.

“Đóng đô” ở khoa Nhi

.

Ôm phích nước đứng chờ trước cửa thang máy, gương mặt chị mệt mỏi, đôi mắt thất thần. Điểm nhìn rơi rớt ở đâu ngoài không gian mênh mông. Đó như là phác thảo chung cho những người mẹ đã phải chuyển hẳn vào Bệnh viện (BV) Phụ sản - Nhi Đà Nẵng để chăm sóc đứa con đứt ruột đẻ ra không may mắc bệnh hiểm nghèo.

 Bé Anh Thư và mẹ tại bệnh viện.
Bé Anh Thư và mẹ tại bệnh viện.

Cầu mong tất cả các bé khỏi bệnh

Theo con nằm viện đã 5 tháng nay, chị Lê Thị Kim Phương ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang mỗi ngày hàng chục lần di chuyển từ tầng 10 xuống tầng 2 để mua cơm, nước và hàng chục thứ linh tinh khác mà đôi khi ở nhà chỉ cần vài bước chân là có thứ mình cần. Nguyễn Bảo, con trai chị Phương, vừa tròn 4 tuổi, mắc bệnh ung thư máu.

Với bệnh nhân nhi bị ung thư, điều trị lâu dài rất tốn kém vì nhiều thuốc không có trong danh mục bảo hiểm, BV phải hỗ trợ cả vật chất và tinh thần cho cha mẹ cũng như các em. Đến nay quỹ dành cho bệnh nhi ung thư chưa có, nên nhiều sự hỗ trợ đến người bệnh phải trích từ Quỹ Bệnh nhân nghèo của khoa Nhi. Nếu có một nguồn quỹ riêng cho bệnh nhân ung thư, thiết nghĩ sự giúp đỡ sẽ có hiệu quả tức thì hơn và công bằng cho tất cả người bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Khoa Ung bướu, BV Phụ sản - Nhi

Cách đây 5 tháng, thấy con bị sốt cao, da tay chân bị bầm tím, uống thuốc hạ sốt không đỡ, vợ chồng chị đưa con đi khám, và được chỉ định ở lại luôn BV. Từ mùa hè qua mùa đông, vẫn chưa được về nhà lần nào vì Bảo bị sốt liên tục không thuyên giảm.

Bảo nằm im trên giường, gương mặt nhăn nhó vì đau, vì cơn sốt chưa giảm. Sau mấy lần truyền hóa chất, tóc rụng hết, có lần Bảo sờ đầu rồi hỏi mẹ “tóc đâu hết rồi?” khiến người mẹ trẻ càng thêm đắng lòng trước câu nói của con. Chị Phương bảo, từ ngày mắc bệnh, chưa lúc nào Bảo ngủ được một giấc trọn vẹn. Hầu như ngày nào bác sĩ cũng lấy máu kiểm tra và tuần nào cũng phải làm xét nghiệm máu. Nhìn đứa trẻ nhỏ nhoi chống đỡ với bệnh tật, không ai có thể yên lòng. Ông ngoại Bảo đã một lần cho cháu dòng máu nóng của mình. Ông nội Bảo thì lúc nào có thời gian lại nấu cháo mang xuống viện cho cháu.

Chị Phương làm công nhân cho một công ty điện tử ở Khu công nghiệp Hòa Cầm. Ngày Bảo nằm viện, chị được nghỉ việc 3 tháng. Giờ trở lại làm việc, chị cũng được về sớm hơn đồng nghiệp. Phần nhiều trong số hơn 70 triệu tiền thuốc điều trị cho Bảo đến giờ này, công ty cũng đã giúp cho chị. Đồng hành với đơn vị chị công tác là các nhóm tình nguyện luôn có mặt bất kể giờ nào trong ngày lúc Bảo cần máu nóng. Những tình cảm ấy, làm sao cân đong đo đếm được. Hằng ngày, người mẹ trẻ vẫn luôn cầu mong sức khỏe cho tất cả những em bé không may mắc bệnh ung thư, chứ không phải cho riêng con mình.

Để nỗi đau dịu lại

“Mỗi lần chọc tủy để xét nghiệm tủy, dù đã tiêm thuốc mê, thuốc gây tê, mấy đứa nhỏ co quắp cả cơ thể, hay khi bác sĩ truyền hóa chất, tiêm thuốc, đứa nào cũng không còn sức để khóc…”, lời kể đứt quãng, nấc nghẹn của chị Kim Phương như ám ảnh những người nghe chuyện. Sự đau đớn đã khiến cho nhiều bé điều trị ở khoa Nhi, dù mới nhập viện hay ở lâu dài, mỗi lần thấy bóng áo trắng của bác sĩ, điều dưỡng hay sự có mặt của người lạ là thảng thốt, bám chặt lấy mẹ như một sự bấu víu, muốn được chở che.

Chị Phương và con trai Nguyễn Bảo đang điều trị ở khoa Ung bướu, BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng.
Chị Phương và con trai Nguyễn Bảo đang điều trị ở khoa Ung bướu, BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng.

Khi con nhập viện, anh Hồ Hữu Bắc (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) tưởng rớt tay khi được bác sĩ thông báo con gái anh mới 20 tháng tuổi Hồ Thị Anh Thư mắc bệnh ung thư máu dòng tủy. Sau 2 tháng nhập viện, bé Anh Thư đã được truyền hóa chất 2 lần, đã 3 lần đổi phương thuốc điều trị. Giọng anh Bắc chùng xuống: “Bác sĩ khuyên nên đưa cháu vào TP. Hồ Chí Minh, nhưng thực sự chúng tôi lo không nổi, vào đấy chẳng quen ai, việc xin máu truyền cho cháu sẽ rất khó khăn nên chúng tôi xin ở lại, được chừng nào hay chừng ấy”.

Anh Bắc làm nghề thợ hồ, mới qua tuổi 40 mà mái tóc đổi màu muối tiêu. Anh bảo, từ hồi bé nằm viện đến giờ riêng tiền thuốc ngoài danh mục đã hết 10 triệu, đó là còn nhờ bảo hiểm trả hoàn toàn. Tiền đó hai vợ chồng dành dụm được một ít, còn lại là nhờ ông bà nội ngoại, về lâu dài cũng chưa biết tính sao vì ai cũng nghèo. Anh chị đang sống chung với ba mẹ, cũng không có tài sản gì riêng để cầm cố lo chữa bệnh cho con. Anh Thư bị thiếu máu tiểu cầu. Có tuần, bé cần truyền đến 2-3 lần, mỗi lần cần đến 4 người cho máu. Không lời nào để diễn tả được niềm biết ơn của anh Bắc tấm lòng của những người cho máu,  khi danh sách ngân hàng máu sống tình nguyện cứ mỗi ngày một dài thêm.

Người lớn, khi mắc bệnh biết mình đau ở đâu. Nhưng với trẻ con, hình như các em không còn biết mình đau ở đâu trên cơ thể xanh xao, gầy còm, nên tiếng khóc đôi khi chỉ còn là tiếng rên khe khẽ, ánh mắt buồn và nụ cười như lặn mất trên từng gương mặt. Đằng sau từng cánh cửa phòng bệnh là từng cơn đau, từng cuộc đời, không ai giống ai. Và nụ cười, nếu có, có lẽ từng bệnh nhi, từng người cha người mẹ sẽ để dành cho ngày ra viện, khi con lành bệnh.

Bên ngoài hành lang khoa Nhi sơ sinh, nhiều phụ nữ ngồi chờ thắc thỏm. Họ là bà ngoại, bà nội của từng em bé đang nằm trong các phòng bệnh. Hầu như đầu ai cũng hai thứ tóc, nhưng vẫn phải theo con, theo cháu ở viện từng ngày. Bởi chỉ có những người đã từng làm mẹ mới hiểu con mình đã phải đau đớn vượt cạn như thế nào, và có thể chịu thêm cú sốc khi em bé vừa mới chào đời đã phải tiêm thuốc, thở máy và chống chọi từng ngày để vượt qua giai đoạn nguy hiểm.

Bà Trần Thị Lệ, ở Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi theo con gái ra BV Phụ sản - Nhi đã ngót nghét một tháng. Cháu bà được sinh ra khi mới 32 tuần tuổi, được 1,5kg. Bà bảo “chỉ cầu mong cho hai mẹ con cứng cáp về nhà, nhưng cũng chưa biết đến bao giờ…”. Bà bỏ lửng câu nói.

Ở phòng Nhi sơ sinh, mỗi khi em bé được chuyển từ phòng thở máy sang các phòng khác; hoặc từ chuyền sữa bằng dây chuyền, bằng ống xi-lanh, bé được chuyển sang bú sữa mẹ cần cả tháng trời. Mỗi ngày ở viện dài như vô tận. Vậy mà có những em ở viện 3-4 tháng. Thương nhất là những em bé vĩnh viễn không được hưởng hơi ấm từ mẹ, khi  mẹ đã phải về với ông bà tiên tổ khi bé chào đời. Theo các bác sĩ, điều dưỡng ở đây, tỷ lệ em bé phải đơn côi ngay từ khi mới sinh khá nhiều. Do đó hơi ấm, tình cảm của các “từ mẫu” dành cho em; hay sự vỗ về của người thân dành cho em luôn nhiều hơn, như để hơi ấm lan đi, để nỗi đau lắng lại, vì một ngày mai tươi sáng…

Trẻ mắc bệnh ung thư thường là do có sự sai lệch và đột biến gene từ lúc còn trong bụng mẹ. Các nghiên cứu cho thấy có đến 65% trẻ bị đột biến gien trong thời kỳ còn là phôi thai. Nguyên nhân chính là do người mẹ nhiễm các chất phóng xạ hạt nhân và nhiễm hóa chất trong nông nghiệp, công nghiệp, môi trường ô nhiễm;  nhiễm các siêu vi trùng: Rubecom, viêm gan siêu vi B, Rubella, HIV… từ khi còn là bào thai.

Khi đột nhiên thấy trẻ có triệu chứng sốt, rét run và những biểu hiện giống như cảm cúm khác, bị nhiễm trùng thường xuyên, kém ăn, sưng đau hạch bạch huyết, sưng và chảy máu chân răng, vã mồ hôi (nhất là về đêm)... cha mẹ cần đưa con đi khám ngay vì đó có thể là những dấu hiệu ban đầu của ung thư máu. (Nguồn Internet)

HOÀNG NHUNG


Mọi sự ủng hộ bệnh nhân Nhi bị ung thư, xin gửi về Báo Đà Nẵng, 42 Trần Phú, số ĐT: 0905.832.222.

;
.
.
.
.
.