Kỳ 2: Chén thuốc giữ tròn nghĩa khí
Cử nhân Lê Tấn Toán nói muốn dạy người, trước phải dạy mình cho nghiêm. Vì thế mà con cháu ông nhiều người là tú tài, lương y, hương sư có tiếng.
Gia phả tộc Lê Tấn làng Hà Lộc còn ghi con gái ông là Lê Thị Vịnh về làm dâu tiến sĩ Phạm Phú Thứ ở Đông Bàn (Gò Nổi). Trong bia mộ người anh của ông, ở hàng con rể thấy có tên Châu Khởi Vị - con của người học trò ông là Châu Thượng Văn ở làng Minh Hương, Hội An. Qua đó, có thể thấy nhân cách, tài năng của ông đã khiến cho nhiều người tâm phục và muốn kết mối thâm giao; nhất là sau cái chết lẫm liệt của ông, người ta hiểu vì sao mà một thầy giáo làng lại nhận được sự tiếc thương vô bờ của nhiều người, nhiều giới đến thế.
Trở lại với Nghĩa hội Quảng Nam. Hơn 2 năm hoạt động, Nghĩa hội từng bước tạo được thế lực vững mạnh với những chiến thắng vang dội. Triều đình Huế và thực dân Pháp lo sợ, ra sức đánh phá Nghĩa hội. Tháng 8-1887, căn cứ cuối cùng của Nghĩa hội ở Phước Sơn bị quân Nguyễn Thân tấn công. Túng thế, Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến dẫn một số binh lính chạy về miền biển. Ngày 6-9-1887 (20-7 Đinh Hợi), thầy Cử Lê bị bắt đưa về tỉnh đường Quảng Nam. Sau bị buộc tội làm quân sư cho “ngụy hội”, phải thọ hình “tam ban triều điển” (*), ông khẳng khái nhận chén thuốc độc để giữ tròn nghĩa khí.
Tin dữ lan ra, học trò góp tiền mua lụa phong kín thi thể thầy, đưa về Hà Lộc. Gia phả tộc Lê Tấn ghi rằng đêm ấy Hường Hiệu cải trang lẻn về lạy thầy. Không lâu sau, ngày 21-9-1887 (5-8 Đinh Hợi), Phan Bá Phiến uống thuốc độc tự vẫn, đến ngày 1-10 (15-8 Đinh Hợi) thì Nguyễn Duy Hiệu bị tử hình ở Huế. Lúc bị bắt, Hường Hiệu yêu cầu Nguyễn Thân cho mình được ra viếng mộ thầy lần cuối. Thân không cho, Hường Hiệu đành quỳ trong cũi quay mặt về làng Hà Lộc lạy vĩnh biệt thầy. Cảnh tượng đau lòng ấy khiến lính áp giải ông cũng phải rơi lệ.
Thầy cử Lê mất ngày 24-7 Đinh Hợi (1887) mà mãi đến năm Ất Mùi (1895) mộ ông mới được dựng bia. Điều này cho thấy thực dân Pháp và triều đình Huế sau đó rất lâu vẫn còn ráo riết đàn áp những người đi theo Nghĩa hội. Tuy nhiên, cho dù nhà cầm quyền có tàn bạo đến đâu vẫn không sao cấm cản được lòng người hướng về chính nghĩa như việc học trò lập bia mộ và truy tặng thụy hiệu cho ông.
Thụy hiệu, theo giải thích của nhà nghiên cứu Thiều Chửu, chữ thụy có nghĩa là tên hèm; xưa, những người có đức hạnh sáng ngời thì khi chết sẽ được những người còn sống đặt cho một tên khác để khi cúng giỗ khấn đến gọi là thụy, dân gian gọi là tên cúng cơm. Trong Phật giáo, thụy hiệu là tên hiệu của người đã mất, vì cảm niệm đức hạnh của họ mà người đời sau truy tặng. Đối tượng được tặng thụy hiệu: trên từ vua chúa, công khanh, dưới đến những người có đức hạnh.
Cử nhân Lê Tấn Toán không phải công khanh, nhưng đức hạnh của ông ngời sáng. Các môn sinh đã lập bia mộ cho thầy, ghi thụy hiệu là Chưởng Văn và một câu đối tán dương công đức dạy dỗ của thầy: Thời vận sơ hanh huy địa mạch/ Khoa đồ tảo trạc phá thiên hoang. Tạm dịch: Thời vận vừa chớm hanh thông (đã làm) sáng rỡ mạch nước trong đất. Đường khoa danh sớm được gội rửa (cho nên) khai phá cả ruộng hoang trên trời. (24 tuổi ông đã đỗ cử nhân và mở trường dạy học liền sau đó).
Một thế kỷ hơn đã gội phong sương tuế nguyệt lên mặt bia của ngôi mộ đơn sơ người thầy làng Hà Lộc. Chén thuốc độc năm xưa theo thời gian rồi sẽ nhớ nhớ quên quên. Thành phố Đà Nẵng nhắc hậu sinh phải nhớ đến con người giữ tròn nghĩa khí này qua việc đặt tên ông cho con đường dài 280m, rộng 7,5m, từ đường Lê Bình đến đường 21m chưa thi công, thuộc phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, theo Nghị quyết số 107/2010/NQ-HĐND ngày 3-12-2010 của HĐND thành phố về việc Đặt đổi tên đường ở Đà Nẵng.
LÊ GIA LỘC
(*) Ba cách chết dành cho những người được triều đình ân ban gồm: chén thuốc độc, thanh gươm và dải lụa.
TIN LIÊN QUAN |
---|