ đời: Ngủ lần cuối trước khi ly hôn.
Theo phong tục, một ngày sau khi ra tòa, cặp vợ chồng vừa chia tay phải trở về bản để chuẩn bị làm lễ ly hôn. Theo nghi thức, lễ ly hôn được tổ chức ở nhà người vợ trước. Và cũng như đám cưới, gia đình người vợ phải cho người tới các gia đình trong bản mời đại diện đến tham dự. Một ngày sau, đến lượt nhà trai tổ chức nghi lễ tương tự. Cũng có rạp, loa đài mở inh ỏi, cũng mổ bò, mổ lợn tưng bừng và cúng bái tổ tiên.
Kết thúc buổi lễ, đêm hôm ấy, vợ chồng về nhà chung của hai người (trước khi cưới, nhà trai phải dựng nhà trước) và sống với nhau một đêm cuối cùng. Thông thường những đêm như thế này, họ thức với nhau đến sáng để tâm sự và rồi ngày sau đó, người vợ và những đứa con (nếu vợ bị chồng bỏ) sẽ soạn đồ đạc và về nhà ngoại ở, chính thức chia tay nhau. Bắt đầu từ lúc này, họ chỉ còn là vợ chồng cũ và được phép tìm hiểu, xây dựng gia đình với người mới.
ĐNCT