Đi viện mà có cái thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trên tay thì ai ai cũng tự tin như là có “bùa hộ mạng”.
Chia sẻ cộng đồng
Với rất nhiều người, thẻ BHYT như là “bùa hộ mạng”. |
Ngày 15-10-2012, Bệnh viện (BV) Đà Nẵng tiếp nhận một bệnh nhân tên là Phạm Thị Nam Trân bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, được chẩn đoán bị đa chấn thương. Sau hơn nửa tháng điều trị, chị Trân phải 3 lần chụp CT và hàng loạt xét nghiệm kỹ thuật khác, 7 lần được can thiệp phẫu thuật, thủ thuật... Tổng viện phí lên đến gần 108 triệu đồng, trong đó chỉ riêng các loại thuốc đặc trị, dịch truyền và máu đã tốn hết 73 triệu đồng. Chị thuộc diện hộ nghèo nên chỉ đóng 5%, còn lại do BHYT thanh toán.
Lướt qua bảng kê những bệnh nhân có thẻ BHYT được chữa trị tại BV Đà Nẵng trong năm 2012, sẽ thấy nhiều người khác có viện phí cao như bà Nguyễn Thị Thiệt ở Hội An bị viêm phổi, tai biến mạch máu não, điều trị gần 1 tháng với tổng viện phí trên 55 triệu đồng; ông Nguyễn Hữu Lực ở Điện Bàn điều trị gần 2 tháng, viện phí trên 51 triệu đồng... Trong khi đối tượng BHYT tự nguyện nhân dân được Quỹ BHYT chi trả 80% viện phí thì những người thuộc diện hộ nghèo như họ được Quỹ BHYT chi trả đến 95% viện phí.
BHYT nhìn chung là một sự chia sẻ cộng đồng, tham gia BHYT không phải “mong” mình đau ốm để chữa bệnh ít tốn tiền mà là phòng xa; nếu mình không phải đi viện thì đó là một nghĩa cử chia sẻ với những người chẳng may bị bệnh tật. Nghĩa cử đó càng cao đẹp hơn đối với bệnh nhân nghèo, những người mà ngay cả 5% viện phí còn lại (sau khi BHYT chi trả 95%) cũng lắm khi không trả nổi, nhất là người mắc bệnh hiểm nghèo.
Những “đại sứ quán” của BHYT
Dịch vụ BHYT liên quan đến ba đối tượng: người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh (KCB) và BHYT. Vì nhiều lý do, một số các cơ sở KCB đã cung cấp dịch vụ chất lượng kém khiến cho người bệnh phản ứng và tất nhiên BHYT phải “lãnh đủ”. Từ thực trạng này, bác sĩ Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng phòng Giám định BHYT (BHXH thành phố) phụ trách Bộ phận BHYT tại BV Đà Nẵng cho hay, cán bộ BHYT không ngồi trong 4 bức tường ở 1A Trần Quý Cáp (cơ quan BHXH thành phố) mà xuống các “đại sứ quán”, tức là bộ phận BHYT tại các BV, để trực tiếp theo dõi, giám sát, bảo vệ quyền lợi của người có thẻ BHYT. Hằng ngày, chúng tôi nhận hàng trăm cuộc gọi từ các khoa, phòng của BV hỏi về chế độ, quyền lợi các dịch vụ mà người có thẻ được hưởng.
Hàng trăm cuộc gọi mỗi ngày là không ngoa, bởi so với 35 cơ sở KCB BHYT hiện có trên toàn thành phố thì BV Đà Nẵng tuy chưa phải là nơi có số người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu nhiều nhất, nhưng là nơi có số lượt người đến KCB BHYT cao nhất với bình quân 1.200 lượt người/ngày. BV tiếp nhận, thu dung, điều trị bệnh nhân BHYT không chỉ từ các cơ sở KCB tuyến dưới ở Đà Nẵng mà còn từ các BV miền Trung – Tây Nguyên chuyển đến. Biên chế của “đại sứ quán” ở đây có 6 người, nhiều nhất trong các “đại sứ quán” tại các cơ sở KCB BHYT toàn thành phố.
Một trong những nhiệm vụ của các “đại sứ quán” là xem xét việc cấp thuốc, làm các xét nghiệm kỹ thuật đối với bệnh nhân BHYT.
Trong danh mục thuốc được Bộ Y tế duyệt cấp cho BHYT có nhiều loại chênh lệch giá rất cao. Ví như loại Clorphemamine chữa dị ứng, loại uống 4mg/viên của Công ty CP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco giá 115 đồng/viên, viên cùng hàm lượng của Bepharco (Công ty CP Dược phẩm Bến Tre) giá chỉ 44 đồng. Tuy nhiên, hai loại này cũng chẳng là gì so với loại uống 60mg/viên Aventis (biệt dược Clorphemamine của Pháp) giá đến 3.667 đồng. Vậy thì, cấp cho bệnh nhân loại 44 đồng hay 3.667 đồng? Cấp loại nào cũng đúng quy định, nhưng đây là vấn đề y đức.
Một viên thuốc gánh rất nhiều chi phí. Dư luận xã hội đã từng than phiền các hãng thuốc “tiếp thị” bằng cách trả hoa hồng cho các bác sĩ rất hậu, mời đi tham quan, nghỉ dưỡng... tất cả đều được hạch toán vào viên thuốc. Từ đó, đã có không ít bác sĩ đã cấp cả những thuốc vô thưởng vô phạt, hoặc cấp những loại thuốc đắt tiền cho người bệnh.
Thêm vào đó, còn có một hình thức khác làm đội chi phí BHYT. Các cơ sở KCB lắp đặt các trang thiết bị hiện đại như máy chụp MRI, X quang kỹ thuật số, siêu âm màu... muốn thu hồi vốn nhanh nên đã “bắt” bệnh nhân mà hầu hết là người có thẻ BHYT, phải làm nhiều xét nghiệm kỹ thuật không cần thiết đối với từng loại bệnh cụ thể.
Các hình thức “tiêu cực” nói trên đã giảm đáng kể từ ngày thành lập các “đại sứ quán” BHYT tại các cơ sở KCB. Bác sĩ Phạm Quốc Khánh, Trưởng phòng Giám định BHYT – BHXH thành phố, cho hay hiệu quả của việc làm này là Quỹ BHYT của Đà Nẵng đã từ âm trên 57 tỷ đồng vào năm 2009 đã tồn quỹ gần 972 triệu đồng vào cuối năm 2012.
Khi mà các cơ sở y tế công lập thuộc thành phố Đà Nẵng đồng loạt tăng viện phí từ ngày 1-1-2013, các “đại sứ quán” hẳn sẽ hoạt động tích cực hơn để người nghèo càng thấy tấm thẻ BHYT đúng là “bùa hộ mệnh” của mình.
Đà Nẵng đến cuối năm 2012 có 820.400 người tham gia BHYT (chiếm 91,7% dân số) đăng ký KCB ban đầu tại 35 cơ sở y tế. So với mặt bằng chung cả nước, Đà Nẵng không chỉ người nghèo mà người cận nghèo cũng được ngân sách thành phố cấp miễn phí thẻ BHYT; hơn thế nữa, tiêu chuẩn cận nghèo theo chuẩn của Đà Nẵng cũng cao hơn quy định chung của cả nước, tức là mở rộng đối tượng cận nghèo được cấp miễn phí thẻ BHYT. Bác sĩ Đinh Văn Hiệp, Giám đốc BHXH thành phố Đà Nẵng |
VIÊN PHÚC QUÂN