.

Lặng lẽ thân cò

.

Đàn bà có dáng đi sấp ngửa đều cực. Cụ ông ở hành lang bệnh viện (BV) nói với tôi như thế khi chỉ tay vào người phụ nữ tên Cúc đang tất tả mang hộp cơm vào cho chồng nằm trên giường bệnh. Hơn 10 năm qua, vợ chồng bà Cúc sống ở BV nhiều hơn ở nhà. Cũng từng ấy thời gian, bà nếm trải bao cay đắng, cơ cực những mong chồng sống thêm được ngày nào hay ngày đó…

Bà Huỳnh Thị Kim Cúc hơn 10 năm theo chồng đi viện.
Bà Huỳnh Thị Kim Cúc hơn 10 năm theo chồng đi viện.

Sáng nghĩa vợ chồng

Người phụ nữ quê Đức Phổ, Quảng Ngãi đó hơn 10 năm qua chẳng đêm nào tròn giấc vì mải lo cho người chồng bị căn bệnh ung thư hành hạ. Từng đó năm, bà Huỳnh Thị Kim Cúc thường đứng trong góc khuất, lặng lẽ khóc khi nghe tiếng rên trong cơn mê sảng của chồng. Thương người bao năm đầu ấp tay gối bị bệnh tật hành hạ, bà nghỉ việc buôn bán ở chợ, bán hết gia sản trong nhà đưa ông đi chữa trị khắp nơi. Từ BV Đức Phổ (Quảng Ngãi), Chợ Rẫy, Phạm Ngọc Thạch (TP. Hồ Chí Minh) đến BV Trung ương Huế. Rồi cuối cùng, bà Cúc quyết định đưa chồng ra điều trị lâu dài tại Khoa Ung bướu, BV Đà Nẵng những mong việc di chuyển dễ dàng hơn. Sau khi kể về căn bệnh ung thư thận giai đoạn 4 của chồng, bà Cúc rơm rớm nước mắt: “Một ngày là vợ chồng thì suốt đời sống sao cho phải đạo. Cực khổ mấy tôi cũng chịu, chỉ mong ông ấy sống thêm với mẹ con tôi được ngày nào hay ngày đó”.

Để tiết kiệm chi phí, ngày chăm chồng, đêm bà trải chiếu nằm ngay dưới giường ông để ngủ. Mờ sáng, chỉ cần nghe thông tin dưới hành lang BV có đoàn phát cháo từ thiện, bà lại bật dậy xách cà-mèn đi xin cháo làm bữa ăn cho hai vợ chồng. Bà bảo, nhà cửa bây giờ nguội lạnh, vườn tược cỏ mọc um tùm. Có lần, từ BV về, bà muốn quỵ xuống khi thấy đàn gà 20 con nằm chết la liệt trong chuồng vì đói.

Tương tự bà Cúc, chị Nguyễn Thị H. (Duy Xuyên, Quảng Nam) đang chăm chồng tại khoa Thận nhân tạo, BV Đà Nẵng đã phải đi bán vé số, kiếm tiền trang trải chi phí ăn ở, chữa bệnh cho chồng. Anh Truyện, chồng chị vốn là người đàn ông khỏe mạnh, xốc vác, nay bị bệnh tiểu đường, huyết áp cao lẫn suy thận nặng khiến lòng chị đau như cắt nhưng không biết phải làm sao. Từ ngày chồng mang trọng bệnh, lúc nào người ta cũng thấy chị H. vội vội vàng vàng như sợ thời gian không đủ cho chị vừa chăm chồng, vừa kiếm sống. Số tiền kiếm được, chị thuê cho hai vợ chồng căn phòng trọ nằm ở tầng 4, chung tòa nhà với khoa Ung bướu, BV Đà Nẵng với giá 600.000 đồng/tháng để chồng nghỉ ngơi, tịnh dưỡng sau mỗi lần chạy thận. Chị H. tâm sự: “Từ quê ra lạ nước lạ cái nên chẳng dám đi đâu xa, chỉ bán quanh quẩn nơi bệnh viện hoặc ra ngoài một lát rồi quay vào. Trước giờ tôi chưa hề bán vé số nên lúc đầu ngại lắm, cũng may nhiều người khi biết hoàn cảnh của hai vợ chồng nên mua ủng hộ giúp tôi có động lực để đi bán tiếp”. Ngoài ra, từ những người xa lạ, chị H. cùng một số chị em chăm chồng tại đây quyết định “góp gạo thổi cơm chung”, phân công nhau chợ búa, cơm nước, hỗ trợ nhau trong việc chăm sóc người bệnh mà trở thành thân thiết như chị em trong gia đình.

Vợ chồng anh Mỹ, chị Lan bao năm lấy hành lang BV làm nơi trú ngụ.
Vợ chồng anh Mỹ, chị Lan bao năm lấy hành lang BV làm nơi trú ngụ.

Canh cánh nỗi lo

Bên cạnh nỗi lo cơm áo gạo tiền trong những ngày theo chồng vào viện, thì nay, thông tin về việc đồng loạt tăng viện phí tại các cơ sở y tế công ở Đà Nẵng đã đè nặng lên mọi cố gắng, nỗ lực vì chồng con của những người đàn bà như bà Cúc, chị H. Dù danh mục được chi trả BHYT ở nước ta có trên 20.000 loại thuốc, kể cả các loại có tác dụng hỗ trợ điều trị, vitamin, thuốc bổ, khoảng 30 loại thuốc điều trị bệnh ung thư, thuốc ức chế miễn dịch rất đắt tiền, nhưng người nghèo mắc bệnh nan y vẫn chưa hết khổ khi phải đồng chi trả từ 5-20% chi phí chữa trị. Chưa kể, từ ngày 1-1-2013, gần 450 dịch vụ khám, chữa bệnh tại hầu hết các cơ sở y tế công ở Đà Nẵng đồng loạt tăng viện phí đã trở thành gánh nặng thật sự với những ai lấy BV làm nhà.

Đơn cử, tại BV Đà Nẵng, phí đăng ký khám bệnh tăng từ 3.000 đồng lên 15.000 đồng/lần, phẫu thuật đặc biệt tăng từ 2,5 triệu đồng lên 3,5 triệu đồng, tiền giường hồi sức tích cực từ 80.000 đồng lên 257.000 đồng. Ngoài một số hạn mục tăng viện phí, bác sĩ Nguyễn Hữu Đa, Trưởng khoa Thận nhân tạo, chia sẻ, giá cho mỗi lần chạy thận tại đây vẫn giữ nguyên 300.000 đồng/lần. Đây là động thái tích cực nhằm chia sẻ bớt khó khăn cho người bệnh. Bởi hầu hết bệnh nhân suy thận mãn tính đều điều trị năm này qua năm khác nên tài sản trong nhà khánh kiệt. Thực tế không ít trường hợp bệnh nhân đã bỏ điều trị hoặc cắt giảm số lần điều trị vì không đủ tiền chi trả. Nếu tình trạng bỏ chạy thận kéo dài, bệnh nhân sẽ phù phổi cấp, suy tim dẫn đến tử vong là điều chắc chắn.

Hơn 3 năm qua, không đủ tiền đi đi về về trong sau mỗi lần chạy thận, anh Nguyễn Mỹ, quê Quế Sơn (Quảng Nam) cùng vợ coi hành lang BV làm nơi trú ngụ mỗi ngày. Suy thận mãn tính giai đoạn cuối, anh Mỹ mỗi tuần chạy thận 3 lần, mỗi lần đồng chi trả khoảng 80.000 đồng. Số tiền này anh trông chờ chủ yếu vào sự giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm. Ngồi cùng chồng trên manh chiếu cũ, chị Nguyễn Thị Lan, vợ anh nghẹn ngào: “Ngoài thời gian chăm sóc chồng, tôi xin phụ rửa chén cho các quán ăn để có tiền trang trải mọi chi phí. Nhiều đêm nằm nơi hành lang lạnh lẽo, vợ chồng tôi không khỏi lo lắng, nhớ thương 3 đứa con thơ đang gửi nhờ bà nội chăm sóc. Đôi lúc muốn nhảy xe buýt về thăm con nhưng vẫn phải dè xẻn từng đồng để trả phí điều trị, ăn uống của hai vợ chồng nên đành chôn chặt nỗi nhớ thương con vào lòng”. Có lẽ, đó không chỉ là tâm sự của riêng vợ chồng chị Lan, mà của tất cả những ai làm cha, làm mẹ đang từng ngày chống chọi với nỗi đau bệnh tật.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.