Nhiều khu chung cư (KCC) trên địa bàn thành phố sau khi đưa vào sử dụng đã xảy ra tình trạng nứt tường, thấm dột, hư hỏng một số trang thiết bị... ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào, đơn vị thi công cũng là người có lỗi. Muốn tuổi đời chung cư được lâu dài, cần sự chung tay góp sức của những cư dân chung cư và cao hơn là hình thành thói quen, lối sống, văn hóa chung cư…
Anh Trần Minh Tấn, bảo vệ nhà 5, KCC Hòa Hiệp 2 chỉ vào một khe lún giống vết nứt ở KCC này. |
Lấn cấn hạn bảo hành
Trong thời gian thu thập tư liệu cho bài viết này, chúng tôi được phản ánh nhiều KCC như Nại Hiên, Vũng Thùng, Nại Hiên Đông, Hòa Cường, Thuận Phước… xuống cấp khiến nhiều hộ dân sống ở đây rất lo lắng. Tình trạng chung là hộ ở tầng trên thường chịu cảnh thấm dột trong mùa mưa, các ống nước hay bị tắc nghẽn, tường, trần nhà bị nứt, bong tróc lớp bê-tông, không có lối thoát hiểm riêng... Chưa kể, mỗi khi có ma chay, hội họp, cưới hỏi, mọi người rất khó tìm ra địa điểm tổ chức.
Đơn cử, tại dãy nhà A5, A6 KCC Vũng Thùng (phường Nại Hiên Đông) người dân đang “kêu trời” vì vẻ ngoài nhếch nhác, mất mỹ quan. Tường thấm nước tạo nên vệt loang lổ, bong tróc từng mảng. Lan can bằng sắt rét rỉ. Nhiều trụ, dầm chịu lực bị nứt khiến lớp bê-tông bong ra… Chị Hồ Thị Hòa, sống ở căn hộ 213 chia sẻ: “Tình trạng thấm dột xảy ra mấy năm nay. Dù sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn không được cải thiện. Mỗi khi phòng trên đi vệ sinh thì nước cứ nhỏ tong tong xuống đầu rất khó chịu”. Được biết, công trình này được bàn giao, đưa vào sử dụng năm 2006 và hết thời hạn bảo hành năm 2009. Vì thế, xảy ra tình trạng trên, người dân chỉ biết gọi điện trình báo với Công ty Quản lý nhà chung cư (QLNCC) và chờ đợi.
Cách đây không lâu, hệ thống cống rãnh của KCC Thuận Phước (phường Thuận Phước) bị tắc nghẽn, nước tràn lên mặt đường gây mùi hôi thối. Nhận đơn kiến nghị của người dân, Công ty QLNCC đã cử Chi đoàn thanh niên cơ quan tiến hành làm vệ sinh, khơi thông cống rãnh. Nhưng chỉ vài ngày sau, tình trạng cũ lại tái diễn. Ông Trà Văn Quang, Trưởng phòng Kỹ thuật dự án cho biết, cống rãnh bị tắc nghẽn do người dân tắm gội để tóc dồn vào hệ thống thoát nước hoặc đổ xà bần, vứt rác bừa bãi. Nhiều trường hợp, khi tiến hành sửa chữa tại căn hộ chung cư, do thiếu kiến thức, người dân vô tình phá vỡ quy trình hệ thống thoát nước gây tình trạng tắc nghẽn, thấm dột xuống tầng dưới. Để hạn chế tình trạng này, Công ty QLNCC quy định, các hộ dân khi muốn sửa chữa căn hộ phải làm đơn trình báo, ghi rõ hạn mục cần sửa chữa, không được thay đổi kết cấu chung của toàn bộ tòa nhà. Từ đầu năm đến nay, công ty đã cấp phép cho 253 đơn xin sửa chữa, nâng cấp căn hộ chung cư theo đúng những thủ tục quy định.
Thông thường, các KCC khi xây dựng xong đều có thời hạn bảo hành 12 tháng. Thời gian đó, đơn vị thi công sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng công trình khi có sự cố xảy ra. Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty QLNCC cho rằng, từ khi tiếp nhận đến khi lấp đầy dân cư ở các KCC thường phải mất hơn 1 năm. Thời gian đầu, khi công năng của khu nhà chưa được sử dụng hết, sẽ ít xảy ra sự cố. Ngược lại, khi KCC được lấp đầy thì thời hạn bảo hành đã hết. Trong khi đó, với nguồn kinh phí hạn hẹp, phía công ty QLNCC chỉ có thể sửa chữa các hạng mục nhỏ như thay máy bơm, bóng đèn hành lang bị hỏng. Còn tình trạng nứt, lún hay thấm dột vẫn chưa có biện pháp xử lý hiệu quả. Chưa kể, một số KCC không thuộc sự quản lý, khai thác của công ty QLNCC như CC Nại Hiên Đông lâu nay xảy ra tình trạng xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có đơn vị nào chịu trách nhiệm xử lý. Cũng theo vị lãnh đạo này, thời gian tới sẽ đề xuất thành phố ra quy định buộc các đơn vị thi công tăng thời gian bảo hành chung cư lên 18 - 24 tháng.
Cần đến văn hóa chung cư
Một số KCC cũ nhếch nhác, xuống cấp đã đành, nhưng một số khu mới như Làng cá Nại Hiên Đông, Hòa Hiệp 2, Vicoland… sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Không chỉ than phiền về tình trạng xuống cấp, một số người dân sống tại chung cư tỏ ra ấm ức trước tình trạng “cha chung không ai khóc”. Nhiều hộ dân khi chuyển về sống tại KCC vẫn giữ thói quen đèn nhà ai nấy sáng. Những vật dụng chung được mọi người sử dụng tùy tiện, không giữ gìn nên dễ xảy ra tình trạng hư hỏng.
Có mặt tại KCC Hòa Hiệp 2, chúng tôi thấy tận mắt một số bà mẹ vì muốn dỗ con ăn đã cho con vào thang máy nhấn nút chạy lên, chạy xuống liên tục. Ngày cuối tuần không đi học, nhiều em nhỏ tập trung ra hành lang hò hét, chạy nhảy. Cũng tại KCC này, chưa đầy 10 tháng đưa vào sử dụng đã xảy ra 2 trường hợp trẻ em té từ lan can xuống đất. Ông Trần Minh Tấn, bảo vệ nhà số 5 KCC cho biết, sau 2 sự cố đáng tiếc này, Công ty QLNCC đã phối hợp với đơn vị thi công tiến hành sửa chữa, gắn thêm khung sắt cao 50cm. Tuy nhiên, theo ông Tấn, việc người dân phản ánh tòa nhà xuống cấp không hoàn toàn đúng sự thật. Ví như, những vết nứt người dân phản ánh tại KCC Hòa Hiệp 2 thực chất là các khe lún theo tiêu chuẩn thiết kế của tòa nhà. Trong thời gian chờ ổn định kết cấu nền đất, các khe lún giãn ra nhìn giống những vết nứt. Vấn đề này đã được Sở Xây dựng Đà Nẵng đồng ý khi phê duyệt dự án.
Hiện nay, việc tổ chức cưới hỏi, ma chay ở các KCC là cực kỳ khó. Nhiều hộ dân tận dụng tiền sảnh dưới tầng 1 để kê bàn mời khách. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp “chữa cháy” chứ chưa “danh chính ngôn thuận”. Bởi thực tế, hầu hết các KCC đang xây dựng hiện nay chưa tính đến không gian sinh hoạt chung cho toàn bộ khu phố. Gần 80 tuổi, bà Trần Thị Bích Lựu, phòng 102 tòa nhà 5, KCC Hòa Hiệp 2 hóm hỉnh nói: “Tuổi tui gần đất xa trời rồi, nếu có chết ở đây thì cũng vui vì bà con lối xóm đông đúc. Ngày xưa ở nhà tạm ẩm thấp, mưa gió tứ bề, nay được ở căn hộ khang trang, sạch sẽ thì còn muốn gì hơn nữa. Mình quyết định sống ở chung cư thì nên chấp nhận những hạn chế, ràng buộc của nó”.
TIỂU YẾN