Bùi Huy Bích (1744-1818) tự là Hy Chương, hiệu Tồn Am; người làng Ðịnh Công, huyện Thanh Trì, sau di cư sang làng Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, nay là Hà Nội. Ông xuất thân trong một gia đình dòng dõi, ông nội và cha đều là nhân vật có tiếng trong lịch sử và văn học nước nhà.
Ông thuở nhỏ thể chất kém, thường đau ốm luôn, bề ngoài có vẻ chậm chạp, khờ khạo nhưng bên trong lại có khiếu thông minh, không những nhanh chóng học thuộc kinh sách mà còn ứng xử rất tinh tế trong cuộc sống.
Tương truyền, khi Bùi Huy Bích còn nhỏ, trong làng có đám ma. Cậu bé Bích đứng gần người đề chủ, khi người này chuẩn bị viết thì thấy nghiên mực khô rốc. Thấy cậu Bích đứng gần, ông đề chủ hất hàm ra hiệu. Bích hiểu ý, thấy có chén đầy nước cạnh nghiên, cậu cầm lấy chén nước rồi nhặt một thoi vàng Hồ (thứ vàng giấy do làng Hồ làm ra), chọc thủng một mặt rồi dùng thoi vàng lấy từng chút nước đổ vào nghiên.
Lễ xong, ông đề chủ rất khen ngợi cậu bé Bích và mời ngồi cùng vào chiếu rượu dành riêng cho ông. Ông giảng giải: “Chén nước đầy mà nghiên mực thì nông. Kẻ xốc nổi sẽ cầm cả chén mà rót, như thế nước sẽ tung toé ra, mất trang nghiêm. Kẻ chậm chạp thì chạy đi lấy thìa và như thế thì nghi lễ bị dở dang. Thoi vàng không phải là thứ múc nước, vậy mà cậu bé biết biến báo thành ra được việc”.
Mẹ mất khi ông lên tám, ông theo cha xuống Hải Dương, ở tại làng An Lâu huyện Thanh Miện, là nơi cha ông dạy học. 17 tuổi, ông được cha gửi về làng quê để theo học với ông nghè Nguyễn Bá Trữ làng Linh Đường cùng huyện Thanh Trì. Hai năm sau, ông được thầy cho đi thi và đỗ Hương cống khoa Giáp Ngọ đời Cảnh Hưng thứ 23 (1762). Năm sau, thi Hội không đạt, ông được thầy khuyên đến học thêm ở trường ông Bảng nhãn Lê Quý Đôn mở tại kinh thành.
Bấy giờ chúa Trịnh bắt nạt vua Lê quá, làm tổn thương đến tư tưởng chính thống tôn quân của nho sĩ. Bùi Huy Bích, vì thế, không thiết tha với khoa cử. Nhưng rồi để chiều lòng cha, năm 25 tuổi ông đi thi Hội và đỗ Đình nguyên Hoàng giáp. Đó là mùa thu năm Kỷ Sửu 1769.
Sau khi đỗ, ông được bổ dụng làm Hàn lâm viện Hiệu lý, rồi thăng Thị chế (năm 1771), rồi được thụ chức Thiêm sai Tri hộ phiên, kiêm chức Đông các Hiệu thư.
Năm 1777, ông được cử làm Ðốc đồng Nghệ An; năm sau lên làm Hiệp trấn. Đến năm 1781, ông được chúa Trịnh Sâm triệu về triều giữ chức Nhập thị Bồi tụng (chức đứng thứ hai trong phủ chúa sau Bồi tụng), nhưng ông lấy cớ ốm yếu xin từ chức, dù khi đó mới 38 tuổi và có quan hệ họ hàng với Trịnh Sâm.
Khi Trịnh Sâm bỏ con trưởng Trịnh Tông để lập con nhỏ Trịnh Cán (con của Tuyên phi Đặng Thị Huệ được sủng ái), ông đứng ra can gián nhưng không thành. Trịnh Sâm mất, Trịnh Tông lật đổ Trịnh Cán lên ngôi, cách chức Tham tụng của Phan Lê Phiên (vì Phiên cùng phe với mẹ con Trịnh Cán) và mời Bùi Huy Bích ra làm Hành Tham tụng với hy vọng ông có thể cứu vãn tình thế do loạn kiêu binh gây ra.
Nhưng rồi, do xảy ra nhiều chuyện, lại do ngờ vực, ông từ quan về dưỡng bệnh tại phường Bích Câu, Hà Nội. Từ đó, ông khước từ 3 lời mời ra tham chính. Năm 1786, quân Tây Sơn lấy danh nghĩa “Phù Lê diệt Trịnh” kéo ra Bắc. Tây Sơn diệt Trịnh và rút quân về Nam không lâu thì Lê Hiển Tông mất, cháu là Lê Chiêu Thống lên thay, mời ông ra giúp nhưng ông xin từ về quê nhà. Vua Quang Trung sau khi đánh tan quân Thanh (năm 1789) có mời các danh thần nhà Hậu Lê ra giúp nước nhưng ông không hợp tác. Ông cũng giữ thái độ đó với Gia Long, khi vị vua đầu nhà Nguyễn này lên ngôi.
Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 520m, rộng 5,5m, từ đường Hoa Lư đến đường Phạm Huy Thông, khu dân cư Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, theo Nghị quyết số 61/2007/NQ-HĐND, ngày 7-12-2007 về Đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.
LÊ GIA LỘC