.

Cống Quỳnh là Trạng Quỳnh?

.

Cống Quỳnh tên thật là Nguyễn Quỳnh, từng thi đỗ Hương Cống nên còn gọi là Cống Quỳnh. Do ông giỏi hài hước nên dân gian thường đồng hóa ông với Trạng Quỳnh - một nhân vật dân gian nổi tiếng với những mẩu chuyện trào lộng.

Đường Cống Quỳnh nằm trên địa bàn phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ.
Đường Cống Quỳnh nằm trên địa bàn phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ.

Nguyễn Quỳnh (1677-1748) là một danh sĩ thời Lê - Trịnh. Ông còn có tên Thưởng, hiệu Ôn Như, thụy Điệp Hiên, quê tại làng Bột Thượng, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Thuở nhỏ, ông học với ông nội và cha (vốn là giám sinh ở Quốc Tử giám). Năm 19 tuổi thi Hương ông đỗ đầu bảng Hương Cống, nhưng đi thi Hội nhiều lần bị hỏng.

Triều đình bổ nhiệm ông làm giáo thụ các huyện Thạch Thất, Phúc Lộc (Sơn Tây), rồi huấn đạo (chức quan coi việc học ở cấp phủ thời Lê) phủ Phụng Thiên ở kinh thành Thăng Long, vào đời vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Bảo Thái. Khoa thi năm Mậu Tuất 1718, thời chúa Trịnh Cương, ông đỗ hạng ưu kỳ thi Sỹ vọng, được thăng làm tri phủ Thái Bình, rồi về làm Viên ngoại lang (một chức thư ký, chẳng có quyền hành gì) ở Bộ Lễ; sau bị giáng xuống chức Tu soạn ở Viện Hàn lâm, hàm chánh bát phẩm (tụt xuống 3 bậc).

Tuy không đỗ cao, nhưng Nguyễn Quỳnh vẫn nổi tiếng là người học hành xuất sắc. Sách “Đăng khoa lục sưu giảng” của Tiến sĩ Trần Tiến (quan Thượng thư triều Lê, người làng Điền Trì, huyện Chí Linh, nay là huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) có ghi: “Tuấn Cung, Tuấn Dị, thiên hạ hữu nhị. Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nham, thiên hạ vô tam”. (Tuấn Cung, Tuấn Dị, thiên hạ chỉ có hai người. Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nham, thiên hạ không có đến người thứ ba).

“Nam thiên lịch đại tư lược sử” là quyển sách tóm tắt lịch sử Việt Nam từ Kinh Dương Vương đến hết Hậu Lê, trong đó có trích một số thơ Nôm của Nguyễn Quỳnh và Nguyễn Thị Điểm đời Lê Dụ Tông (1705 - 1719), khi nói đến Nguyễn Quỳnh, có một câu đáng chú ý: “Quỳnh, Hoằng Hóa Bột thái nhân, từ chương minh thế, đàm thuyết kinh nhân, trường ư quốc âm, thiện ư hí hước”. Nghĩa là: Quỳnh người Bột Thái, Hoằng Hóa, từ chương nổi tiếng ở đời, nói năng bàn luận kinh người, sở trường về văn thơ Nôm và giỏi hài hước.

Có lẽ xuất phát từ sự “giỏi hài hước” của Cống Quỳnh mà dân gian đã đồng nhất ông với một nhân vật rất nổi tiếng trong dân gian với những chuyện trào lộng cùng tên Quỳnh là Trạng Quỳnh. Tuy nhiên, một số tác giả đã chỉ ra sự bất khả tín khi so sánh, đối chiếu con người và văn thơ của hai nhân vật này.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, trong một bài viết của mình, đã dẫn lời nhà nghiên cứu lão thành Hoàng Tuấn Phổ - đồng hương của cả Cống Quỳnh lẫn Trạng Quỳnh - trong bài “Trạng Quỳnh, ông là ai?” đăng trong Tạp chí Văn nghệ Thanh Hóa từ tháng 8-1997 để chứng minh hai nhân vật này không phải là một.

Theo đó, Truyện Trạng Quỳnh có đến mấy truyện thú vị xoay quanh thiên tình sử ở thời trai trẻ giữa Trạng Quỳnh và bà Đoàn Thị Điểm. Nhưng theo Gia phả thì Cống Quỳnh sinh năm 1677 và mất năm 1748. Đoàn Thị Điểm sinh 1705 và mất 1748. Như vậy, khi Cống Quỳnh 28 tuổi, làm giáo thụ ở huyện Thạch Thất, bà Điểm mới sinh, vậy thì làm sao có những cuộc đối đáp thơ phú giữa ông Cống với con gái cụ Bảng Đoàn như trong Truyện Trạng Quỳnh được?

Cống Quỳnh làm quan cao nhất cũng chỉ mới đến Tri phủ, một chức rất thấp, nên ông không có “vé” nào để được cử đi sứ, hoặc tiếp sứ Tàu như Truyện Trạng Quỳnh. Vì là truyện cười dân gian nên Trạng Quỳnh thỏa sức đả kích Vua Lê, Chúa Trịnh bằng đủ các chiêu trò. Thế nhưng, Cống Quỳnh đang là một quan chức rất thấp thì dù có gan trời cũng không dám “giỡn mặt” với vua chúa như thế được.

Trần Đăng Khoa giới thiệu thêm một số bài viết khác mà ông cho là khoa học, nghiêm túc và đứng đắn, rồi kết luận: “Điều đó chứng tỏ Trạng Quỳnh không phải là Cống Quỳnh như rất nhiều học giả đã lầm tưởng. Cống Quỳnh là nhân vật lịch sử có thật. Còn Trạng Quỳnh là nhân vật dân gian hư cấu. Nói rạch ròi điều này, hoàn toàn không phương hại đến danh thơm cụ Cống, cũng chẳng có gì tổn hại đến di sản của cha ông, mà ngược lại, chúng ta càng tự hào vì có đến hai cụ Quỳnh. Một cụ Cống Quỳnh có thật, và một cụ Trạng Quỳnh truyền thuyết được xây đắp bằng trí tuệ của dân gian...”.

Cống Quỳnh để lại một số bài ký, văn tế mẹ, văn khóc em và hai bài phú chép trong tập “Lịch triều danh phú” - tuyển tập của các danh sĩ đương thời, tất cả đều đỗ đại khoa, chỉ có hai người đỗ Hương cống là Nguyễn Quỳnh và Đặng Trần Côn.

Đà Nẵng đặt tên Cống Quỳnh cho con đường dài 650m, rộng 5,5m, từ đường Nguyễn Nhàn đến đường ven sông Tiên Sơn – Túy Loan, theo Nghị quyết số 24/2012/NQ-HĐND ngày 4-7-2012 của HĐND thành phố về Đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC
 

;
.
.
.
.
.