Ông có thể đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng hơn với nhiều tiền tài, danh vọng, địa vị vào thời bấy giờ nhưng ông đã chọn nghề sư phạm.
Đường Trần Đình Đàn nằm trên địa bàn phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà. |
Trần Đình Đàn sinh năm 1903 trong một gia đình nhà nho ở làng Đông Thành (nay thuộc xã Quế Xuân), huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. 6 tuổi, ông bắt đầu học chữ Hán với ngoại tổ; 8 tuổi, ông theo cậu là cử nhân Lương Trọng Hối (1888 - 1969) ra Huế học tiểu học, rồi trung học. Năm 1921, ông đỗ thành chung, một mình ra Hà Nội thi đậu và được học bổng vào Trường Albert Sarraut. Ba năm sau ông đỗ Tú tài toàn phần, thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương (Hà Nội), học ban Văn chương.
Sau khi tốt nghiệp loại ưu Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, ông được Nha Học chánh Trung Kỳ bổ nhiệm phụ trách lớp bồi dưỡng cho con em các quan lại của Nam triều đặt tại Trường tiểu học Đông Ba, Huế. Tại đây, ông đã lãnh đạo một số học sinh tham gia cuộc bãi khóa vào tháng 4 năm 1927 của học sinh Trường Quốc học Huế, được sự hưởng ứng của Trường Đồng Khánh (nay là Trường Hai Bà Trưng), để phản đối việc hiệu trưởng Trường Quốc học Huế Bourotte và Khâm sứ Trung Kỳ Elloy vô cớ đuổi học các học sinh Nguyễn Chí Diễu và Võ Nguyên Giáp, những chiến sĩ cách mạng có tư tưởng bài Pháp lúc bấy giờ.
Nhận thấy những hoạt động nguy hiểm này, trong niên khóa 1927-1928, Tòa Khâm sứ Trung Kỳ quyết định trục xuất ông ra khỏi Huế và chuyển ông về trường Quốc học Vinh, tỉnh Nghệ An.
Tại đây, ông đã khiến cho bọn cầm quyền Nam triều tiếp tục phải đau đầu trước khí phách của một nhà giáo yêu nước như nhận xét của sách “Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng” [Thạch Phương - Nguyễn Đình An (chủ biên), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội – 2010]: “Thầy Đàn dạy văn, sử địa bằng tiếng Pháp, nhưng vẫn mặc y phục Việt Nam, khăn đen, áo dài, chân đi giày hạ. Với học sinh, trong các bài giảng ông ca ngợi tinh thần dân chủ của cách mạng Pháp, nhưng không quên liên hệ đến tính lịch sử oai hùng chống ngoại xâm của dân tộc, khơi dậy trong học sinh niềm tự hào, tự tôn dân tộc”.
Tác giả Lê Minh Chiến, viết về ông trong bài viết Một nhà giáo tiêu biểu của đất Quảng đăng trên báo Quảng Nam: “Theo nhiều nhà nghiên cứu, với vốn kiến thức sâu rộng của mình, nhà giáo Trần Đình Đàn có thể đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng hơn với nhiều tiền tài, danh vọng, địa vị vào thời bấy giờ nhưng ông đã chọn nghề sư phạm. Sở dĩ như vậy, vì ông xem nghề sư phạm là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, đào tạo ra các thế hệ tương lai cho đất nước”.
Năm 1930, bùng lên phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, chính quyền thực dân tìm mọi cớ để buộc ông nghỉ dạy, đưa ông về quản thúc tại quê nhà cho đến năm 1935. Sau khi được trả tự do, ông tìm cách liên lạc với các bạn bè, đồng nghiệp cùng cảnh ngộ. Tại Huế ông cùng các giáo sư Tôn Quang Phiệt, Hoài Thanh, Đào Duy Anh, Trần Hữu Duẩn… cùng thành lập Trường Trung học tư thục Thuận Hóa và dạy tại trường này đến Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Sau năm 1945, ông được Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục ở Hà Nội mời làm việc ở Bộ. Sau ngày kháng chiến toàn quốc, ông về Quảng Nam làm ủy viên Giáo dục trong Ủy ban Kháng chiến hành chánh tỉnh Quảng Nam. Năm 1946, ông ra Nghệ An giữ chức Hiệu trưởng Trường Đào tạo giáo viên Trung học Trung Bộ, rồi Giám đốc Nha Bình Dân học vụ Trung Bộ. Năm 1952, ông được cử làm Hiệu trưởng Trường cấp III Phan Đình Phùng, thị xã Hà Tĩnh, cho đến khi nghỉ hưu vào tháng 12-1965. Trong thời gian công tác tại Hà Tĩnh, ông đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ học trò xuất sắc, trong đó có nhiều người trở thành những nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trên nhiều lĩnh vực.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông về lại quê hương sống ở Đà Nẵng, tham gia Hội Khuyến học, được bầu làm Hội trưởng danh dự CLB tiếng Pháp của thành phố, tiếp tục đọc và dịch sách, sống thanh bạch và giản dị như xưa.
Năm 1994, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, ông là thầy dạy của các học trò nổi danh trên sinh hoạt văn chương, văn hóa Việt Nam: Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (1914 - 1997), kiến trúc sư tài danh Ngô Viết Thụ (1926 - 2000), nhà giáo, nhà văn Nguyễn Minh Vỹ và nhà thơ, dịch giả tài hoa Bùi Giáng (1926 - 1998)...
Ngày 26-12-2001, “cây đại thụ hiếm hoi của ngành giáo dục” (như cách gọi của Tạp chí Thế giới mới của Bộ GD&ĐT) đã ra đi ở tuổi 99 trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, đồng nghiệp và những thế hệ học trò của ông. Thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 500m, rộng 7,5m, từ đường Hoàng Sa đến đường 7,5m chưa thi công, theo Nghị quyết số 107/2010/NQ-HĐND ngày 3-12-2010 của HĐND thành phố về Đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.
LÊ GIA LỘC