Trong nửa thế kỷ qua, hai cuộc kháng chiến và đổi mới là ba sự kiện tầm cỡ vượt khỏi phạm vi quốc gia. Ông Hồ Nghinh là người đã tham gia vào cả 3 sự kiện đó, và trong sự kiện nào, ông cũng chọn cho mình một chỗ đứng để suy nghĩ và đóng góp.
Đồng chí Hồ Nghinh (giữa, áo trắng) hướng dẫn đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm đại công trình thủy nông Phú Ninh. (Ảnh tư liệu) |
Hy sinh để làm gương
Đọc tiểu sử của ông Hồ Nghinh, không thể không chú ý đến chi tiết: “Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đến ngày Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng, chỉ trừ vài năm được Trung ương điều động ra Bắc học tập, chữa bệnh, ông luôn sống, chiến đấu trên chiến trường Quảng Đà”.
Không chỉ bám trụ trên chiến trường Quảng Đà - chiến trường ác liệt nhất ở Khu 5 thời đó, ông còn là người luôn đứng ở phía trước, nơi đầu sóng ngọn gió, giáp mặt với quân thù. Ở vị trí đó, hơn ai hết, ông đã trực tiếp chứng kiến lòng quả cảm, sự hy sinh vô bờ bến của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và từ đó nghiệm ra cái sức mạnh lớn lao của chủ nghĩa yêu nước, của chiến tranh nhân dân. Ở vị trí đó, ông là người chia sẻ, đồng cam cộng khổ với những khó khăn, đau thương, mất mát và cả những niềm vui sướng, hạnh phúc của những người cộng tác với ông.
Phải chăng từ chỗ đứng đó, đã hình thành nên phương pháp tư duy, phương pháp tư tưởng; hình thành nên những “quyết định chỉ đạo sắc bén, sát thực tế, phát huy được sức mạnh sáng tạo của nhân dân trong cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh vừa qua” (*). Ông là người tổ chức và chỉ đạo sâu sát; là tấm gương cổ vũ cho mọi người, cũng lại là chỗ dựa tinh thần, là niềm tin, là ngọn cờ tập hợp cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Quảng Đà.
Chuyện kể rằng, sau Mậu Thân (1968), cuộc đối đầu với chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ-ngụy ở chiến trường Quảng Đà trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Địch cày đi xới lại từng tấc đất, đánh trốc các lực lượng của ta ra xa dân. Trong tình thế một mất một còn đó, ông quyết định chuyển bộ phận đầu não của Đặc Khu ủy về đứng ở Gò Nổi - nơi bị địch cày trắng và đánh phá khốc liệt nhất ở Quảng Đà. Một số cán bộ lãnh đạo do dự, can ngăn, nhưng ông quả quyết: “Việc cần nhất của mình lúc này là có mặt tại chỗ”. Ông lập luận: “Tôi mà đứng ở đây thì dù có ác liệt tới mấy chắc cũng không có Bí thư Huyện ủy nào bỏ huyện của mình mà chạy. Bí thư các huyện mà còn trụ bám thì chắc chắn Bí thư các xã cũng sẽ trụ bám theo. Bí thư xã mà trụ bám thì sẽ không có đảng viên nào bỏ dân”. Rồi ông nói như đinh đóng cột: “Còn đảng viên thì sẽ còn dân trụ lại, địa bàn sẽ còn, phong trào sẽ còn”. Phương châm “Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám địch, trên bám dưới” từ đó mà ra. Câu nói cửa miệng của cán bộ nằm vùng thời đó là: “Còn dân còn tất cả, mất dân mất tất cả”.
Để nắm được dân, hiểu lòng dân, không có cách nào hơn là “đảng viên phải đi trước”. Trong thời kỳ đạn bom ác liệt, “đi trước” cũng có nghĩa là chấp nhận hy sinh. Người ta bảo ông dũng cảm, ông chỉ cười “không dũng cảm thì làm răng chừ”. Phong thái của ông là vậy: giản dị trong từng câu nói, giản dị đến từng hành vi, nhưng cũng từ sự giản dị đó, ánh lên một triết lý thu phục con người.
Ngày nay, người ta nói nhiều về chuyện nêu gương, nhưng dường như không ai chịu hy sinh (chỉ là chấp nhận thiệt thòi). Hy sinh lợi ích vật chất trong thời bình không biết có khó hơn sự hy sinh tánh mạng trong thời chiến không, nhưng có nhiều người không làm được. Bởi vậy, cuộc chiến xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày nay cũng ác liệt không kém cuộc chiến trên chiến trường Quảng Đà năm xưa.
Thu phục nhân tâm
Lại có chuyện về ông rằng, ngày thứ hai giải phóng Đà Nẵng, ngày 30-3-1975, ông đã chạy vạy lo việc cứu đói cho dân. Cách cứu đói của ông cũng khác người. Ông ra lệnh xuất gạo thu được trong kho để cứu tế, cứu đói cho dân (1); hỗ trợ mọi điều kiện để người dân trở về quê cũ làm ăn. Ông căn dặn những người thực hiện chủ trương này không được phân biệt tầng lớp, giai cấp hay đối tượng nào cả; dù họ là cán bộ, đảng viên, cơ sở quần chúng cách mạng hay vợ con và bản thân các binh lính, sĩ quan của chế độ cũ.
Sau đợt này, chính quyền cách mạng đã “xuất hơn 400 tấn gạo cứu tế, 240 tấn gạo cứu đói, bán chịu 1.500 tấn cho dân” (2). Tại Hội An, những ngày đầu giải phóng, nhu cầu cứu đói cũng khẩn cấp không kém. Khi các đồng chí Thường vụ Thị ủy xin ý kiến ông để cứu đói cho dân từ số gạo thu được, không một chút đắn đo, ông nói: “Như thế là đúng quá, các anh đừng chia nhau là tốt rồi, cứu dân là đúng!” (3).
Chính chủ trương linh hoạt, giàu lòng nhân ái, bao dung đó của ông đã góp phần nhanh chóng ổn định tình hình Đà Nẵng, Quảng Nam; và cũng không có “cuộc tắm máu” nào diễn ra tại Đà Nẵng như người ta lo lắng. Ngay sau khi ổn định tình hình, ông đã sớm bàn với Tỉnh ủy xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh, góp phần khôi phục, phát triển kinh tế QN-ĐN sau ngày giải phóng. Nói về công trình Phú Ninh, văn kiện của Tỉnh ủy viết: “Công trình thủy lợi Phú Ninh là một cuộc vận động sức người, sức của lớn chưa từng có của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh sau ngày quê hương giải phóng. Công trình có một ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc khẳng định quyết tâm xây dựng đời sống mới của quân và dân QN-ĐN”(4).
Khi đưa ra những chủ trương cụ thể này, dường như ông còn nghĩ đến điều gì sâu xa hơn. Dân tộc ta đã trải qua bao cuộc chiến tranh, thắng lợi này là thắng lợi chung của dân tộc. Nhưng làm sao để ai cũng nhận ra điều này, không mặc cảm, không hận thù, cùng nhau góp sức dựng xây lại đất nước. Đó là cơ sở để thực hiện hòa hợp dân tộc, để vực dậy và phát huy tiềm năng vô hạn trong các tầng lớp nhân dân, động viên sự đóng góp của mọi giai tầng trong công cuộc kiến thiết vĩ đại sau ngày toàn thắng. Nhưng tiếc thay, tư tưởng này của ông đã không lan tỏa rộng. Có một thời kỳ, sự hẹp hòi, thành kiến và đố kỵ đã làm tổn thương tình cảm dân tộc, xa rời đạo nghĩa “người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Hồi còn chống gậy đi lại trên núi Hòn Tàu, ông đã nói với Nguyễn Đình An, sau này thành nhà quản lý và nghiên cứu văn hóa của QN-ĐN: “Khi giải phóng Đà Nẵng, phải có kế hoạch bảo vệ Musee Chàm”. Sau ngày về tiếp quản Đà Nẵng không lâu, nhiều người kể, ông đã can thiệp để giữ lại đô thị cổ Hội An, Mỹ Sơn không trở thành phế tích. Đang đánh giặc, thậm chí còn ở thế giằng co với giặc, ông đã nghĩ đến ngày dựng xây lại đất nước. Ông mường tượng sự nghiệp ấy lớn lao lắm, vĩ đại lắm, không thu phục nhân tâm, không dựa vào sức mạnh của toàn dân thì không dễ gì thắng được. Bởi vậy, khi đưa ra chủ trương gì, ông cũng nghĩ đến Nhân Dân, dù đó là người lao động, trí thức hay công thương gia...
Một chủ trương lớn như cải tạo công thương nghiệp, ông cũng chỉ đạo không làm “rập khuôn” theo các đô thị khác ở miền Nam. Ông bảo “Trung ương đã chỉ đạo thì không thể không chấp hành, nhưng phải làm sao cho hiệu quả; tránh gây hại cho dân!”. Ông cho rằng, Đà Nẵng tuy là thành phố lớn thứ 2 ở miền Nam, song tại đây không có, hoặc có rất ít nhà tư sản mại bản (có quyền lợi gắn với đế quốc Mỹ và tay sai, phản bội lại quyền lợi dân tộc), mà đa số là tư sản dân tộc - những người này đều đóng góp, giúp đỡ cách mạng và giúp đỡ chính bản thân ông. Vì vậy, phải để họ tồn tại, tạo điều kiện cho họ góp công sức cùng các thành phần khác phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Ông nói “Cải tạo là để phát triển chứ không phải cải tạo là dẹp bỏ họ đi”. Ông đã cùng với tập thể Thường vụ Tỉnh ủy quyết định giảm số lượng các nhà tư sản phải cải tạo tại Đà Nẵng, từ hơn 30 theo danh sách Trung ương đề nghị, xuống còn 14 và sau đó chỉ còn 9 người. Qua các đợt cải tạo, Đà Nẵng có đến 21 cá nhân và 2 tập thể viết đơn xin hiến tài sản cho Nhà nước.
Tỉnh ủy QN-ĐN đã thực hiện chủ trương cải tạo tư bản, tư doanh một cách thận trọng, nhưng đầy sáng tạo và hiệu quả, ngay cả trong xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã nghề cá. Tỉnh còn tổ chức cho tiểu thương hình thành các tổ hợp tác kinh doanh các ngành hàng vải, điện máy, may mặc… vốn bị cấm đoán thời đó. Đặc biệt, chủ trương thành lập các công ty “công tư hợp doanh” trên các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, giao thông vận tải… là nét độc đáo, góp phần giải quyết rất nhiều khó khăn lúc bấy giờ.
Thời đó, nhiều người còn muốn dẹp bỏ cả các hàng quán chỉ vì cái lẽ “đời sống còn khó khăn”, nhưng, ông bảo “Sống trong hòa bình, tự do, dù còn đói, nhưng phải hiểu rằng uống cafe, ăn quà sáng, tối là nếp sống bình thường của thị dân”. Và nhờ đó, ngành hàng ăn uống của tỉnh được tổ chức lại; các thương hiệu về dịch vụ ăn uống của Đà Nẵng thời đó, như Triều Châu, Tự Do, Kim Đô… được giữ lại. Sự nhạy cảm ngay cả với những cái thuộc quá khứ đang níu kéo hoặc thôi thúc hành động của con người hiện tại giúp ông nhìn ra nhiều vấn đề lớn. Yêu nước có cả trăm ngàn phương thức thể hiện, ông nghĩ, phải làm sao cho ai cũng có chỗ thể hiện được lòng yêu nước của mình.
Những năm đó, đất nước rơi vào khủng hoảng nặng nề do căn bệnh “thừa thắng xông lên để sớm có chủ nghĩa xã hội”. Kinh tế khó khăn, đời sống bế tắc, một số chủ trương quản lý các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh quá cứng nhắc và tình trạng kỳ thị thành phần… đã làm triệt tiêu nhiều nguồn lực trong xã hội. Vốn là người dị ứng với căn bệnh giáo điều, ông nghĩ, không có một đòi hỏi nào mà không có lối ra. Chỉ cần thực sự cầu thị, dám vượt qua chính mình, chân thành lắng nghe và trân trọng tiếp thu những tiếng nói trung thực của mọi con dân Việt vốn nặng lòng với đất nước; mở rộng dân chủ để mọi sáng kiến, mọi kế sách tâm huyết đến được những nơi cần đến thì sẽ có đường ra.
Từ đòi hỏi của thực tiễn, ông bàn với Tỉnh ủy ra Chỉ thị 03 (ngày 12-2-1982), Nghị quyết 03 (ngày 10-3-1982). Đây có thể là những chủ trương “đi trước”, “xé rào” trong đêm “trước đổi mới” của đất nước mà ông là người khởi xướng. Nghị quyết viết: “Thương nghiệp phải chuyển sang kinh doanh là chính, thu hẹp dần mặt hàng cung cấp hiện vật bằng bù giá vào lương nhằm từng bước xóa bỏ bao cấp, khắc phục mặt tiêu cực và lãng phí trong phân phối lưu thông, góp phần ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, trước mắt là đời sống công nhân, viên chức và bộ đội” (5). Trong bối cảnh cả nước còn ngăn sông cấm chợ, ông đã khai mở cho lĩnh vực phân phối lưu thông phát triển, theo cách hiểu ngày nay là kinh tế thị trường.
Từ những chủ trương táo bạo đó, bắt đầu xuất hiện những đánh giá trái chiều, ngộ nhận về ông, từ một số cán bộ ở Trung ương và địa phương, cả khi ông được điều ra Hà Nội làm Phó ban Kinh tế Trung ương. Và có lúc ông phải sống lặng lẽ, đơn độc. Bây giờ, sau 25 năm đổi mới, đúng sai đã rõ; những suy nghĩ và việc làm mang tính độc lập, sáng tạo của ông đã được thực tiễn chứng minh là đúng, mới thấy tầm tư duy, suy nghĩ của ông lớn lao làm sao. Nhờ có nền học vấn sâu rộng, ông không chỉ có tầm nhìn bao quát những vấn đề lớn của đất nước, mà còn bao dung, thấu hiểu cả những nỗi niềm thầm kín trong tâm khảm nhân dân.
Trong nửa thế kỷ qua, hai cuộc kháng chiến và đổi mới là 3 sự kiện tầm cỡ vượt khỏi phạm vi quốc gia. Ông là người đã tham gia vào cả 3 sự kiện đó, và trong sự kiện nào, ông cũng chọn cho mình một chỗ đứng để suy nghĩ và đóng góp. Trong sự kiện thứ 3, ông là một trong những người góp công “khai mở”. Ông đã sống và chiến đấu vì Nhân Dân, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng Nhân Dân. Nhà nước đã ban tặng các danh hiệu cao quý cho ông, nhưng được sống trong lòng dân là tưởng thưởng cao nhất của đời ông.
Thực tiễn đất nước đang đòi hỏi phải đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện hơn nữa; phá vỡ cho được những công thức, những bức tường thành ngăn cản sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Những lúc này, người ta càng nhớ đến ông, mong có nhiều ông Hồ Nghinh hơn nữa.
VÕ CÔNG TRÍ
(*) Những đoạn in nghiêng trích từ các bài viết trong sách Hồ Nghinh - Một chiến sĩ, một con người, Hoàng Minh Nhân chủ biên - NXB Đà Nẵng-2007 (tái bản).
(1) Theo số liệu thống kê, ta đã tiếp quản các kho gạo của địch tại Đà Nẵng lên đến trên 40.000 tấn.
(2) Văn phòng Thành ủy: Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng qua các thời kỳ (1930-2005), Nxb Đà Nẵng, 2005, tr. 124.
(3) Nguyễn Đức Minh: Đời tôi (hồi ký cách mạng), Nxb Đà Nẵng, 2012.
(4) Văn phòng Thành ủy: “Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng qua các thời kỳ (1930-2005)”. Nxb Đà Nẵng, 2005, tr. 136.
(5) Biên niên lịch sử Đảng bộ Quảng Nam-Đà Nẵng (1975-2005), Tam Kỳ, 2005, tr.202.