* Tham quan Bảo tàng Hải dương học ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, tôi thấy có một tiêu bản rùa có tên là “Rùa da” trông rất khác với các loại rùa mà tôi biết. Loài rùa da này có gì đặc biệt? (Phạm Ngọc Trung, Cẩm Lệ, Đà Nẵng).
Tiêu bản rùa da trưng bày tại Bảo tàng Hải dương học - Viện Hải dương học, Nha Trang. Ảnh: V.T.L |
- Rùa da hay rùa luýt (danh pháp khoa học: Dermochelys coriacea) là loài rùa biển lớn nhất. Rùa luýt là cách gọi theo tiếng Pháp: Tortue luth. Gọi là rùa da, bởi loài rùa biển này không có mai cứng, thay vào đó lưng của chúng được bao phủ bởi lớp da và thịt trơn. Rùa da trưởng thành có thể dài hơn 2m, nặng đến 700kg. Nó có thể lặn sâu đến 1.200mt, là loài bò sát di chuyển nhanh nhất thế giới và được ghi nhận năm 1992 bởi sách kỷ lục Guinness với tốc độ 35,28 km/giờ trong nước.
Rùa da được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế xếp vào loại cực quý hiếm, đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Theo quy định của Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động, thực vật nguy cấp (Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Flora and Fauna, CITES) thì đánh bắt và giết rùa da là phạm pháp.
Báo Tuổi Trẻ ngày 7-12-2020 đưa tin tìm thấy một tổ rùa da quý hiếm tại Ecuador. Dù không thông báo chi tiết số lượng trứng rùa bên trong tổ nhưng Bộ Môi trường Ecuador cho biết những quả trứng mới tìm thấy sẽ nở trong khoảng 60 ngày tới. Trong 5 năm (2015-2020), các nhà bảo tồn mới chỉ tìm thấy 3 tổ rùa biển lưng da ở vùng duyên hải Ecuador. Một đại diện khu vực của Bộ Môi trường Ecuador cho biết việc có thể ấp thành công số trứng của loài rùa đặc biệt dễ tổn thương này sẽ trở thành sự kiện mang tính lịch sử. Số trứng trong những tổ rùa được tìm thấy hồi năm 2015 và 2017, sau đó đều không nở.
Tại Việt Nam, Báo Thanh Niên đưa tin, rạng sáng 24-6-2013, gia đình ông Nguyễn Ngọc Tân ở khu vực biển Bãi Dài (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) phát hiện một con rùa da dài 2m, thân rộng 1,25m, trọng lượng hơn 400kg mắc cạn và bị thương nhẹ nên báo cơ quan chức năng. Con rùa da này đã đào ổ đẻ trứng ngay trước quán ông Tân. Ông trực tiếp trông coi, bảo vệ ổ trứng và thả rùa về biển.
Nghe tin, thạc sĩ Chu Thế Cường (Viện Tài nguyên - Môi trường Biển), người chuyên nghiên cứu về các loài rùa biển, đã đến nhà ông Tân và “trực” xem trứng rùa da nở. Ông Cường cho biết theo quy luật sinh sản của loài rùa da thì sau 56 ngày từ khi rùa đẻ thì trứng sẽ nở. Tuy nhiên, tất cả đã diễn ra không như mong đợi. Nhà nghiên cứu về các loài rùa biển nhận định: “Rùa ở Việt Nam đang bị suy giảm nghiêm trọng, riêng rùa da suy giảm đến 99%. Nguyên nhân chính là do bị đánh bắt quá nhiều. Có thể do vùng biển còn quá ít cá thể rùa da nên con cái không có cơ hội giao phối với con đực, dẫn đến ổ trứng không có phôi. Ổ trứng rùa này có 84 quả và tất cả đều không có phôi nên không thể nở ra rùa con được!”.
Wikipedia dẫn tài liệu “Leatherback Sea Turtle (Dermochelys coriacea)” (“Rùa lưng da (Dermochelys coriacea”) của Cục Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ cho biết, nghiên cứu gần đây cho thấy có khoảng 26.000 đến 43.000 rùa cái làm tổ mỗi năm, ít hơn rất nhiều so với 115.000 cá thể theo nghiên cứu năm 1980. Những con số đang suy giảm này có ý nghĩa mạnh mẽ trong việc khuyến cáo cần thiết phải có các giải pháp có hiệu quả trong việc ổn định số lượng rùa da và dần đưa chúng thoát khỏi tình trạng cực kỳ nguy cấp.
ĐNCT