1. Khi đặt vấn đề Nhà trí thức Hồ Nghinh luôn đồng hành cùng cách mạng và dân tộc là chúng ta muốn tiếp cận ông Hồ Nghinh từ giác độ một người trí thức tham gia công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Rất nhiều người từng viết và nói về ông từ góc độ này. Có người đã khái quát hình ảnh ông qua một câu nhại Kiều quen thuộc: Nho cốt cách Mác tinh thần, ý nói ở ông Hồ Nghinh có sự hội tụ giữa phẩm chất của người trí thức cổ truyền - Nho cốt cách với phẩm chất của người trí thức hiện đại - Mác tinh thần.
Mừng ngày đại thọ. (Ảnh tư liệu) |
Tất nhiên cần thấy Nho cốt cách Mác tinh thần ở đây hoàn toàn không có nghĩa là vừa Nho vừa Mác, mỗi thứ một nửa theo kiểu tân-cổ giao duyên. Hai triết thuyết lớn của nhân loại bằng con đường đi của lịch sử đã du nhập vào nước ta cái trước cái sau và tạo nên ở ông Hồ Nghinh sự hợp trội - là một tính chất được xem là cơ bản nhất của hệ thống phức tạp, có thể diễn tả vắn tắt như sau: một toàn thể là nhiều hơn, là phong phú hơn tổng của các thành phần. Có lẽ ông Hồ Nghinh trở nên rất… Hồ Nghinh chính là nhờ sự hợp trội này. Và cũng chính nhờ sự hợp trội này mà không ít người cho rằng ở ông có một phong cách rất gần với phong cách Hồ Chí Minh.
Tiếp cận Hồ Nghinh từ giác độ một người trí thức tham gia công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng chính là đã tiếp cận ông từ giác độ một nhà lãnh đạo luôn lấy thực tiễn làm thước đo chân lý. Trong chiến tranh, mọi quyết định của người lãnh đạo chỉ huy đều mang tính chất sinh tử sống còn, đều có thể phải trả giá bằng máu xương của đồng bào đồng chí, cho nên người trí thức đúng nghĩa, nhất là một trí thức Nho cốt cách Mác tinh thần như ông không thể nào không lấy thực tiễn làm thước đo chân lý. Tuy nhiên khi đặt vấn đề Hồ Nghinh - nhà lãnh đạo luôn lấy thực tiễn làm thước đo chân lý là chúng ta muốn tiếp cận ông với tư cách một người lãnh đạo địa phương không phải trong chiến tranh mà là trong hòa bình.
Vào thời điểm được giao giữ trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng sau giải phóng, Hồ Nghinh đã bước qua tuổi sáu mươi ba. Ở vào tuổi này, cái gọi là thực tiễn thường dễ bị gây nhiễu bởi sự từng trải, nói khác đi dễ có khả năng trở thành một thứ hiện-thực-đã-kinh-qua chứ không phải là một thứ hiện-thực-như-đang-đến. Trong chiến trận, ông hoàn toàn có thể dùng kinh nghiệm đã tích lũy được, thậm chí có thể dùng sự nhạy cảm - thực chất cũng là sản phẩm của kinh nghiệm - để lãnh đạo chỉ huy; nhưng giờ đây trong hòa bình, khi mà hiện-thực-như-đang-đến của một Quảng Nam-Đà Nẵng sau giải phóng có quá nhiều đổi thay so với hiện-thực-đã-kinh-qua suốt mấy chục năm chiến tranh, mọi quyết định của ông nhất thiết phải dựa vào những quan sát trực tiếp và luôn được cập nhật từ thực tiễn không ngừng vận động, mới mẻ và thậm chí lạ lẫm với một người từng trải trong chiến trận như ông. Cho nên trên cương vị một Bí thư Tỉnh ủy, ông Hồ Nghinh bắt đầu nhìn sâu vào thực tiễn của đất Quảng nói riêng và của đất nước nói chung vừa bước ra khỏi hai cuộc chiến tranh.
Còn nhớ hồi ấy Tố Hữu có hai câu thơ hào sảng: “Tôi lại nhìn như đôi mắt trẻ thơ - Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ”. Nhìn như đôi mắt trẻ thơ là nhìn thẳng vào hiện-thực-như-đang-đến và giống như Tố Hữu, ông Bí thư Tỉnh ủy sáu mươi ba tuổi của chúng ta đã nỗ lực khám phá hiện-thực-như-đang-đến sau giải phóng bằng đôi mắt trẻ thơ. Tuy nhiên nhiều điều ông tận mục sở thị không hoàn toàn giống thậm chí không giống với những gì ông hình dung, khác thậm chí khác xa với những gì ông trải nghiệm trong hiện-thực-đã-kinh-qua, nhưng lại rất thật. Cho nên khác với Tố Hữu, nhờ nỗ lực khám phá hiện-thực-như-đang-đến bằng đôi mắt trẻ thơ, nhờ lấy thực tiễn làm thước đo chân lý mà ông Hồ Nghinh lúc này vẫn chưa thể cảm nhận một cách lãng mạn rằng Tổ quốc ta đang đẹp hơn bao giờ hết.
Cũng nhờ nỗ lực khám phá hiện-thực-như-đang-đến bằng đôi mắt trẻ thơ, nhờ lấy thực tiễn làm thước đo chân lý mà ông cảm thấy khi mơ hồ lúc rõ rệt rằng, để có được thời khắc Tổ quốc ta chưa đẹp thế bao giờ thì vẫn còn quá nhiều việc phải làm, và sẽ phải làm một cách nhọc nhằn không kém gì những năm tháng chiến tranh. Và cũng chính nhờ nỗ lực khám phá hiện-thực-như-đang-đến bằng đôi mắt trẻ thơ, nhờ lấy thực tiễn làm thước đo chân lý mà ông được người đương thời cùng hậu thế nhớ đến như một nhà lãnh đạo có công đầu trong việc bảo tồn hai di sản văn hóa thế giới ngay trên đất quê hương là đô thị cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn…
2. Trong thư mời viết tham luận cho hội thảo này, Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng có gợi ý rằng các tác giả tham luận có thể thể hiện những ấn tượng, tái hiện những kỷ niệm sâu sắc của mình về ông Hồ Nghinh qua những năm tháng cùng công tác và chiến đấu với ông. Những hồi ức khó mờ phai ấy không chỉ nhằm làm rõ hình ảnh Hồ Nghinh với tư cách là một trí thức luôn đồng hành cùng cách mạng và dân tộc hay một người lãnh đạo luôn lấy thực tiễn làm thước đo chân lý, mà còn là và chủ yếu là góp phần hình dung ông như một con người giàu tình nghĩa. Là một trí thức luôn đồng hành cùng cách mạng và dân tộc hay một người lãnh đạo luôn lấy thực tiễn làm thước đo chân lý, hình ảnh Hồ Nghinh hiện lên trên cận cảnh đầy trí tuệ và minh triết. Tuy nhiên, ông Hồ Nghinh như mọi người thường nhắc đến còn là một người đầy cảm xúc, sống có tình có nghĩa có thủy có chung, và chính cái phần tình cảm này càng làm cho cái phần lý trí của ông trở nên… Hồ Nghinh hơn - nghĩa là sâu lắng và sắc sảo hơn.
3. Vấn đề cuối cùng là Vai trò của ông Hồ Nghinh trong sự nghiệp Đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Có thể nói ông Hồ Nghinh đã đóng góp vào sự nghiệp Đổi mới đất nước ngay từ những năm ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng. Đóng góp bằng những điều mà nhờ lấy thực tiễn làm thước đo chân lý ông đã quyết định đúng - không những đúng mà còn mang tính tiên giác - và đóng góp bằng cả những điều do không vượt qua được lỗi hệ thống ông đã quyết định không đúng với quy luật phát triển và đòi hỏi của thực tiễn. Tuy nhiên thời điểm ông góp phần đáng kể vào quá trình đổi mới tư duy của Đảng chính là lúc ông rời quê nhà ra Hà Nội giữ chức Phó ban Kinh tế Trung ương.
Người giữ vai trò kiến trúc sư trưởng của công cuộc Đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo hồi ấy là ông Trường Chinh, đó là điều đã được lịch sử thừa nhận. Tuy nhiên có không ít thông tin cho thấy dường như ông Phó ban Kinh tế Trung ương thân quý của chúng ta cũng có tác động đáng kể đến quá trình đổi mới tư duy của ông Tổng Bí thư ngay đêm-trước-của-đổi-mới. Chắc chỉ là nhàn đàm trà dư tửu hậu giữa hai bậc tiền bối cách mạng thôi chứ không phải họp hành làm việc chính thức gì cả, nhưng những gì ông Hồ Nghinh trao đổi bộc bạch lúc này - bằng tất cả sự trải nghiệm thực tế hơn sáu mươi năm, bằng tâm huyết của một người từng vào sinh ra tử một lòng một dạ trung thành với Đảng với Dân và bằng cả cái chất giọng Quảng Nam hay cãi, có lẽ đã góp phần tạo nên trong ông Trường Chinh một ấn tượng sâu đậm, thậm chí một cú hích tư duy đủ để người hai lần giữ chức Tổng Bí thư có thể từ bỏ những cách nghĩ cách nhìn quen thuộc song đã lỗi thời.
BÙI VĂN TIẾNG