Tác giả Phạm Huy Lục viết trên tờ L’Annam Nouveau (Nước Nam Mới) của Nguyễn Văn Vĩnh: “Tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước con người thực sự đúng là trong sạch, nhà yêu nước nhiệt thành, vị túc nho uyên thâm là cụ Hoàng Tăng Bí”.
Đường Hoàng Tăng Bí. |
Hoàng Tăng Bí (1883-1939) tự Nguyên Phu, hiệu Tiểu Mai, người làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, nay thuộc huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Năm 1906, ông đỗ Cử nhân với vị trí Á nguyên (đứng thứ nhì) tại Trường thi Nam Hà. Năm sau ông tham gia Đông Kinh nghĩa thục, cùng Nguyễn Quyền đi khắp nơi hô hào, diễn thuyết để thức tỉnh lòng yêu nước trong dân chúng. Ông còn tham gia dạy học, diễn thuyết, soạn sách giáo khoa, lập thương nghiệp lấy tiền trợ cấp Phong trào Đông Du.
Sau vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội (Hà thành đầu độc), ông bị Pháp bắt, nhưng nhờ cha vợ là đại thần Cao Xuân Dục (từng giữ chức Tổng tài Quốc sử quán Triều Nguyễn - cơ quan Sử học đã để lại nhiều công trình sử học đồ sộ đến nay vẫn còn giá trị rất lớn về học thuật) bảo lãnh cho về giam lỏng tại Huế. Trong thời gian ở Huế, biến cái rủi thành cái may, ông dùi mài kinh sử đi thi và đỗ Phó bảng năm 1910 nhưng không ra làm quan, mở trường tư dạy học. Ông soạn một số vở tuồng kêu gọi lòng yêu nước như Đệ bát tài tử Hoa tiên ký (1923), Nghĩa nặng tình sâu (Trọng Thủy - Mỵ Châu, 1925), Thù chồng nợ nước (Trưng Vương - Thi Sách, 1927)...
Năm 1929, hết thời gian bị quản thúc, ông quay về gia đình ở Hà Nội, trở lại với nghề dạy học, dạy Việt văn ở Trường Gia Long. Thực dân Pháp biết ông là yếu nhân của phong trào Đông Kinh nghĩa thục nên tìm cách cấm đoán. Ông cộng tác với báo Trung Bắc tân văn (của ông Nguyễn Văn Vĩnh), viết nhiều bài sâu sắc về đạo đức, nhân cách, đề cao Lễ, Nghĩa, Trí, Tín của người cầm bút trong thời đại Âu hóa. Ông còn dịch một số tác phẩm văn học Pháp như Paul et Virginie của Bernadin de Saint Pierre, Le Comte de Monte Cristo của A.Dumas. Đặc biệt, với bút danh Tiểu Mai, ông đã biên soạn và xuất bản cuốn Lược khảo Lịch sử Trung Quốc, mong người nước Nam soi vào gương thành bại của họ để cứu nước.
Ông lập gia đình với bà Cao Thị Thuyên, con gái đại thần Cao Xuân Dục, có 4 người con; trong đó có ông Hoàng Minh Giám, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1947).
Chí khí can trường và lòng yêu nước sâu sắc của ông ảnh hưởng lớn đến con cái. Trong khi ông còn bị quản thúc thì ông Hoàng Minh Giám đã hoạt động trong phong trào yêu nước và dân chủ của thanh niên, viết cho các báo Chuông Rè (La Cloche Fêlée), Người nhà quê (Le Nhà quê, do Nguyễn Khánh Toàn sáng lập, số 1 ra ngày 11-12-1926), Nước Nam (L’Annam). Báo Chuông Rè do nhà yêu nước Nguyễn An Ninh sáng lập, số 1 ra ngày 10-12-1923; đến ngày 3-5-1926 thì bị đình bản để 3 ngày sau đó tái bản với tên mới là Nước Nam do luật sư Phan Văn Trường làm chủ bút. Đây là 3 tờ báo tiếng Pháp, được những người làm báo yêu nước bấy giờ đứng ra thành lập với mục đích dùng báo tiếng Pháp chống thực dân Pháp.
Trong hồi ký của mình, GS Hoàng Minh Giám đã viết về người cha, người thầy của mình: “Tôi được cụ rèn giũa cẩn thận về học vấn, về chí hướng làm người. Tôi sớm có tư tưởng yêu nước, có ý tưởng chống đối chế độ thực dân Pháp. Đấy là kết quả của những năm tháng tôi được học tập, được giáo dục một cách trực tiếp từ thân phụ tôi”.
Sau khi trở về Hà Nội (năm 1929), ông là tác nhân quan trọng về tư tưởng và hành động để ông Hoàng Minh Giám quyết định mở Trường tư thục Thăng Long vào năm 1935. Trong lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập trường, GS Hoàng Minh Giám đã viết: “Trong thâm tâm của anh em chúng tôi, cái danh từ nền tư thục gợi nhớ đến Đông Kinh nghĩa thục… Chúng tôi thầm nghĩ Trường Thăng Long phải xứng đáng là một nghĩa thục theo gương Đông Kinh nghĩa thục nhưng phải khôn khéo để có thể tồn tại lâu dài”.
Phạm Huy Lục, một trong 10 người danh tiếng thời ấy (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Luận, Phạm Huy Lục, Dương Bá Trạc, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đôn Phục, Đỗ Thận) cùng biên soạn cuốn Việt Nam Tự điển do Hội Khai trí Tiến Đức chủ trương, đã viết trên tờ L’Annam Nouveau (Nước Nam Mới) của Nguyễn Văn Vĩnh: “Tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước con người thực sự đúng là trong sạch, nhà yêu nước nhiệt thành, vị túc nho uyên thâm là cụ Hoàng Tăng Bí”.
Trong khúc ca Nam Thiên phong vân của một thi sĩ khuyết danh, có đoạn tán tụng vị túc nho uyên thâm này: “... Xã Đông Ngạc Hoàng quân Tăng Bí/ Tánh thông minh tuổi trẻ khác thường/ Tướng môn dòng dõi họ Hoàng/ Á nguyên giá cũng xem dường nhẹ không/ Đêm ngày dốc một lòng vì nước/ “Đông Thành xương” đứng trước ra buôn (...)/ Cuộc hoàn hải triền miên thế giới/ Hội phong trào nhất giới thư sinh/ Cho hay những bậc tài danh/ Vì giang san phải dấn mình bước ra (...)”.
Thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 740m, rộng 10,5, từ đường 5,5m chưa đặt tên đến đường Nguyễn Đình Tứ ở khu dân cư Nguyễn Huy Tưởng 1, 2, 3 và khu dân cư Hòa Phát 1, 2, 3, 4, 5, theo Nghị quyết số 107/2010/NQ-HĐND ngày 3-12-2010 của HĐND thành phố về Đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.
LÊ GIA LỘC