.

Đào Sư Tích

.

Đào Sư Tích là một trong những nhà khoa bảng tiêu biểu của Việt Nam thời phong kiến. Bài văn Đình đối của ông trong kỳ thi khoa Giáp Dần năm 1374 là bài văn thi Đình duy nhất của các khoa thi Đình đời Trần còn được ghi chép lại.

Đường Đào Sư Tích. Ảnh: L.G.L
Đường Đào Sư Tích. Ảnh: L.G.L

Về quê quán của Đào Sư Tích (1348 - 1396), các thư tịch cổ chép rằng ông là người xã Cổ Lễ, huyện Tây Chân; nay là thị trấn Cổ Lễ, huyện Nam Ninh, tỉnh Hà Nam. Có tài liệu lại nói ông người xã Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang; trú quán xã Lý Hải, huyện Yên Lãng, nay là thôn Lý Hải, xã Phú Xuân, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Cha ông là Đào Toàn Mân (cũng có tài liệu chép là Đào Toàn Bân), đỗ tiến sĩ chính bảng làm quan đến chức tri Thẩm hình viện sự.

Từ nhỏ, Đào Sư Tích đã nổi tiếng thông minh khác người, sức học vượt đồng môn, thêm tài ứng đối và năng khiếu về thơ phú. Ở các khoa thi Hương, thi Hội, thi Đình ông đều đỗ đầu. Đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Dần năm Long Khánh thứ hai (1374) đời vua Trần Duệ Tông, ông làm quan đến chức Nhập nội hành khiển.

Tháng 12 năm Nhâm Thìn (1392), Hồ Quý Ly bắt đầu chuyên quyền. Quý Ly viết 14 thiên Minh Đạo dâng lên vua Trần Thuận Tông, trong đó tỏ ý nghi ngờ Khổng Tử và phê phán một số nhà hiền triết Trung Quốc cổ đại. Chưa hết, họ Hồ còn đề nghị sắp xếp lại bài vị Khổng Tử thờ ở Văn Miếu vì (theo Quý Ly) Khổng Tử chưa phải là Tiên thánh nên không được ngồi chính giữa là vị trí của Thiên tử. Nhiều cận thần trong triều dâng thư can vua không nên nghe theo Quý Ly. Quý Ly bèn lập mưu hãm hại. Đào Sư Tích cũng bị giáng xuống làm Trung thư thị lang đồng tri thẩm hình viện sự. Chán cảnh nghịch thần chuyên quyền, ông cáo quan về quê làm thầy thuốc và dạy học.

Năm 1394, nhà Minh đưa ra nhiều yêu sách hòng gây khó khăn với triều đình nhà Trần nhằm xâm chiếm nước ta, bắt cống nạp nhiều lễ vật. Biết Đào Sư Tích vốn học nhiều hiểu rộng, là người có tài ứng xử, khôn khéo trong bang giao nên vua Trần liền xuống chiếu mời ông về triều và cử đi sứ sang nhà Minh. Không phụ lòng tin của vua, ông đã thuyết phục được vua Minh xóa bỏ các lệ cống nạp hằng năm giữa Đại Việt với nhà Minh.

Hai năm sau, 1496, ông mất trên đất nhà Minh khi đang là sứ thần Đại Việt, thọ 49 tuổi, được triều đình đưa về an táng ở xã Cổ Lễ, huyện Nam Ninh, Nam Định. Tưởng nhớ công lao của ông, người dân Cổ Lễ lập đền thờ ông tại nguyên quán, gọi là Đào Sư Tích từ. Ngày nay, tại chùa Cổ Lễ có tấm bia Nhị Đào công từ bi (bia về đền thờ hai cha con ông họ Đào, tức Đào Toàn Mân và Đào Sư Tích) chép về công việc ấy. Tại làng Lý Hải, ông cũng được thờ ở Miếu quốc tế (Miếu được cả nước tế tự) và được xếp là bậc danh hiền, phong phúc thần.

Trước tác của ông để lại, ngoài bài văn Đình đối của ông trong kỳ thi khoa Giáp Dần năm 1374 (bài văn thi Đình duy nhất của các khoa thi Đình đời Trần còn được ghi chép lại) còn có bài Cảnh tinh phú (phú sao Cảnh) chép trong Quần hiền phú tập - tập phú của các danh sĩ các đời từ Trần, Hồ và Lê.

Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang (bacgiang.gov.vn), dòng họ Đào còn lưu truyền một giai thoại rất thú vị về cha con Tiến sĩ Đào Toàn Mân và Trạng nguyên Đào Sư Tích.

Chuyện kể rằng, chính cụ Tiến sĩ họ Đào từng được nhà giáo lỗi lạc Chu Văn An đề tặng là Đại sư vô nhị (Bậc thầy có một không hai). Sau khi Đào Sư Tích thi đỗ Trạng nguyên, được vào bái yết vua Trần. Vua hỏi: Trạng nguyên do ai dạy bảo? Sư Tích thưa rằng: Dạ do chính cha thần dạy dỗ... Vua bèn cho vời cụ Đào Toàn Mân vào triều và khen là: Phụ giáo tử đăng khoa (Cha dạy con thi đỗ). Để thử tài người cha - thầy, vua ra vế đối: Viên ngoại ba tiêu, vô phu quân, tứ thời hữu kết. (Cây chuối ngoài vườn, không có chồng, mà bốn mùa kết trái).

Tiến sĩ Đào Toàn Mân ứng đối ngay: Mộc tại nguyệt thiên, vô thổ bồi, bát tiết giai xuân. (Cây mọc ở cung trăng, không đất bồi, mà tám tiết tốt tươi).

Nghe xong, vua hết sức ngợi khen và ban cho bức trướng đề 5 chữ: “Phụ tử đồng đăng khoa”. Khoa thi ấy Sư Tích đỗ Trạng nguyên, mà vua ban cho bức trướng nghĩa là “Cha con cùng thi đỗ” làm cho mọi người hiểu rằng cụ Toàn Mân cũng được phong danh vị ấy, thành ra cứ gọi luôn cụ là Trạng nguyên.

Thành phố Đà Nẵng  đặt tên Đào Sư Tích cho con đường dài 540m, rộng 5,5m và 7,5m, từ đường Hoàng Văn Thái đến đường 5,5 m chưa thi công thuộc khu dân cư Hòa Minh 5, quận Liên Chiểu, theo Nghị quyết số 21/2011/NQ-HĐND ngày 23-12-2011 của HĐND thành phố về Đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.