Đào Nguyên Phổ (1861 - 1908), tên thật là Đào Thế Cung, còn gọi là Đào Văn Mại, là Cần Giang, Hoàng Hải hiệu là Tảo Bi; quê làng Thượng Phán, tổng Đồng Trực, huyện Quỳnh Côi (nay là thôn Thượng Phán, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình).
Đào Nguyên Phổ đỗ Cử nhân năm 1884, nhưng chưa dự thi Hội ngay, mà lại ra làm quan nhà Nguyễn. Ban đầu, ông được bổ chức Huấn đạo huyện Tam Nông tỉnh Hưng Hóa, rồi làm tri huyện tại Võ Giàng tỉnh Bắc Ninh. Sau vì để mất trộm tiền thuế của huyện, bị bãi chức tri huyện, ông phải trở về đi dạy học trên địa bàn tỉnh Nam Định cũ (Nam Định và Thái Bình). Trong thời gian này, ông giao du với các chí sĩ yêu nước đương thời.
Năm 1895, nghe theo lời khuyên của Nguyễn Thượng Hiền, ông vào Huế, học Trường Quốc tử giám. Đến Năm 1898, sau 3 năm học tại kinh đô, ông dự thi Hội và đỗ Đình nguyên Hoàng giáp. Ngay sau đó, ông được bổ chức Hàn lâm thừa chỉ. Nơi đế đô này, ông có cơ hội tiếp thu nhiều tư tưởng mới qua “Tân thư” và học thêm tiếng Pháp tại “Pháp tự quốc gia học đường” để mở rộng kiến văn. Ông được cho là nhà nho tiếp thu tư tưởng tư sản dân quyền đầu tiên ở nước ta khi ông làm quan tại Huế. Nhà ông là nơi có nhiều sách tân học nhất ở Việt Nam lúc bấy giờ.
Năm 1902, ông từ quan, ra Hà Nội làm nghề nhà báo, sau làm chủ bút tờ Đại Việt Tân Báo (1905), rồi Đăng Cổ Tùng Báo (1907) - tờ báo dùng quốc ngữ (đăng cùng phần chữ Hán) sớm nhất ở Bắc Kỳ, về sau được dùng làm cơ quan ngôn luận của Đông Kinh Nghĩa Thục.
Lúc này, ông tích cực hoạt động, truyền bá tư tưởng Duy tân, tham gia sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội cùng với Lương Văn Can, Nguyễn Quyền,... Ông góp phần quan trọng trong việc xây dựng, quảng bá nền Tân học; phổ biến khoa học kỹ thuật, văn minh phương tây; biên soạn sách giáo khoa, dùng báo chương để “hóa dân cường quốc”.
Khi phong trào Duy tân lên cao thể hiện ở việc Đông Kinh Nghĩa Thục hoạt động mạnh, ông vẫn không trực tiếp tham gia được vì nghiện thuốc phiện. Có lần ông than phiền với các thân hữu: “Ai cũng biết Duy tân, sao tôi còn thủ cựu, chẳng khiếp nhược lắm ư?”. Nói rồi, ông đập bàn đèn, quyết tâm cai. Thuốc phiện hành dữ dội làm ông đau ốm cả tháng. Nhiều người ái ngại, khuyên ông hút lại, ông giận, bảo: “Tử sinh hữu mạng! Con đĩ phù dung dám làm ma bắt tôi sao ?”.
Những hoạt động yêu nước, chống chính quyền thuộc địa của ông và các đồng chí không qua mắt được bọn mật thám ngày đêm rình mò, truy lùng, khống chế, bao vây, hãm hại các nhà chí sĩ yêu nước.
Sau khi Đông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa, tiếp đến vụ mưu sát và binh biến trong hàng ngũ bồi bếp và binh lính người Việt Nam phục vụ cho quân Pháp đóng ở thành Hà Nội (diễn ra ngày 27-6-1908, gọi là vụ Hà Thành đầu độc) bị thất bại, ông bị người Pháp truy lùng ráo riết. Ông phải tự sát vào năm 1908 để giữ vẹn danh tiết, không rơi vào tay giặc, đồng thời tránh hệ lụy cho gia đình, bạn bè và đồng chí.
Năm 2008, nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của ông, được sự động viên khuyến khích của bạn bè đồng nghiệp và của gia tộc họ Đào, tập thể những nhà nghiên cứu, học giả đã tổ chức biên soạn tập sách “Đình nguyên Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ”, được Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây trực tiếp giới thiệu.
Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 243m, rộng 5,5m, từ đường Ngô Đức Kế đến đường Phú Lộc 9, thuộc khu dân cư Thanh Lộc Đán, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, theo Nghị quyết số 80/2009/NQ/HĐND ngày 8-7-2009 về Đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.
LÊ GIA LỘC