.

3 anh em cùng được đặt tên đường

Đó là các ông Hồ Nghinh, Hồ Thấu và Hồ Liên (Hoàng Bích Sơn), người làng Đông Yên, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; nay là xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Hồ Nghinh (1913-2007) lúc nhỏ học tiểu học ở quê, sau ông ra Huế học ở Trường Quốc học, cùng lớp với Võ Nguyên Giáp. Do tham gia đấu tranh bãi khóa đòi ân xá Phan Bội Châu, truy điệu Phan Châu Trinh, ông bị bắt và bị kết án tù 2 năm.

Tháng 8 năm 1945, ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, được cử làm Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên. 4 năm sau, ông được bầu vào Tỉnh ủy, rồi được cử vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách Mặt trận Liên Việt Quảng Nam-Đà Nẵng cho đến năm 1954. Năm 1955, ông được Khu ủy cử ra miền Bắc bằng con đường hợp pháp rồi được điều về Ban Liên hiệp đình chiến (gồm cả sĩ quan Pháp và Việt Nam).

Năm 1959, ông trở về chiến trường miền Nam tham gia chiến đấu và kinh qua các chức vụ Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà (1962-1972), Ủy viên Thường vụ Khu ủy V, Ủy viên Chủ tịch đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong Đại hội Mặt trận lần thứ nhất (2-1962).

Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh sau năm 1975, với tư cách Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng, ông có công lớn trong việc chỉ đạo cải tạo công thương nghiệp theo cách riêng của mình, thuyết phục được lãnh đạo ngành Thủy lợi và các quan chức lãnh đạo kinh tế Trung ương cho phép xây dựng đập Phú Ninh để giải quyết vấn đề kinh tế, dân sinh của tỉnh trong điều kiện nguồn vốn xây dựng cơ bản còn rất eo hẹp. Nhờ đó, 25.000ha đất cằn cỗi chiếm nửa tỉnh phía Nam từ một vụ lúa bấp bênh, năng suất thấp thành cánh đồng lúa hai vụ bội thu.

Tại Đại hội khóa V, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1982, ông được cử làm Phó ban Kinh tế Trung ương cho đến khi nghỉ hưu. Năm 2006, ông được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Ông mất ngày 16-3-2007 tại thành phố Đà Nẵng.

Năm 2003, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phối hợp với tủ sách Đất Quảng xuất bản cuốn sách Hồ Nghinh - một chiến sĩ, một con người gồm trên 40 bài viết của những đồng chí, bạn bè chiến đấu trong hơn 60 năm hoạt động cách mạng. Đầu tháng 8-2012, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Hồ Thấu (1918-1949) là nhà thơ, chiến sĩ cách mạng, theo học tại Hội An, Huế. Sau tháng 8 năm 1945, ông tham gia kháng chiến chống Pháp tại Quảng Nam. Năm 1947-1949, ông bị lao phổi, điều trị một thời gian ở Bệnh viện Dân y Quảng Nam tại Cây Sanh (nay là xã Tam Dân, huyện Phú Ninh) rồi về nghỉ bệnh tại làng Kim Đái (nay là xã ven biển Tam Anh, thành phố Tam Kỳ) và mất tại đây.

Ông đã để lại những huyền thoại, thi thoại hiếm có trên thi đàn Việt Nam giữa thế kỷ XX. Ông nổi tiếng với bài Gởi Phạm Văn Kỳ (một đồng chí thiết thân như ruột thịt của ông ở chiến trường Quảng Đà thời ấy) với những câu mà một số nhà nghiên cứu vẫn cho là văn chương khuyết danh hay dân gian như: “Với đời, ta chết từ lâu/ Với ta, đời vẫn một màu tươi son/ Nằm đây, thân đã héo mòn/ Miếu con là mộ, giường con là hòm/ Mắt đời ngừng cửa hoàng hôn/ Trông đây người chết linh hồn hồi sinh…”. Trước khi từ giã cõi đời, ông đã để lại những câu thơ bất hủ như: Chiến trường ai khóc chia phôi/Khải hoàn, ai nhắc đến người hôm qua...

Những huyền thoại, thi thoại đó đã nói lên cái bi hùng của người chiến sĩ kháng chiến, hy sinh tất cả mà không đòi hỏi, tính toán, so bì và không người nào lo mưu cầu một đời sống yên ấm cá nhân...

Hồ Liên (1924-2000) khi tham gia cách mạng lấy tên là Hoàng Bích Sơn, nhà hoạt động chính trị. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ trước năm 1945, làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận.

Ông từng kinh qua các chức vụ Chánh Văn phòng Ủy ban Thống nhất của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (trước 1969), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969-1976), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đồng thời kiêm chức Trưởng ban Việt kiều Trung ương (1976), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI (1986-1991), Trưởng ban Đối ngoại Trung ương khóa VI (1986-1991), Đại biểu Quốc hội khóa VIII (1987-1992), khóa IX (1992-1997), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

Vì có nhiều đóng góp cho cách mạng trên mặt trận ngoại giao và chính trị, ông được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều huân chương cao quý.

Ghi nhận những đóng góp của 3 anh em cùng một nhà cho quê hương và đất nước, thành phố Đà Nẵng đã đặt tên 3 ông cho 3 con đường trên địa bàn phường Phước Mỹ và An Hải Bắc, quận Sơn Trà. Đường Hồ Nghinh dài 1,82km, rộng 15m, từ đường 21m đang thi công đến đường Nguyễn Công Trứ; đường Hồ Thấu dài 400m, rộng 11,25m, từ đường Hoàng Sa đến đường 7,5m chưa đặt tên; đường Hoàng Bích Sơn dài 740m, rộng 7,5m, từ đường 5,5m chưa đặt tên đến đường Phạm Văn Đồng.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.