Gần 20 năm ở nhà thuê, ba mẹ con bà Nguyễn Thị Lan mừng như bắt được vàng khi được đoàn cán bộ phụ nữ quận, phường đến kiểm tra gia cảnh để đề nghị thành phố cho thuê căn hộ chung cư. Đoàn đến rồi đi, hơn một năm trông ngóng, hy vọng nguội dần bỗng bùng cháy khi đầu tháng 12 này, chuyên viên của Bộ phận xử lý nhanh thông tin thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố lại tìm đến chị. Niềm hy vọng có nhà lại được nhen lên.
Gia đình cụ Hồ Thị Xinh với diện tích sử dụng gần 16m2 chứa tới 8 người. |
Lần này sẽ có nhà
Theo chân cán bộ chuyên trách giảm nghèo của phường Nam Dương, chúng tôi về tổ dân phố 25 gặp chị Lan. Đang rửa chén cho quán bún đầu hẻm, chị xin phép bà chủ cho ít phút để đưa khách về căn phòng nơi ba mẹ con đang tá túc. Đó là một căn phòng chỉ 6m², tối và ẩm thấp. Tối đến chỉ có tấm nệm rách trải xuống nhà là ba mẹ con có thể nghỉ ngơi qua đêm. Chật một tý nhưng chỗ này họ cho thuê 600 ngàn đồng/tháng thì mình chịu được. Mới đây con gái lớn đi lấy chồng ở riêng. Chỗ nằm của hai mẹ con rộng ra được một chút. Gia đình chị vốn là dân gốc ở đây từng đi kinh tế mới rồi trở về. Chồng mất, chị ở vậy nuôi con suốt 20 năm qua. Lao động tay chân, ai thuê gì làm nấy, cả ba mẹ con cứ thuê nhà đây đó quanh phường. Chỗ nào tốt lấy rẻ thì ở lâu, tăng giá thì lại tìm nơi khác rẻ hơn.
Mải mưu sinh nuôi con ăn học, chị quên mất rằng mình vẫn còn là “công dân lậu” vì chưa có hộ khẩu cho đến khi đứa con trai vào Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng. May mắn thay, ông Trưởng Công an phường ra tay nghĩa hiệp giúp đỡ. Ông chỉ đạo anh cảnh sát khu vực Châu Thành làm thủ tục để nhập hộ khẩu cả 3 mẹ con vào ngay chính nhà anh này để con chị kịp nhập học. “Ông ấy làm Công an phường lâu rồi nên biết mình dân gốc ở đây, thấy chị hoàn cảnh quá nên ông giúp. Mừng thiệt, rứa thằng con mới đi học được”, chị Lan nói.
Mỗi ngày đi rửa chén quán bún được chủ quán trả cho 40 ngàn đồng. Tối về, chị kiếm thêm bằng việc giặt đồ thuê, nhặt phế liệu. Chị tính toán 40 ngàn đồng kiếm được thì dành 10 ngàn đồng đong gạo, còn lại để trả tiền thuê nhà và lo cho con ăn học. Thằng con đi học mỗi năm tốn của chị hết 3,4 triệu đồng tiền học phí, vì vậy tiền bán phế liệu thì để dành cho khoản này. Cũng may mắn bà con ở đây thương hoàn cảnh của mẹ con chị nên thi thoảng cho thức ăn, cho phế liệu. Từ ngày có đoàn cán bộ về khảo sát nói là để đề nghị thành phố bố trí cho thuê chung cư đối với hộ phụ nữ nghèo chị mừng lắm. Bẵng đi một năm không thấy ai tới hỏi, không nghe ngóng được gì về việc cho thuê nhà chung cư nữa. Niềm hy vọng của mẹ con chị nguôi dần cho đến khi tổ đại biểu HĐND thành phố về phường tiếp xúc cử tri lại bùng lên. Chị hy vọng lần này sẽ có nhà.
Tại tổ 23 (cũ) cũng địa bàn phường Nam Dương, chúng tôi đến thăm căn nhà của cụ bà Hồ Thị Xinh, 85 tuổi có đến 4 thế hệ với 8 người cùng chung sống trên một diện tích chưa đầy 16m². Đây vốn là căn nhà tình thương được Ủy ban MTTQ Việt Nam phường vận động một nhà hảo tâm xây dựng trên diện tích 8m², gia đình cơi thêm cái gác gỗ để có thể chứa hết 8 người. Nhà quá chật nên bếp nấu nướng phải đặt ở khoảng đất trống trước nhà mà chủ nhà cho nhờ tạm. Đến khi người ta xây nhà thì không biết phải nấu nướng ở đâu. Cụ Xinh đã già yếu chỉ nằm một chỗ, ngay cửa ra vào căn nhà nhỏ bé. Hai con gái của cụ: Nguyễn Thị Thương và Nguyễn Thị Nhớ đều đã ở tuổi 58, 59. Bà Thương đang mang trong mình căn bệnh ung thư ở giai đoạn cuối. “Ngày trước còn khỏe thì phụ với chị gái làm bánh dừa đi bán dạo. Giờ có bệnh, sức yếu rồi chỉ ngồi nhà sắp lá chuối làm bánh. Còn bệnh, lúc nào trời kêu thì dạ chứ chẳng hy vọng gì nữa”, bà Nhớ nói.
Bà Nhớ có con trai, con gái đều lập gia đình có một con cùng chung sống trong căn nhà này. Nguyện vọng của bà là mong cho gia đình con gái Nguyễn Bảo Thiện có chồng mắc bệnh động kinh được thuê căn hộ chung cư. Mới đây thấy cán bộ thành phố về nắm hoàn cảnh gia đình sau hơn 1 năm được chính quyền phường đề xuất cho thuê chung cư, bà rất mừng. Hộ nghèo, con cái toàn là lao động phổ thông biết bao giờ mới tích lũy được tiền để mà mua nhà. Bà hy vọng con gái được thuê căn hộ chung cư, nhà sẽ bớt đi được 3 người, đỡ chật hơn.
Những hy vọng không quá sức
Theo giới thiệu của cán bộ phụ nữ phường Hải Châu 1, chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thu Thủy 40 tuổi, thuộc diện hộ nghèo ở tổ 32 đang sống chung với cha mẹ, anh chị em với tổng số thành viên là 10 người trong một căn hộ 28m². Cả gia đình chị Thủy từ cha mẹ đến anh chị em đều là lao động phổ thông, bán hàng rong rất vất vả. Sau khi lập gia đình, chị thuê nhà để ở riêng. Sinh được 3 con thì chồng đổ bệnh tâm thần nặng, chẳng còn làm được gì nhưng cứ lên cơn là đánh vợ đến tím mặt. Chị phải thuê một căn nhà nhỏ để chồng ở một mình, hằng ngày chị mang thức ăn và thuốc chữa bệnh cho chồng. Còn cả 4 mẹ con lại dọn về căn nhà chật chội của ông bà ngoại. Vì nghèo và điều kiện nhà ở quá chật chội mà anh trai và 2 em gái của chị đến tuổi vẫn chưa lập gia đình.
Chị Thủy có nguyện vọng được xin thuê căn hộ chung cư của thành phố. Chị đã trình bày hoàn cảnh của mình tại buổi tiếp xúc giữa cử tri phường Hải Châu 1 của tổ đại biểu HĐND thành phố ngày 22-11-2012. Lãnh đạo UBND thành phố đã trả lời và yêu cầu chính quyền địa phương kiểm tra, đề xuất để UBND thành phố giải quyết cho thuê căn hộ chung cư ngay trong tháng 11 nếu trường hợp bức xúc chỗ ở của hộ nghèo đúng sự thật. Chị Thủy đã nộp đơn tại UBND phường và hy vọng cũng sẽ được cán bộ thành phố về khảo sát hoàn cảnh gia đình mình với ước mong có chỗ ở ổn định để làm ăn và thoát nghèo.
Những trường hợp trên chỉ là số ít trong số 1.206 trường hợp phụ nữ nghèo được Hội LHPN thành phố đề xuất HĐND thành phố xem xét bố trí cho thuê căn hộ chung cư như một giải pháp căn bản để giúp các hộ này thoát nghèo. Một cán bộ của Ban Pháp luật - Chính sách, Hội LHPN thành phố cho hay: Đây là con số đã phúc tra sàng lọc rất kỹ sau khi các cấp Hội Phụ nữ ở cơ sở giới thiệu danh sách. Đến thời điểm này (10-12-2012) đối chiếu với danh sách do Hội LHPN thành phố chuyển sang HĐND thành phố thì đã có 5 trường hợp được bố trí cho thuê căn hộ chung cư.
SƠN TRUNG