Nguyễn Thế Lộc (? - ?) là một vị tướng nhà Trần, ông tham gia vào cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 và lần thứ 3.
Đường Nguyễn Thế Lộc nằm trên địa bàn phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà. Ảnh: V.T.L |
Nguyễn Thế Lộc là một trong khá lớn các nhân vật được tác giả Nguyễn Huy Tưởng mô tả trong truyện thiếu nhi Lá cờ thêu sáu chữ vàng (xuất bản năm 1960). Ở đó, có những gương mặt tiêu biểu, tượng trưng cho khí phách của vương triều mà nổi bật hơn hết là gương mặt của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, người từng tức giận bóp nát quả cam vì bị coi là trẻ con không được dự bàn việc nước, đã tự chiêu binh mãi mã đi đánh giặc. Và Nguyễn Thế Lộc, tuy chỉ là một viên tướng người Mán (tên gọi trước đây của người Dao) theo Hoài Văn Hầu đánh giặc nhưng đã được tác giả khắc họa qua những trang viết đầy hình tượng.
Bấy giờ, theo tác giả Nguyễn Huy Tưởng, Trần Ích Tắc chủ trương cho giặc mượn đường, bí mật đem cả gia đình rời khỏi kinh thành, đi hàng giặc, Chiêu Thành Vương - chú ruột Trần Quốc Toản, được lệnh đi đuổi bắt tên bán nước này. Tới một địa phận thuộc Lạng Giang, đường đi vừa khó khăn, vừa nguy hiểm, chỗ nào cũng có quân giặc đóng. Cảm thấy mình có thể bị sa vào tay giặc, Vương rất đỗi lo lắng vì lương đã gần cạn mà bóng Ích Tắc thì mù mịt. Đương hoang mang thì Vương chợt nghe nói ở trại Ma Lục có một người Mán tên là Nguyễn Thế Lộc nổi lên đánh giặc rất giỏi:
“Người Mán ấy lại được một tướng rất trẻ ở đâu đến giúp. Họ tiến lui nhanh như chớp, xuất hiện không biết đâu mà lường, đánh giặc toàn những lúc bất ngờ nên giặc khiếp đảm. Mỗi khi ra trận, người trẻ tuổi phất một lá cờ đề sáu chữ “Phá cường địch báo Hoàng ân”, đi đến đâu thắng đến đấy. Tiếng Thế Lộc và người tướng trẻ có lá cờ sáu chữ lừng lẫy khắp vùng Lạng Giang. Thoát Hoan không sao lần ra tung tích người tướng trẻ”.
Bối cảnh của Lá cờ thêu sáu chữ vàng là cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai (1285), khi nhà Trần phải chịu thất thủ Thăng Long, Trần Quốc Tuấn lui quân về Thanh Hóa, quân Nguyên gồm hai cánh do Thoát Hoan và Toa Đô dẫn đầu cùng áp đánh cả hai mặt Bắc và Nam. Thế giặc như chẻ tre, muốn thắng giặc cần phải có sự nhất tề từ vua chí dân mà Hội nghị Diên Hồng (đầu năm 1285) là đỉnh cao thể hiện sự đồng lòng quyết chiến chống giặc. Bên cạnh đó, cần có những con người dọc ngang khí phách, thông thạo đường đi lối về ở miền núi như Nguyễn Thế Lộc:
“Hoài Văn và Thế Lộc dẫn quân nay đánh chỗ này, mai quấy rối chỗ kia. Họ thường đánh tỉa quân giặc, khi thì chặn dọc đường, khi thì rủ giặc vào nơi hiểm yếu mà tiêu diệt, khi thì dựng cờ chỗ này đánh giặc chỗ kia. Suốt một tháng ròng, họ không để cho quân giặc yên một ngày nào. Thoát Hoan treo giải ai bắt được hoặc lấy được đầu Thế Lộc và người trẻ tuổi có lá cờ sáu chữ thì được thưởng một lạng vàng và được phong tước vạn hộ hầu. Nhưng ác thay, đám quân ma ấy cứ ẩn trong rừng, và khi họ ló đầu ra, là vài chục, vài trăm quân của Trấn Nam Vương (tước vị phong cho Thoát Hoan trước khi y dẫn quân sang xâm lược Đại Việt – LGL) mất xác”.
Thế rồi trời xui đất khiến, cuối cùng Thế Lộc cũng phát hiện ra tên bán nước Ích Tắc đang lén lút dẫn bầu đoàn thê tử tìm đường đến với Thoát Hoan. Thế Lộc bắn một phát tên, trúng vai Ích Tắc, y cứ đeo tên trên người mà cắm cổ chạy. Thế Lộc vừa đuổi xộc tới thì bất ngờ bị một mũi tên cắm phập vào sườn, ngã nhào xuống khe suối. Khi các tráng sĩ vực được Thế Lộc lên thì bóng bọn Ích Tắc đã chìm vào đêm tối đen như mực.
“Thế Lộc rút con dao ngắn đeo bên mình, thở dài và nói: “Không bắt được nó, sống làm gì?”. Nói xong, đưa dao định đâm vào cổ. Một tráng sĩ giằng lấy con dao: “Mày chết thì chúng tao sống với ai? Mày phải về trại đã, ở đây gần nó, bị nó bắt thì khổ thôi”.
Trong đêm tối, anh em rịt vết thương cho Thế Lộc. Họ giục ba lần bảy lượt, Thế Lộc mới chịu về”.
Khác với thể loại truyện, trong bộ Việt sử giai thoại (NXB Giáo dục, 2003), tác giả Nguyễn Khắc Thuần kể có khác.
Trong hoàng tộc, Trần Kiện là cháu ruột của vua Trần Thánh Tông nhưng có mối thù oán với hoàng tử Tá Thiên Vương Trần Đức Việp là con của Trần Thánh Tông.
Khi quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ hai, cả nước đánh giặc, riêng Trần Kiện thì thân làm tướng, cầm trong tay cả một vạn quân nhưng lại bất mãn nằm dài ở làng Tức Mặc (Nam Định). Tháng 3-1285, y đem gia quyến và bọn liêu thuộc chạy sang đầu hàng quân Nguyên. Tướng giặc là Toa Đô mừng lắm, vội cho quân hộ tống Trần Kiện về Yên Kinh. Nhưng, Trần Kiện vừa đến vùng Lạng Sơn ngày nay thì lập tức bị thổ hào đất này là Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh cho dân binh bao vây và tập kích dữ dội. Trần Kiện bị bắn chết, liêu thuộc của y là Lê Trắc cướp được xác chủ, cột lên ngựa, nhân đêm tối lẻn chạy về Khâu Ôn và chôn Trần Kiện ở đấy. Sau, Lê Trắc sống lưu vong trên đất giặc, nhục nhã trăm bề.
Dù đi vào truyện hay giai thoại, Nguyễn Thế Lộc vẫn là một anh hùng hảo hán, không chịu bó tay trước ngoại xâm. Thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 380m, rộng 10,5m, nối từ Ngô Quyền đến đường Trần Hưng Đạo, thuộc Khu dân cư An Hải Bắc, theo Nghị quyết số 24 /2012/NQ-HĐND ngày 4-7-2012 của HNĐN thành phố về Đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.
LÊ GIA LỘC