Đường Quảng Xương

.

* Tôi nghe nói có một con đường đi ngang qua Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang có tên là Quảng Xương. Thế nhưng, được biết trước đây cũng có một đường phố tên Quảng Xương ở gần chợ Hàn, Đà Nẵng. Xin cho hỏi hai con đường này có “bà con” gì nhau không? (Trần Ngọc, Hòa Vang, Đà Nẵng)

Lãnh đạo huyện Hòa Vang và huyện Quảng Xương (phải) tham dự lễ đặt tên đường Quảng Xương tại Hòa Vang ngày 11-1-2019.  (Ảnh do Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang cung cấp)
Lãnh đạo huyện Hòa Vang và huyện Quảng Xương (phải) tham dự lễ đặt tên đường Quảng Xương tại Hòa Vang ngày 11-1-2019. (Ảnh do Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang cung cấp)

- Đúng là trước đây, thời Pháp thuộc có một con đường tên là Rue de la Mission (đường Truyền giáo) nhưng được dân gian quen gọi là đường Quảng Xương theo tên một hiệu buôn lớn của người Hoa ở phố này.

Đầu năm 1956, Rue de la Mission đổi thành đường Phạm Phú Thứ và mang tên đó đến nay.
Đường Quảng Xương ở gần Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang không “bà con” gì với đường Quảng Xương mang tên hiệu buôn nói trên. Bởi Quảng Xương ở đây là huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa) - đơn vị kết nghĩa với huyện Hòa Vang.

Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang, ngày 12-3-1960, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ kết nghĩa tại thị xã Thanh Hóa (nay là thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Đến tháng 5-1960, hai huyện Quảng Xương và Hòa Vang tổ chức lễ kết nghĩa tại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Đây là cuộc gặp gỡ lịch sử, là mốc son thắt chặt tình đoàn kết keo sơn giữa hai huyện, tạo ra động lực, ý chí tinh thần to lớn nhằm thôi thúc, động viên, cổ vũ nhau đồng cam cộng khổ, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Hai địa phương đã “chia lửa” trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước (1960-1975), rồi khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng kinh tế - xã hội (1975-1985) và sát cánh trong thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay).

Từ đó, hai địa phương tiếp tục duy trì các hoạt động kết nghĩa, hỗ trợ nhau phát triển trên mọi lĩnh vực. Nhờ đó, kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đời sống nhân dân ngày càng tăng, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng. Đặc biệt, cả hai địa phương đều đã hoàn thành chương trình Mục tiêu quốc gia về nông thôn mới.

Kể từ “Mốc son lịch sử” tháng 5-1960, hai huyện trở thành “anh em kết nghĩa”. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai huyện, nhất là thế hệ trẻ, phải tiếp tục làm cho mối tình kết nghĩa Quảng Xương - Hòa Vang ngày càng gắn chặt, phát triển, tiếp tục hỗ trợ nhau bằng những việc làm thiết thực nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, phát triển bền vững.    

Tiếp tục phát huy truyền thống kết nghĩa, hai địa phương đã đưa bộ tài liệu Quảng Xương - Hòa Vang thắm tình kết nghĩa vào trường học nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Ông Lê Văn Hùng Vương - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang cho hay, song song với việc giảng dạy Lịch sử Đảng bộ huyện, năm 2019, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo đưa “Lịch sử kết nghĩa Quảng Xương - Hòa Vang” vào giảng dạy trong trường học nhằm cung cấp cho các em những kiến thức cơ bản về sự kiện chính trị quan trọng của hai huyện được xây dựng từ tháng 5-1960 đến nay. 

       
Huyện Quảng Xương đã đặt tên cho Quảng trường trung tâm của huyện là Quảng trường Hòa Vang.
Chiều 11-1-2019, huyện Hòa Vang và huyện Quảng Xương tổ chức khánh thành, đặt tên đường Quảng Xương cho con đường từ nút giao giữa quốc lộ 14B mới và 14B cũ, chạy theo đường 14B cũ đến giáp đường vào Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang với chiều dài 2.750m, rộng 7,5m. Đây là chứng tích lịch sử cho mối quan hệ kết nghĩa bền chặt giữa hai huyện trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.