Thành phố Đà Nẵng đang tiến hành chỉnh trang, mở rộng đường Lê Văn Duyệt – con đường ngắn nhất thành phố, nối đường Bạch Đằng với đường Trần Phú. Sự kiện này một lần nữa gợi lên suy nghĩ, luận bàn về cách thức chúng ta tôn vinh nhân vật lịch sử khá đặc biệt này.
Lê Văn Duyệt (1764-1832, sinh ở Tiền Giang nhưng quê gốc ở Quảng Ngãi) là danh tướng, trọng thần triều Nguyễn dưới thời Gia Long và Minh Mạng. Ông từng hai lần giữ chức tổng trấn Gia Định Thành (gồm 5 trấn, sau chia lại thành 6 tỉnh). Ông được xem là người có công lớn lập nên triều Nguyễn, trấn giữ vững chắc vùng đất phương Nam buổi sơ kỳ, góp công xây dựng kênh Vĩnh Tế, lại có ân nghĩa giúp triều đình Nam Vang (Campuchia) dẹp loạn. Uy danh của Lê Văn Duyệt bao phủ khắp trong, ngoài triều đình. Dưới thời Gia Long, Lê Văn Duyệt được đặc cách “nhập triều bất bái” (vào triều không phải lạy).
Công trạng, uy danh là vậy nhưng cuộc đời Lê Văn Duyệt lại lắm nỗi đắng cay, bởi ông bị vua Minh Mạng đố kỵ, ghen ghét, coi ông như kẻ lộng quyền. Trong đời tư, Lê Văn Duyệt là thái giám, không có con nối dõi tông đường, chỉ có người con nuôi là Lê Văn Khôi. Sau khi Lê Văn Duyệt mất, Minh Mạng bãi chức Tổng trấn Gia Định Thành, bắt đầu đàn áp những tướng sĩ thân cận của Lê Văn Duyệt. Vì lẽ đó, Lê Văn Khôi khởi binh chống lại Minh Mạng.
Dẹp xong Lê Văn Khôi, truy tội Lê Văn Duyệt, Minh Mạng ra chỉ dụ: “Tội Lê Văn Duyệt nhổ từng cái tóc mà kể cũng không hết, nói ra đau lòng, dù có bửa quan quách mà giết thây cũng là đáng tội. Song nghĩ hắn chết đã lâu và đã truy đoạt quan tước, xương khô trong mả, chẳng cần gia hình chi cho uổng công. Vậy cho tổng đốc Gia Định đến chỗ mả hắn cuốc bỏ núm mộ san bằng mặt đất và khắc đá dựng bia ở trên viết to mấy chữ: “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ”. Thực hiện chỉ dụ của Minh Mạng, tổng đốc Gia Định san bằng mộ Lê Văn Duyệt, bia mộ của cha mẹ ông ở Tiền Giang cũng bị đục bỏ các tước hiệu.
Năm Tân Sửu (1841) vua Thiệu Trị lên ngôi bắt đầu xem xét lại vụ án Lê Văn Duyệt, ban lệnh tha tội cho nhiều người bị trù dập, sát hại dưới thời Minh Mạng. Nhưng phải đến thời Tự Đức, nhà vua mới chính thức ban lệnh truy phục chức hàm cho Lê Văn Duyệt là Chưởng tả quân Đại tướng quân, cho thờ trong miếu Trung hưng công thần ở kinh thành Huế. Ngày nay, danh nhân Lê Văn Duyệt được hậu thế tôn vinh, lập đền thờ, đặt tên đường…
Việc TP. Đà Nẵng đặt tên đường Lê Văn Duyệt cũng không nằm ngoài mục đích tôn vinh nói trên. Dẫu vậy, gắn danh nhân Lê Văn Duyệt với con đường quá ngắn nối đường Bạch Đằng với đường Trần Phú, không có số nhà, cũng là điều đáng phải luận bàn, vì mấy lẽ sau đây.
Thứ nhất, xét về tầm vóc, chắc chắn Lê Văn Duyệt chiếm vị trí quan trọng trong lịch sử nước ta đầu thời nhà Nguyễn, khi nước ta thống nhất một dải từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau dưới quốc hiệu Việt Nam. Sự hiềm khích, trù dập của Minh Mạng đối với Lê Văn Duyệt không làm lu mờ công trạng của ông đối với đất nước, triều đình thời đó, và trên thực tế đã được chính các vua triều Nguyễn sau này minh oan, phục hồi danh dự.
Thứ hai, do quá trình quy hoạch, giải tỏa diễn ra mạnh mẽ hơn một thập kỷ rưỡi vừa qua, TP. Đà Nẵng đã và đang tiếp tục xây dựng nên rất nhiều con đường đẹp, khang trang, và rất nhiều con đường như vậy đến nay vẫn chưa được đặt tên. Đó chính là điều kiện để thành phố thực hiện di dời danh xưng Lê Văn Duyệt đến một con đường dài, rộng, khang trang hơn, tương xứng hơn với tầm vóc, vai trò lịch sử của ông.
Thứ ba, Lê Văn Duyệt có sự liên hệ rất mờ nhạt về ý nghĩa lịch sử, sự liên hệ với những danh nhân, địa danh dùng để đặt tên cho các con đường trong khu vực (Trần Phú, Bạch Đằng, Lý Tự Trọng, Nguyễn Du…). Bởi vậy, có vẻ như, ngay từ ban đầu, việc sắp đặt tên đường ở khu vực này chưa thực sự quan tâm nhiều đến yếu tố liên kết về mặt lịch sử của các tên đường; nay, dành sự quan tâm cho việc ấy cũng không có gì quá ư viễn vông, nếu không phải là cần thiết.
Thứ tư, đây có lẽ là điều quan trọng nhất, chính là phương án thay thế tên đường Lê Văn Duyệt. Đường Lê Văn Duyệt chạy thẳng từ sông Hàn vào thành Điện Hải, di tích lịch sử quan trọng thời cận đại và hiếm hoi còn tồn tại của TP. Đà Nẵng. Do đó, nếu đổi tên đường Lê Văn Duyệt thành đường Điện Hải thì thật là khéo, trọn vẹn, vừa giải quyết được nhược điểm (đường ngắn, không có số nhà) lại vừa góp phần thiết thực quảng bá, chỉ dẫn cho nhân dân, du khách biết và tìm đến di tích thành Điện Hải nhiều hơn, dễ hơn.
Tất nhiên, thật khó mà phân biệt lẽ hơn – thua khi so sánh các nhân vật lịch sử (đã được đặt tên đường ở TP. Đà Nẵng) ở các thời kỳ khác nhau, nên việc sắp xếp, bố trí danh nhân này gắn với con đường này, danh nhân kia gắn với con đường khác chưa bao giờ là công việc dễ dàng; làm sao vừa tôn vinh danh nhân, vừa gắn kết họ trong thời kỳ lịch sử, vừa gắn với đất, với người… đòi hỏi những nghiên cứu cực kỳ nghiêm túc, sâu sắc.
Mấy lời trao đổi trên đây suy cho cùng cũng chỉ là ý kiến của một công dân TP. Đà Nẵng, nhân thấy có cơ hội đổi thay mà lên tiếng. Mong rằng, những nhà chuyên môn, nhà quản lý, những người có trách nhiệm, quan tâm đến chủ đề này…, sẽ trao đổi, phản biện, biết đâu có thể đem lại điều gì hữu ích cho TP. Đà Nẵng.
NGUYỄN LÊ