Nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân đã viết trong Từ điển Văn học (Bộ mới, NXB Thế giới, 2004, tr.747): “Kiều Oánh Mậu đáng được xem là nhà khảo chứng văn học có uy tín đầu tiên trong văn học cận đại Việt Nam”.
Đường Kiều Oánh Mậu nằm trên địa bàn phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. |
Kiều Oánh Mậu (1854-1911) người làng Đông Sàng, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây (nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Lúc nhỏ ông tên là Kiều Dực (hoặc Kiều Hữu Dực), sau lại đổi là Kiều Cung, tự Tử Yến, hiệu Giá Sơn. Về sau, ông đổi tên thành Kiều Oánh Mậu vì kỵ húy Dực Tông, miếu hiệu của vua Tự Đức. Cha ông đỗ Cử nhân, nhiều năm làm Tri huyện các huyện Chân Định, Quỳnh Côi, Phù Dực tỉnh Thái Bình.
“Bước đầu tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của Kiều Oánh Mậu” đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 1-1992 có lẽ là bài viết chi tiết nhất về cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Theo đó, ông đỗ Cử nhân khoa Kỷ Mão (1879), năm sau đỗ Phó bảng. Sau đó, ông được bổ làm tập sự ở Bộ Công trong triều đình Huế. Năm 1882, ông được cử làm Tri phủ Xuân Trường (Nam Định). Tháng 12-1883, nhân sự kiện thực dân Pháp đánh phá thành Sơn Tây quê nhà, ông sáng tác bài Ai Sơn thành (Cảm thương thành Sơn Tây) bằng chữ Hán và ngay sau đó được phổ biến rộng rãi. Bài thơ đã tố cáo tội ác của thực dân Pháp; lên án sự nhu nhược của triều đình phong kiến đương thời trước sự xâm lược của giặc; phơi bày nỗi khổ, kích thích lòng yêu nước và ý chí đánh đuổi ngoại xâm của nhân dân ta. Vì bài thơ này, ông lập tức bị cách chức và bị buộc phải trở về Sơn Tây. Không chỉ khóc cho tòa thành thất thủ, Kiều Oánh Mậu còn dùng những lời thơ thống thiết, kêu gọi, thúc giục, kích động lòng yêu nước và ý chí hành động trong dân chúng: “Non nước hỡi bao giờ hưng khởi?/ Muôn dân ta bao khỏi cát lầm?/ Tháng ngày nuốt lệ ngậm tăm/ Cùng nhau thở ngấm, than ngầm mãi ru?” (Theo TS Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện). Vì bài thơ này, ông lập tức bị cách chức và bị buộc phải trở về Sơn Tây.
Năm 1886, ông được phục chức, làm Tri phủ Lý Nhân (Hà Nam). 5 năm sau, lại bị giáng làm Tri huyện Vũ Giàng, sau đó giữ chức Bố chính Bắc Ninh.
Thực dân Pháp nhận thấy nhân dân ta vẫn còn tin mến các văn thân, sĩ phu yêu nước nên năm 1895, đã cử ông thay Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ làm Đốc biện (quản biện sự vụ - chủ bút) tờ Đại Nam đồng văn nhật báo - tờ báo viết bằng chữ Hán và là tờ báo đầu tiên tại Hà Nội, do tòa Thống sứ Pháp tổ chức và kiểm duyệt. Qua đó, chúng muốn mua chuộc lòng dân đồng thời cũng định lôi kéo cả tầng lớp văn thân sĩ phu vào bộ máy thống trị.
Đại Nam đồng văn nhật báo chủ yếu đăng thông tư, nghị định như một loại công báo của bộ máy thống trị. Tuy vậy, Kiều Oánh Mậu cũng viết một số bài bàn luận, thời đàm và các mục về sinh hoạt xã hội cho báo này. Ông đã lợi dụng phương tiện hợp pháp này để kín đáo tuyên truyền cổ động cho các phong trào như: giáo dục quần chúng, hô hào tân học, kêu gọi phát triển nền kinh tế quốc dân, chấn hưng công nghiệp, nông nghiệp và thực nghiệp, các ngành thủ công, các hội buôn, các công ty thương nghiệp,…
Do những hoạt động yêu nước này, năm 1902, ông đã bị chuyển sang làm Đốc học tỉnh Vĩnh Yên (Vĩnh Phú ngày nay). Thời gian này, ông ra sức cổ động, ủng hộ việc sáng lập trường tư thục, khuyến khích người đi học, và sáng tác nhiều thơ văn kêu gọi, tổ chức các buổi nói chuyện về việc học, rất được bạn bè hưởng ứng.
Năm năm sau, ông lại đổi sang làm Đốc học tỉnh Bắc Giang (Hà Bắc ngày nay). Tại đây, ông thường xuống Hà Nội, tham gia giảng dạy ở Trường Đông Kinh nghĩa thục. Tháng 9-1908, Đông Kinh nghĩa thục bị đóng cửa, các thành viên trong Ban trị sự nhà trường bị thực dân Pháp bắt tù và đày ra Côn Đảo, ông và một số giảng viên là quan chức bị tình nghi và bị giải chức buộc phải về quê quán.
Sau một thời gian lâm bệnh, ông qua đời ngày 26 tháng 8 năm Tân Hợi, niên hiệu Duy Tân thứ năm (tức ngày 28-10-1911), thọ 58 tuổi.
Ngoài việc để lại một số tác phẩm giá trị, ông còn có công khảo đính lại quyển Đoạn trường Tân thanh (Truyện Kiều) của Nguyễn Du. Chính việc khảo đính Truyện Kiều đã làm cho tên tuổi của ông được nhiều người biết đến vì đây là một công phu tìm tòi tham đính tới hơn vài mươi năm. Ngoài ra, ông còn có công quy phạm hóa chữ Nôm để cho câu thơ được rõ nghĩa.
Nguyễn Quảng Tuân kết luận trong sách đã dẫn: “Kiều Oánh Mậu còn biết tìm đến Kim Kiều tình tứ (Lời tình tự của Kim và Kiều), tức bản được xem là cổ của dòng họ Nguyễn Tiên Điền mà ông Nghè Nguyễn Mai (1876-1954) còn giữ được để hoàn tất công việc khảo đính của mình. (…) Nhiều người vì không đối chiếu bản Kiều Oánh Mậu với bản Tiên Điền nên đã ngờ vực một số sửa chữa của ông, kỳ thực chỗ nào ở sửa chữa cũng đều có căn cứ với bản khảo đính Truyện Kiều. Kiều Oánh Mậu đáng được xem là nhà khảo chứng văn học có uy tín đầu tiên trong văn học cận đại Việt Nam”.
Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 340m, rộng 7,5m, từ khu dân cư Hòa Minh 8 đến đường 15m chưa đặt tên, theo Nghị quyết số 21/2011/NQ-HĐND, ngày 23-12-2011 về Đặt, đổi tên một số đường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2011.
LÊ GIA LỘC