Ngã và ngả

.

* Có lần tôi viết “các ngả ba Tam Kỳ xưa” thì có anh bạn nói trong trường hợp này phải viết “ngã (dấu ngã) ba” mới đúng chính tả. Tôi tra “Từ điển tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ học do GS. Hoàng Phê chủ biên (NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 1996), đúng là các tác giả dùng “ngã” (dấu ngã) để nói về các ngả ba, ngả tư. Tôi tra một số sách khác (xuất bản gần đây) thì thấy họ cũng dùng “ngã” (dấu ngã) trong các trường hợp tương tự. Tra các từ điển cổ như của Taberb, của Hội Khai trí Tiến đức thì thấy họ dùng “ngả”(dấu hỏi) khi viết ngả ba, ngả tư. Xin cho hỏi: Có thể dùng song hành “ngã” và “ngả” trong trường hợp này được chăng? (Phú Bình, Tam Kỳ, Quảng Nam)

Ngã ba Phạm Văn Đồng - Võ Nguyên Giáp, thành phố Đà Nẵng.  Ảnh: V.T.L
Ngã ba Phạm Văn Đồng - Võ Nguyên Giáp, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

- Đúng vậy, các từ điển hiện đại giờ đều viết ngã ba, thay cho ngả ba, dù trước đây có từ điển đã viết khác đi. Chúng ta đang viết sách/báo thời hiện tại nên phải chuẩn chính tả theo từ điển hiện hành. Trong trường hợp đang xét, nên theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học bởi đây là từ điển được cho là chuẩn và đã phát hành ra toàn thế giới.

Tất nhiên, trừ trường hợp trích dẫn câu cú của sách/báo/văn bản/tài liệu cũ thì vẫn phải ghi là ngả ba nhưng phải ghi rõ ràng là ngả (sic) ba để người đọc hiểu rằng ghi như thế là dẫn nguyên văn theo sách/báo/văn bản/tài liệu cũ đó. (Sic xuất xứ từ tiếng Latinh, có nghĩa là “như vậy”. Tiếng Pháp, tiếng Anh đều có từ này và giảng là “đúng như nguyên văn”. Sic thường dùng trong trích dẫn với dấu ngoặc như “(…)” hay “[…]” để chỉ đoạn trước đó được chép nguyên văn từ nguồn, dù nó có chứa sai sót, như lỗi chính tả. Sic cũng được dùng sau đoạn văn chứa các lỗi có chủ ý).

Một điều xem ra có vẻ mâu thuẫn, như cách giảng của Từ điển tiếng Việt của Hồ Ngọc Đức (tra trực tuyến tại http://www.informatik.uni-leipzig.de), khi giảng nghĩa hai từ ngả và ngã.

Theo đó, trong khi ngả (danh từ) nghĩa là “đường đi theo một hướng nào đó, đường chia theo mấy ngả; chia tay mỗi người mỗi ngả”, nhưng khi nói đến chỗ giao nhau của các ngả đường thì lại dùng ngã. Từ điển này giảng: ngã (dùng trước danh từ chỉ số) là chỗ có nhiều ngả đường, ngả sông tỏa đi các hướng khác nhau (ngã năm, ngã ba sông, đứng trước ngã ba cuộc đời).

Từ điển tiếng Việt trực tuyến tại http://tratu.coviet.vn (Công ty CP Tin học Lạc Việt) cũng giảng tương tự. Ngả (danh từ): đường đi theo một hướng nào đó; ví dụ: bây giờ hai ngả đông tây (ca dao). Ngã (danh từ): chỗ có nhiều con sông, con đường tỏa đi các hướng; ví dụ: khó từ ngã bảy ngã ba khó về (ca dao).

Tuy nhiên, xét cho cùng thì cũng không mâu thuẫn. Ngôn ngữ có cái “luật” riêng của nó, nhiều từ/ngữ quen dùng trong xã hội, cho dù không đúng chính tả hoặc từ nguyên vẫn không thể sửa được, các nhà soạn từ điển buộc chạy theo (ví như đang cai → đăng cai; chúng cư → chung cư). Cho dù Từ điển cổ của Taberb hay của Hội Khai trí Tiến đức đều viết ngả ba/tư thì người thời nay không thể vin vào đó để viết theo mà phải dựa vào từ điển hiện hành.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.