Trong lịch sử văn học Việt Nam, tên tuổi Lý Tử Tấn gắn liền với bài Xương Giang phú ông viết để ca ngợi chiến công của nghĩa quân Lam Sơn tiêu diệt 7 vạn quân Minh và bắt sống mấy trăm tướng lĩnh của giặc.
Đường Lý Tử Tấn thuộc địa bàn phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. |
Lý Tử Tấn (1378 - ?) hiệu Chuyết Am, người làng Triều Đông (sau đổi là Triều Liệt), huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Tân Minh, huyện Thường Tín, Hà Nội). 32 tuổi, ông thi đỗ Thái học sinh (tương đương với học vị Tiến sĩ thời hậu Lê), cùng khoa với Nguyễn Trãi, thời Hồ Quý Ly, nhưng không làm quan.
Khi Lê Lợi khởi binh ở Lam Sơn chống quân Minh, ông tham gia ngay từ đầu, được giao giữ chức Văn cáo, một chức quan làm nhiệm vụ thảo công văn, giấy tờ, thư tín... Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược kết thúc thắng lợi, vương triều Lê ra đời, ông lại có mặt trong công cuộc xây dựng vương triều mới. Từ đó, ông tiếp tục làm quan suốt ba đời vua Lê là Thái Tổ (1428-1433), Thái Tông (1434-1442) và Lê Nhân Tông (1443-1459), trải các chức: Thông phụng Đại phu, Hành khiển Bắc đạo, Thừa chỉ viện Hàn lâm, vào hầu giảng ở tòa Kinh Diên.
Trên đường hành quân chống giặc, Lý Tử Tấn đi qua nhiều nơi, trong đó có con đường từ ải Pha Lũy (Lạng Sơn) qua Chi Lăng - Xương Giang, Thị Kiều Thành - Bồ Đề - Đông Quan (Hà Nội). Địa danh Xương Giang đã đi vào lịch sử dân tộc không chỉ bằng chiến thắng lừng lẫy chống quân Minh của quân dân Đại Việt mà còn bằng bài phú nổi tiếng của ông.
Xương Giang là tên tự của sông Thương, nằm bên bờ cũng có một thành trì có tên là Xương Giang. Cả tên sông lẫn tên thành đều gắn liền với chiến thắng lẫy lừng Chi Lăng - Xương Giang, kết thúc thắng lợi 10 năm kháng chiến chống quân Minh (1417 - 1427) của Khởi nghĩa Lam Sơn. Cảm xúc của nhà thơ cộng với tâm thế của người lính, và vượt lên trên hết là suy cảm của một trí thức trước vận mệnh đất nước, ông đã viết bài Xương Giang phú ngợi ca chiến công lừng lẫy đó: 7 vạn quân Minh phơi thây chiến địa, mấy trăm tướng lĩnh của giặc bị bắt sống trong đó có những tên tướng khét tiếng như Thôi Tụ, Hoàng Phúc.
Mở đầu bài phú, ông đã hạ bút: “Non sông vốn thiêng/ Nơi đây vũ công lừng lẫy/ Giúp nên đất nước bình yên/ Lạch thiên nhiên của trời Nam sẵn có/ Mở thái bình cho đất Việt khắp miền/ Ấy Xương Giang một sông hình đẹp/ Mà dấu thơm muôn thuở còn truyền...”.
Cảnh thanh bình của người dân Đại Việt phút chốc bị phá tan bởi “Bọn cuồng đồ kia/ Lại kéo tràn sang” với “Quân đông như kiến” và làm cái việc trời không dung đất không tha là “Lấn, cướp, phá phách/ Dòng dỡ, ngang tàng”. Ông tin rằng ngay cả thần minh cũng muốn thẳng tay trừng trị việc làm dã man, ngược ngạo, trái đạo lý của quân xâm lược nên “Thần xui nên mưu chước/ Trời giúp bậc thánh nhân”. Và thế là quân dân Đại Việt một lòng đánh giặc, khí thế hào hùng lan tỏa vào trong câu thơ của ông:
“Tiếng trống nổi vang, ba quân thật hùng cường hội sức/ Ngọn cờ thẳng tiến, các tướng đều hăng hái liều thân/ Này Pha Lũy, Kê Lăng, trận nọ oai hùng đã dậy/ Lại Bình Than, Lộng Nhãn, trận kia thế mạnh khôn ngăn/ Sấm vang, chớp giật/ Ra quỷ, vào thần/ Giặc kia mất vía/ Phải tan nát dần...”.
Quy luật muôn đời là vậy, chính nghĩa thắng phi nghĩa, “Bốn cõi mây mờ quét sạch/ Giữa trời ánh sáng huy hoàng”, bờ cõi Đại Việt lại vững vàng trước âm mưu đen tối của phương Bắc. Qua Xương Giang phú ta không chỉ thấy ở Lý Tử Tấn một trái tim yêu nước thiết tha, một tinh thần tự hào dân tộc mà còn có một tư tưởng chính trị sâu sắc khi ông nói về sự thành bại trong việc giữ nước.
Phú là sở trường của Lý Tử Tấn trong lĩnh vực văn học. Ngoài Xương Giang phú nổi tiếng, ông còn có hơn 20 bài phú khác, trong đó có Chí Linh sơn phú, Triều tinh phú, Quân chu phú, Hội anh diện phú... là những bài có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật, phản ánh tình cảm nồng thắm đối với đất nước, lòng lo nước, thương đời của ông.
Di sản phú của Lý Tử Tấn để lại được chép trong Hoàng Việt văn tuyển và Quần hiền phú tập. Ngoài ra, ông còn làm lời thông luận cho bộ Dư địa chí của Nguyễn Trãi; hiệu chính và phê điểm trong bộ Việt âm thi tập. Chưa xác định ông mất vào năm nào (có sách ghi mất năm 1457), nhưng căn cứ vào bài tựa sách Việt âm thi tập do ông viết năm 1459, có thể suy đoán ông mất phải sau năm ấy, tức là ông thọ hơn 80 tuổi.
Thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 700m, rộng 7,5m, từ đường Trần Nguyên Hãn đến đường Lê Đức Thọ ở khu dân cư đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc, theo Nghị quyết số 21/2011/NQ-HĐND, ngày 23 tháng 12 năm 2011 của HĐND thành phố về Đặt đổi tên đường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2011.
LÊ GIA LỘC