“Tôi có thể nói, anh Trần Thanh Mại là một người sinh ra để viết văn, hay nói một cách văn vẻ hơn, lúc ra đời anh đã mang theo vết mực trên đầu ngón tay”, nhận xét của nhà thơ Nam Trân, bạn học từ nhỏ và đồng nghiệp của Trần Thanh Mại trong những năm cuối đời.
Trần Thanh Mại (1908-1965) người làng Tiên Nộn, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Một số tài liệu ghi ông sinh năm 1911, thật ra, đây là năm sinh ghi ở giấy khai sinh của ông do khai nhỏ tuổi lại. Theo tài liệu Trần Công tộc phả, năm sinh chính xác của ông là 1908.
Sau khi học Trường tiểu học An Cựu, ông học tiếp Trường Quốc học Huế và đậu bằng Thành chung năm 1928. Hai năm sau, lúc 22 tuổi, ông cưới bà Phan Thị Yến - một nghệ sĩ hát Tuồng tại cung điện Huế. Ông bỏ dở việc học để đi làm một công chức và dành hết cuộc đời cho nghiệp văn.
Ham thích văn hóa - văn nghệ, ông tham gia các hoạt động sân khấu. Năm 1936, ông đóng vai Hernani trong vở kịch Hernani nổi tiếng của văn hào Victor Hugo tại trụ sở Viện Dân biểu Trung kỳ (do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm viện trưởng) nhằm quyên góp cứu giúp đồng bào Nghệ Tĩnh bị đói. Năm 1939, ông thuyết minh tiếng Pháp cho bộ phim Huế đế đô (Hue, la villa impérile) của Henry Richard. Năm 1945, ông đóng vai Kinh Kha trong vở kịch Kinh Kha của cụ Vi Huyền Đắc để quyên tiền giúp đồng bào bị đói. Những năm 1948 - 1950, khi là Hiệu trưởng Trường Trung học Tư thục Hoài Văn ở huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, ông viết vở kịch Anh hùng Lam Sơn và nhận đóng vai Lê Lai trong những lần công diễn ở tỉnh này.
Sau khi hòa bình lập lại, năm 1955, ông về làm việc ở Phòng Tuyên truyền và Báo chí của Bộ Giáo dục, sau đó phụ trách Tạp chí Giáo dục Nhân dân. Năm 1960, ông về công tác tại Viện Văn học Việt Nam (Hà Nội), là tổ trưởng tổ Văn học cổ đại, cận đại và dân gian, đồng thời phụ trách Tập san Nghiên cứu Văn học (sau là Tạp chí Văn học).
Bà Trần Thị Linh Chi, con gái ông kể rằng: Ông xuất thân gia đình quan lại, học giỏi nhưng ông đã làm hai việc trái với truyền thống của gia đình. Thứ nhất, bỏ học, không theo con đường công danh mà theo nghề viết văn; thứ hai, từ chối cưới con gái của một vị thượng thư do gia đình chọn lựa, mà lập gia đình với một nghệ sĩ cung đình, là con nhà dân dã và rất nghèo.
Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông phải chịu đựng sự đối xử lạnh nhạt như ông đã giãi bày trong tiểu luận “Thanh niên học tập sáng tác”. Sau năm 1975, các ngành chức năng đã đánh giá khác hơn, rằng: “Ông là người đã cống hiến suốt cuộc đời mình cho sự nghiệp nghiên cứu và phê bình văn học Việt”. Nhờ vậy, bộ Trần Thanh Mại toàn tập gồm 3 cuốn, dày 2.490 trang, do Nhà nước đặt hàng, mới được ra đời.
Từ điển văn học (bộ mới), NXB Thế Giới, 2004, tr.1805, đánh giá lại tài năng và những đóng góp của ông cho văn học Việt như sau:
“Tuy có viết một số truyện ngắn, ký sự và tiểu thuyết lịch sử, nhưng khuynh hướng của Trần Thanh Mại vẫn là thiên về nghiên cứu và phê bình. Song, trong các tác phẩm trước năm 1945, ông không chỉ nghiên cứu phê bình, mà còn kết hợp với miêu tả và dựng lại chân dung của nhà văn, vì vậy rất khó xác định rạch ròi chúng là công trình nghiên cứu hay là sách danh nhân”.
Sau khi điểm qua những đánh giá của ông về Hàn Mặc Tử, Tú Xương, cách ông bàn lại vấn đề dâm tục trong tác phẩm của Hồ Xuân Hương, việc ông lần đầu tiên giới thiệu thơ văn Miên Thẩm (trong lúc giới nghiên cứu miền Bắc vẫn còn rất nhiều định kiến khắt khe đối với nhà Nguyễn), những công trình nghiên cứu về truyện cổ tích, về giai thoại văn học Việt Nam, về các nhà thơ nổi tiếng... từ điển nói trên đã kết luận: “Tất cả, chứng tỏ sự trung thực, chân thành của một ngòi bút có trách nhiệm”.
Thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 360m, rộng 5,5m, từ đường Đông Kinh Nghĩa Thục đến đường Loseby, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, theo Nghị quyết số 107/2010/NQ-HĐND ngày 3-12-2012 của HĐND thành phố về Đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.
LÊ GIA LỘC